Đi làm 8-10 năm không một xu tiết kiệm, loay hoay trong sự nghiệp - cái giá mà nhiều người trẻ phải trả vì không có “kế hoạch tài chính” dài hạn.
Những gì bạn “gieo” ở hiện tại, sẽ là thành quả mà bạn gặt được trong tương lai. Tôi đã từng không tin điều đó, cho đến thực tại, khi ngưỡng cửa của tuổi 30 đang gõ cửa…
Trước 30 tuổi, tích lũy quan trọng như thế nào?
Khi cuộc đời bạn có những việc quan trọng, ví dụ tổ chức đám cưới, mua nhà, mua xe, bố mẹ ốm, con cái đi học, khi phải cần đến những món tiền lớn, bạn phải có đủ. Mọi người đều đã trưởng thành rồi, phải biết tính toán, lên kế hoạch cho cuộc đời mình.
Năng lực tài chính của mỗi người được đo đếm bằng nhiều cách nhưng điều dễ nhìn nhất chính là tài khoản tiết kiệm. Tôi biết mình không phải là một người quản lý tài chính giỏi nhưng không nghĩ nó lại tệ hại đến mức nào khi bạn gái tôi ngỏ lời muốn… cưới.
Bạn sẽ phản ứng thế nào trước những câu hỏi của người yêu: “Chúng mình tổ chức đám cưới ở đâu?”, “Khoảng bao lâu sau cưới thì mua nhà?”, “Chúng ta có nên đi hưởng tuần trăng mật tại Hàn Quốc?”… trong khi bản thân chỉ là một thằng nhân viên văn phòng bình thường, lương thưởng cơ bản và… chẳng có tích lũy gì cả?
Khi đó tôi không hề có một chút khái niệm nào gọi là “tích góp cho tương lai”. Chỉ đến khi kim đồng hồ chỉ điểm, tuổi 30 bắt đầu chạm ngưỡng, tôi mới thấm nhuần được giá trị của câu nói: “Sống không ngày mai là cách sống không tương lai”.
30 tuổi, đồng nghĩa với việc bạn phải sống có trách nhiệm và trưởng thành hơn.
30 tuổi, không còn đủ thời gian để chỉ nghĩ đến việc “sống cho riêng mình”.
30 tuổi, tôi phải “kết thúc” mối tình 6 năm của mình bằng một đám cưới thật đẹp. Tôi phải chịu trách nhiệm về những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của người con gái tôi yêu, tôi phải cho cô ấy được một cuộc sống hạnh phúc.
Thế nhưng…
Tôi bỗng chốc giật mình, rằng ở tuổi 30, tức là hơn 8 năm đi làm có lẻ, trong tài khoản cá nhân vẫn không có nổi khoản tích lũy nhỏ nhoi. Tôi tự hỏi bản thân sẽ phải xoay sở ra sao để lo cho tổ ấm của mình? Và điệp khúc “giá như” lặp lại văng vẳng trong đầu tôi: rằng giá như hồi trẻ tôi biết cách chi tiêu hợp lý, giá hồi đó mình biết cách lên kế hoạch để gia tăng thu nhập… Thì tương lai hiện tại của bản thân đã chẳng phải gặp những trắc trở như hiện tại.
Tôi thực sự vỡ ra được nguyên nhân vì sao khả năng tích lũy của mình lại thấp đến thế, biết được kiếm tiền đã khó nhưng “giữ” được tiền còn khó hơn rất nhiều lần… Quan trọng hơn cả, là bản thân tôi còn thiếu cho mình một “bản kế hoạch tài chính” dài hạn trong tương lai mà trước đây tôi không hề hay biết.
Một người thầy của tôi đã khẳng định rằng: “Quản lý tài chính là một kỹ năng cụ thể, là thứ bạn có thể có được nếu chịu khó học hỏi, giống như học lái xe hoặc học đá bóng”.
Và nếu bạn chưa biết bắt đầu học về quản lý tài chính từ đâu, tôi muốn bạn bắt đầu quá trình học hỏi ấy từ bài viết này.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế