Sáng 20-2, TAND TP.HCM đã mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên. Vừa bắt đầu, phiên toà đã rất 'nóng' với những tranh cãi từ luật sư hai bên về thủ tục và xác định yêu cầu phản tố.
Sáng 20-2, TAND TP.HCM đã mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, chồng của bà Thảo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Trước đó ngày 29-1, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ ly hôn này nhưng phải tạm hoãn vì vắng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của các bên và vắng mặt nhiều người liên quan.
Tranh cãi việc giao nộp tài liệu
Phiên tòa hôm nay (20-2) có sự tham gia của nhiều luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và bị đơn.
Để làm rõ các tình tiết của vụ án, HĐXX cũng triệu tập nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án như các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng này vắng mặt không có lý do.
Trong phần thủ tục mở đầu phiên toà, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Công ty thẩm định giá Sài Gòn để làm rõ chứng thư thẩm định giá trong vụ án và xác định bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tư cách cổ đông các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên tham gia phiên toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, các luật sư của phía bị đơn cho rằng việc triệu tập công ty giám định là không bắt buộc và không cần thiết trong phiên toà này. Theo luật sư, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện theo pháp luật nên có quyền đại diện các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên.
Phía bị đơn cũng đồng ý với ý kiến của nguyên đơn về việc để cá nhân là cổ đông có quyền phát biểu ý kiến với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, như vậy tương tự bà Thảo, ông Vũ và người đại diện theo uỷ quyền của ông Vũ có quyền phát biểu ý kiến liên quan đến quyền lợi của mình.
Ngoài ra, luật sư phía nguyên đơn còn có ý kiến về việc trước khi mở phiên toà, bị đơn có nộp cho HĐXX bộ tài liệu để HĐXX tham khảo. Luật sư cho rằng phía nguyên đơn, hay đại diện VKSND TP.HCM cần được tiếp cận tài liệu này.
HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết toà sẽ tiến hành triệu tập công ty giám định đến toà. Tuy nhiên, trong phiên toà hôm nay, HĐXX xét thấy không cần thiết nên không triệu tập.
Theo toà, ông Vũ với tư cách là chủ tịch HĐTV, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có ủy quyền cho ông Phước được ý kiến bảo vệ quyền lợi cho các công ty.
HĐXX cho rằng đối với các cổ đông không thể đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà Thảo với tư cách là nguyên đơn vẫn có quyền tranh luận, nêu ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình.
Bị đơn có yêu cầu phản tố
Một trong những nội dung gây tranh cãi giữa hai bên là việc xác định yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo đó, sau khi TAND TP.HCM thụ lý vụ án, tháng 7-2016, phía bị đơn đã có yêu cầu phản tố về nhiều vấn đề như các khoản tiền tại ngân hàng, các bất động sản ở Quận 2, Quận 9, Bình Thạnh, Củ Chi, căn nhà ở Úc và tài sản trong một số công ty. Sau đó, bị đơn rút một phần yêu cầu phản tố. Song đến nay, bị đơn khẳng định vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố như ban đầu.
Tại tòa, luật sư bảo vệ phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn xác định lại vấn đề này. Theo luật sư phía nguyên đơn, bị đơn đã rút một phần yêu cầu phản tố nên việc đề nghị giữ nguyên yêu cầu phản tố là không phù hợp.
Phản bác lại, theo luật sư phía bị đơn thì đây không phải là yêu cầu mới. Khi bị đơn phản tố, HĐXX đang xem xét và chưa có quyết định đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu này, vì thế bị đơn có quyền giữ nguyên yêu cầu phản tố.
Ban đầu, tài sản tranh chấp là 26 tài sản. Đến nay, hai bên thống nhất chỉ tranh chấp 13 tài sản. Đây là những tài sản đủ điều kiện pháp lý để đưa ra tranh chấp.
Theo ý kiến VKS, ông Vũ đã rút một phần yêu cầu phản tố nên toà án chưa thu thập chứng cứ và chưa tiến hành hoà giải các phần này. Vì vậy cần xác định rõ yêu cầu của ông Vũ.
Bà Thảo bật khóc khi nói về các con
Trong đơn ly hôn, bà Thảo nêu: "Trong thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng tôi hạnh phúc, yêu thương nhau thật sự, cùng nhau tạo lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên với Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty trực thuộc, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây chúng tôi phát sinh mâu thuẫn trong tư tưởng, suy nghĩ về cuộc sống và đời sống vợ chồng... nhận thấy tình yêu không còn, mục đích của hôn nhân không đạt được, việc kéo dài tình trạng hôn nhân càng làm chúng tôi thêm đau khổ. Nay tôi yêu cầu chấm dứt quan hệ vợ chồng với ông Đặng Lê Nguyên Vũ".
Tại toà sáng nay, bà Thảo vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Hơn 6 năm nay, anh bỏ bê gia đình, bản thân tôi vẫn cố gắng đảm bảo các con được yêu thương, chăm sóc" - bà Thảo bật khóc.
Bà yêu cầu được nuôi 4 người con chung, ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con 5% cổ phần. "Tôi tha thiết mong các con được 5% cổ phần để các con gìn giữ sản nghiệp gia đình" - bà Thảo nói.
Ngược lại, ông Vũ cũng mong muốn được nuôi 4 con chung. Tuy nhiên, ông tôn trọng sự lựa chọn của các con và đồng ý cấp dưỡng cho mỗi con 5% cổ tức cho đến khi trưởng thành. "Tôi gần như không quan tâm đến tiền, không ai giành tiền. Mình đã sai đừng bao giờ đưa các con vào. Không thể nuôi dưỡng các con như vậy, Trung Nguyên cũng không thể nuôi dưỡng như vậy.
Hơn 20 năm Trung Nguyên không còn tính mới nữa, phải có sách lược, phải có trí tuệ, mình có gì đặc biệt hơn người ta" - ông Vũ nói tại tòa.
Phiên toà vẫn đang tiếp tục, dự kiến sẽ kéo dài trong 2 ngày.
Trước đó, trong đơn xin ly hôn, bà Thảo cũng yêu cầu tòa phân chia tài sản chung. Được biết, khối tài sản khổng lồ của vợ chồng vua cà phê gồm cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên ước tính có trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng và nhiều bất động sản và tài sản khác.
Vụ ly hôn này được TAND TP HCM thụ lý cuối năm 2015. Đến năm 2017, cơ quan chức năng đã hoàn tất thủ tục cần thiết để bảo vệ khối tài sản của cả hai.