Trẻ tuổi, từng du học Mỹ nhưng lại đam mê với những sản vật Việt Nam, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), đã kết hợp các loại nông sản với sản phẩm truyền thống như bún, miến, phở… hết sức độc đáo và sáng tạo.
Đặc biệt, mới đây anh Toàn tiếp tục tung sản phẩm bún dưa hấu, bánh tráng thanh long ra thị trường và được đón nhận khá tích cực.
CEO Lê Duy Toàn cho hay đang nỗ lực đưa sản phẩm bún dưa hấu không chỉ lan tỏa ra thị trường thế giới mà còn là điểm nhấn độc đáo cho một món ăn Việt. Ảnh: Quang Huy
Từ bánh tráng nghệ, củ dền… đến bún dưa hấu
Bún dưa hấu, một mặt hàng nghe khá lạ. Vậy ý tưởng làm sản phẩm này xuất phát từ đâu?
Thật ra việc kết hợp nông sản với những sản phẩm truyền thống Việt như bún, mì, miến, phở, bánh tráng vốn là thế mạnh kinh doanh của công ty. Cụ thể là chúng tôi đã làm nhiều sản phẩm như mì cải bó xôi, mì cà rốt hay bánh tráng nghệ, củ dền.
Hơn nữa, trước đây tôi cũng đã từng nghĩ đến bún dưa hấu nhưng do nhiều thứ phải làm nên chưa tập trung nghiên cứu. Nay trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng hóa ách tắc không xuất khẩu được và thấy dưa hấu khắp nơi ế ẩm, nông dân không có đầu ra đã thúc đẩy tôi đặt quyết tâm phải làm một điều gì đó cho bà con.
Mới đầu tôi cũng mua dưa hấu tặng cho nhân viên nhưng thấy cách này chỉ là giải pháp ngắn hạn. Vậy là tôi nghiên cứu kết hợp dưa hấu với các loại bún, miến, mì, phở, bánh tráng. Đầu tiên tôi chọn kết hợp giữa dưa hấu với bún.
Chắc là khá dễ dàng ở ngay lần thử sức đầu tiên vì kết hợp vốn là sở trường của anh?
Thất bại liên tục. Cùng với đội ngũ nghiên cứu, chúng tôi mày mò làm. Mẻ đầu tiên thất bại hoàn toàn vì màu không đạt, ăn thử không ngon. Mình ăn không ngon, sao bán ra thị trường được.
Rồi làm lại, vẫn thất bại. Lúc thì sợi bún không đạt chuẩn, bề mặt không láng mướt; lúc thì bị răng cưa, sần, sợi bún dễ bị đứt. Vậy là chúng tôi phải điều chỉnh tới lui công thức, thời gian sấy, thử các tỉ lệ giữa bột… cho đến khi đạt được thành phẩm hoàn chỉnh theo ý mình.
Nhiều lô hàng bún dưa dấu, bánh tráng thanh long đã đến tay người tiêu dùng Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Ảnh: Phương Minh
Sáng tạo để đáp ứng nhu cầu khách hàng
Đến nay anh có hài lòng với sản phẩm bún dưa hấu và dự định có làm thêm các sản phẩm khác?
Không chỉ mỗi dưa hấu, tôi đã hoàn thiện bánh tráng thanh long. Lúc đầu chúng tôi chọn thanh long trắng để làm bánh tráng nhưng sản xuất ra thì thành phẩm vị không ngon. Vậy nên chúng tôi quyết định sử dụng thanh long đỏ vì màu bánh tráng rất đẹp và có vị ngọt của thanh long.
Thực ra để ra sản phẩm hoàn chỉnh cũng mất cả tuần. Trong thời gian đó, chúng tôi suốt ngày thử nghiệm, sáng thử, chiều thử lại, thử hết mẻ này sang mẻ khác. Ví dụ, tôi đã sử dụng mấy trăm ký dưa hấu cho việc thử nghiệm. Thực tế, dưa hấu mua về phải bỏ đi 30% gồm phần vỏ và cùi trắng, chỉ lấy phần thịt đỏ, ngoài ra còn tốn công tách các hạt đen.
Nhìn lại, anh có thấy mình đã chọn con đường khó nhằn khi phải liên tục sáng tạo ra những sản phẩm mới góp phần “giải cứu” nông sản?
Nói giải cứu nông sản thì hơi to tát. Thực ra tôi muốn đóng góp một phần công sức để gia tăng giá trị cho nông sản Việt. Từ đó giúp giải phóng hàng cho bà con nông dân, vì mình có thị trường, có đầu ra và cả kinh nghiệm sản xuất.
Ngoài ra, tôi cũng muốn thử sức mình trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Vì trước giờ ai cũng thấy là bún, bánh tráng, phở làm từ gạo có màu trắng. Trong khi đó, nông sản Việt đa dạng mà lại ngon, sao lại không kết hợp để có những sản phẩm hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị.
Vả lại, khách hàng của công ty luôn đòi hỏi sản phẩm mới. Đây cũng là cách tạo sức ép cho công ty phải sáng tạo liên tục. Mà cứ mới là họ thích. Khi bún dưa hấu làm hoàn thiện, tôi chỉ gửi mẫu ảnh chụp, mô tả cách ăn, hương vị cho các vị khách nước ngoài là họ đồng ý mua ngay.
Một điều đặc biệt, sản phẩm hiện có của công ty đã xuất khẩu đi 42 nước. Riêng sản phẩm bún dưa hấu mới ra cũng đã đặt chân đến được thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, sắp tới là Úc.
Chấp nhận trả giá nhiều để thành công
Bước đầu nhiều sản phẩm như bún dưa hấu đã có đầu ra nhưng anh đã nghĩ đến chuyện khi hết ế ẩm thì nông sản sẽ tăng giá trở lại, đẩy giá thành phẩm lên cao nên khó cạnh tranh?
Tôi đã thiết lập con đường dài hạn và bền vững hơn. Đó là đưa bún dưa hấu trở thành sản phẩm chủ chốt để đẩy mạnh xuất khẩu. Một khi đã tính đến điều này có nghĩa là bún dưa hấu không phải là sản phẩm thời vụ. Cụ thể là chúng tôi đã bắt tay liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu.
Sản phẩm đi hàng chục nước nhưng để vững chân ở thị trường nước ngoài không dễ?
Hẳn nhiên rồi. Tôi đã trả giá nhiều rồi. Nhớ nhất có lần xuất sang Nhật, họ trả lại toàn bộ container hàng. Thị trường Nhật vốn khắt khe. Ai làm hàng xuất khẩu qua đây cũng đều biết điều này. Họ yêu cầu sản phẩm bánh tráng là 100 cái như một, phải tròn đều, không bị khuyết, mặt phải phẳng, không được lõm… Nghĩa là từng chi tiết nhỏ được quy định rất chặt chẽ.
Nhưng đó không phải là vấn đề. Có những cái phải thực sự gặp chuyện mới biết. Nhật mua bánh tráng cũng làm gỏi cuốn như mình. Lúc đó tôi làm bánh tráng có độ dày thông thường như ở VN. Nhưng qua đó họ làm là bị rách và nghĩ mình làm bánh không đạt, trả lại toàn bộ lô hàng.
Tôi sốc lắm vì không hiểu tại sao, do khi thử nghiệm tại VN không có vấn đề gì. Sau đó tìm hiểu kỹ thì hóa ra họ cuốn một cái bánh tráng để ăn mất thời gian lâu hơn mình. Bánh tráng sau nhúng nước, họ mới lấy nhân cuốn, rất tỉ mỉ nên lâu hơn so với VN và vì bánh mỏng nên dễ rách... Phát hiện ra điều này nên tôi tăng độ dày bánh lên thì giải quyết được hết.
Không chỉ bánh tráng mà có nhiều sản phẩm phải quyết tâm lắm mới thành công.
Nước ép dưa hấu được sử dụng để thay thế một phần nước trộn bột gạo làm bún. Ảnh: Hoàng Linh
Về Việt Nam để đưa bánh tráng Củ Chi xuất ngoại
Điều gì khiến anh quyết định quay về Việt Nam và khởi nghiệp với những sản phẩm truyền thống?
Khi ra nước ngoài học, điều đầu tiên tôi nói với ba má là sẽ không về lại Việt Nam, học xong sẽ lập nghiệp tại Mỹ. Sống chung với một gia đình người Mỹ, tôi cũng hay đi siêu thị châu Á và thấy trên kệ hàng có các loại bánh tráng đóng mạc Made in Thailand. Tôi biết xưa giờ người Thái không sản xuất được loại hàng này mà đặt Việt Nam làm hàng xá, xong mang về nước gia công, vào bao bì, đóng gói xuất khẩu.
Vậy mà giờ đây những sản phẩm này lại chễm chệ trên các kệ hàng siêu thị nước Mỹ. Trong khi ba má mình cũng là những người sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) ngon hơn nhiều, đáng lý phải có cơ hội xuất khẩu.
Tự ái dân tộc nổi lên, tôi mang điều này về trao đổi với vợ chồng chủ nhà người Mỹ. Họ bảo tôi nên quay về Việt Nam thực hiện giấc mơ đó. Tôi nghĩ lớn lên ở vùng đất Củ Chi, nơi nổi tiếng với bánh tráng Phú Hòa Đông, cũng là cái nôi đưa tôi bước qua nước Mỹ du học. Mình cần làm điều gì đó cho quê hương, vậy là tôi quyết định quay về Việt Nam.
Nhưng bước vào kinh doanh hẳn là không dễ dàng?
Ban đầu tôi tiếp quản cơ sở sản xuất của ba má. Mới đầu cũng khó khăn lắm, đi chào hàng rất vất vả. Những lúc khó khăn tôi cũng đã suy nghĩ đến việc bỏ cuộc. Thậm chí có lúc nản, tôi ngồi nghĩ với kiến thức như mình làm công ty nước ngoài cũng đủ sống.
Nhưng rồi lại suy nghĩ chính cái bánh tráng đã cho mình cơ hội đi nước Mỹ thì phải làm sao đem sản phẩm này ra thế giới, gia tăng giá trị, chứ không thể cứ để sản phẩm truyền thống quanh quẩn trong nước.
Tôi sẽ xây dựng bảo tàng về bánh tráng
CEO Lê Duy Toàn chia sẻ hiện công ty đã đưa bánh tráng quê hương đến nước Mỹ và nhiều nước khác. Kỳ vọng tiếp theo của công ty là làm sao bán nhiều hơn các sản phẩm truyền thống Việt Nam ra thế giới.
“Đến thời điểm chín muồi, tôi sẽ xây dựng một bảo tàng về bánh tráng ở Phú Hòa Đông, Củ Chi. Qua đó để bảo tồn các giá trị, để mọi người hiểu được quá khứ, hành trình, giữ được cách làm bánh truyền thống và các bước đi ra thế giới. Đây là mục tiêu tiếp theo mà tôi sẽ thực hiện cho bằng được” - anh Toàn bộc bạch.
Theo Người Đô Thị