Bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne là cái tên mới nhất gia nhập nhóm các “Shark” gặp lùm xùm trong vấn đề kinh doanh.
Thương vụ bạc tỷ (tên tiếng Anh: Shark Tank Việt Nam) là phiên bản tiếng Việt của chương trình truyền hình nổi tiếng Shark Tank, dành riêng cho các startup Việt Nam.
Mục đích của chương trình nhằm truyền cảm hứng cho người chơi - những “Start-up” thực hiện các bài thuyết trình về những sản phẩm độc đáo của họ trước một hội đồng các nhà đầu tư, tường thuật lại quá trình thương thuyết để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào dự án kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, Thương vụ bạc tỷ cũng nổi danh là “mồ chôn” nhiều đại gia Việt. Tính đến thời điểm hiện tại, Shark Tank Việt Nam đã trải qua 3 mùa chơi, nhưng có đến 3 doanh nhân gặp bê bối trong vấn đề kinh doanh, đó là ông Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khải Silk, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo Việt Nam và cái tên mới nhất gia nhập nhóm này là bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne.
Doanh nhân Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khải Silk
Ông Hoàng Khải – Chủ tịch Tập đoàn Khải Silk từng được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là một trong 4 nhà đầu tư khách mời (mùa 1). Dù vậy đến khoảng cuối tháng 10/2017, Fanpage của Shark Tank Việt Nam đăng tải đã đăng tải thông báo, doanh nhân Hoàng Khải, người giữ vai trò một trong những nhà đầu tư khách mời của chương trình Shark Tank Việt Nam đã quyết định rút khỏi chương trình để "tập trung vào các công việc của tập đoàn.
Quyết định này có phần dễ hiểu khi trước đó ông Hoàng Khải dính scandal bán lụa Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam”.
Cụ thể, một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Sau khi nhận hàng, khách hàng đã phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”, 59 chiếc còn lại có dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.
Đến ngày 25/10/2017, ông Hoàng Khải đã chính thức thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương sau đó đã có kết luận, Công ty Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Tập đoàn Khải Silk có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng, quản lý thuế và quản lý hóa đơn và vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đến ngày 14/12/2017, doanh nhân Hoàng Khải đã thôi chức vụ người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, dù vẫn nắm 99% vốn, tương được 46,135 tỷ đồng vốn góp tại đây.
Người đại diện theo pháp luật mới của Công ty Khải Đức là bà Nguyễn Thu Nga trú tại Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội với chức vụ Giám đốc. Cơ cấu cổ đông cũng có sự điều chỉnh khi bà Thu Nga thay thế ông Hoàng Phi Phi sở hữu 1% cổ phần còn lại.
Doanh nhân Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Việt Nam
Ngày 21/6/2019, dư luận xôn xao trước thông tin các sản phẩm nhãn hiệu Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Trước đó 2 tháng (cụ thể khoảng tháng 4/2019), ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo Việt Nam đã được lựa chọn làm khách mời tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam.
Sau đó, VTV đã thông báo, ông Phạm Văn Tam sẽ không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời của mùa 3.
Bê bối của ông Tam lặp lại y hệt ông Khải “Silk” mùa 1 với lùm xùm hàng Trung Quốc, dán mác Việt.
Cuối tháng 10/2019 vừa qua, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết Asanzo có nhiều vi phạm, trong đó nổi bật như lừa dối người tiêu dùng, vi phạm về xuất xứ hàng hóa, trốn thuế,…
Trước những cáo buộc này, ông Phạm Văn Tam cho rằng không đủ căn cứ buộc tội. Trả lời giới truyền thông mới đây, ông Tam khẳng định,” Tôi là người luôn coi trọng người tiêu dùng và không bao giờ có ý nghĩ sẽ lừa dối họ. Đặc biệt, sản phẩm của tôi là hướng đến tầng lớp bình dân, nghèo... nên mục tiêu của chúng tôi không phải là lợi nhuận mà là phục vụ cộng đồng. Do đó, sản phẩm của công ty luôn được bán với giá thấp nhất có thể”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne
Chưa đến mức phải ngã ngựa như hai đại gia trên, nhưng bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) cũng vướng vào không ít lùm xùm.
Theo đó, dư luận trong những ngày gần đây đang xôn xao trước thông tin giá nước CTCP nước mặt sông Đuống (10.246 đồng/m3) của bà được Hà Nội mua cao gấp đôi so với giá nước của đối thủ cạnh tranh là Nhà máy nước sạch sông Đà của đại gia Tuấn "Gelex".
Chưa bàn đến câu chuyện đúng sai khi mức giá này mới chỉ là tạm tính, nhưng những phát ngôn của bà Liên mới đây đã gây sốc với dư luận.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, hôm 15/11, trên trang Facebook cá nhân bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) viết: "Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2 Winston Churchill: "Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu Bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!". Câu nói hay và rất ý nghĩa mình muốn chia sẻ với cả nhà". Đáng chú ý, bà Liên sau đó đã xóa dòng trạng thái nhiều ẩn ý này.
Không những thế, bà cũng từng khiến giới tài chính xôn xao với thương vụ bán tòa nhà 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM cho CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) – công ty do bà Đỗ Thị Minh Đức, em gái bà Liên làm Chủ tịch HĐQT. Theo đó, VASS đã phải chi đến 369 tỷ đồng chỉ để mua công trình này và 11 tỷ đồng để sở hữu quyền sử dụng đất.
Quyết định có phần khó hiểu này của VASS đã tự đẩy doanh nghiệp vào thế đối mặt với khoản lỗ 369 tỷ đồng chia đều 20 năm tiếp theo (Mời đọc thêm bài: Đằng sau cách hạch toán kỳ lạ của Bảo hiểm Viễn Đông).
-
Shark Liên – chủ dự án nước mặt sông Đuống: ‘Chó cứ sủa và người cứ đi’
-
Shark Linh và Shark Liên, chuyện về những nữ doanh nhân từng nhiều lần phải tự “gọt” mình để vừa với hôn nhân
-
Quá khứ học hành ít ai biết 3 nữ Shark Tank Việt: Người từng bỏ nghề giáo viên để đi kinh doanh, người là thạc sĩ tại Mỹ
-
Chân dung cá mập mới toanh tham dự Shark Tank mùa 3: Bỏ học đại học, bôn ba áp tải hàng từ Móng Cái tới ông chủ hãng tivi “made in Vietnam”
Link gốc:https://nhadautu.vn/gameshow-shark-tank-van-rui-cua-dai-gia-viet-d30247.html
Hóa Lộc
Theo Nhà Đầu Tư