Lượng tiền mặt "khủng" giúp doanh nghiệp đảm bảo tính thanh khoản giảm rủi ro tài chính và chủ động trong các cơ hội đầu tư.
Mùa báo cáo tài chính bán niên sôi động sắp kết thúc, các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) cũng dần lộ diện với những cái tên không còn xa lạ với nhà đầu tư như ACV, VIC, HPG, GAS, VNM, FPT, SAB, PLX, VEA và GVR.
10 doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán thời điểm 30/6/2021
Tại thời điểm 30/6/2021 cho thấy tổng lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 10 doanh nghiệp trên lên đến 239.733 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, Hòa Phát (mã HPG) có lượng tiền mặt lên đến gia tăng mạnh nhất từ đầu năm với hơn 10.000 tỷ đồng. Số dư tiền mặt của doanh nghiệp đầu ngành thép cuối quý 2 lên đến 31.827 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản. Tương tự, PVGas (mã GAS), Vinamilk (mã VNM), FPT (mã FPT), Sabeco (mã SAB), VEAM (mã VEA) cũng đều gia tăng nắm giữ tiền mặt trong 6 tháng đầu năm.
Chiều ngược lại, lượng tiền mặt cuối kỳ của Cảng hàng không (mã ACV), Vingroup (mã VIC), Petrolimex (mã PLX) và Tập đoàn Cao su (mã GVR) có sự sụt giảm đôi chút tuy nhiên vẫn là những con số “khổng lồ”. Trong đó, hai doanh nghiệp dẫn đầu là ACV và Vingroup đều đang sở hữu hơn 33.000 tỷ đồng tiền mặt.
Thực tế, tiền mặt luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dại dịch Covid-19 vẫn phức tạp khiến nhiều hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực nhất định về dòng tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ vay.
Do đó, việc sở hữu lượng tiền mặt "khủng" không chỉ giúp đảm bảo tính thanh khoản giảm rủi ro tài chính, trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong các cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, tiền lãi từ gửi ngân hàng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Lãi tiền gửi hàng trăm tỷ đồng
Xét về cơ cấu, các "ông vua" tiền mặt (trừ Vingroup) thường giữ phần lớn lượng tiền dưới dạng tiền gửi ngắn hạn để nhận lãi suất cao hơn so với không kỳ hạn. Trong đó, ACV có một lượng tiền gửi vượt trội so với phần còn lại với số dư thời điểm 30/6/2021 lên đến 32.666 tỷ đồng. Khoản tiền gửi “khổng lồ” này mang về cho ACV hơn 917 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp giữ tiền dưới dạng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng
Theo sau, PVGas có lượng tiền gửi 25.650 tỷ đồng cũng mang về hơn 405 tỷ đồng tiền lãi tiền gửi và tiền cho vay trong 6 tháng đầu năm. Con số này với Vinamilk thậm chí còn cao hơn với 525 tỷ đồng dù lượng tiền gửi của “đại gia” ngành sữa nắm giữ ít hơn, ở mức 19.971 tỷ đồng.
Với khoản tiền gửi hàng nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp còn lại cũng đều thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm 2021. Số tiền này phần nào bù đắp cho khoản chi phí lãi vay rất lớn trong kỳ mà các doanh nghiệp trên phải gánh do những khoản nợ vay cũng “khổng lồ” không kém.
Trong đó nổi bật là Vingroup với dư nợ vay thời điểm 30/6 lên đến 126.839 tỷ đồng (chưa kể 11.319 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi) bao gồm 31.437 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 95.402 tỷ đồng nợ dài hạn. Không bất ngờ khi chi phí lãi vay của tập đoàn này chỉ riêng trong quý 2 đã xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, Hòa Phát cũng phải gánh gần 600 tỷ đồng lãi vay trong quý 2 với số dư nợ vay cuối kỳ lên đến 55.993 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn chiếm 67%. Những cái tên còn lại như ACV, GAS, PLX, GVR,... cũng đều vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng và đương nhiên tiền lãi vay cũng “ngốn” cả trăm tỷ mỗi quý.