Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giá đất nền đồng loạt tăng 20-30%, Bộ Xây dựng nhận định nguy cơ "bong bóng" khó xẩy ra

18/02/2022 06:13

Lượng giao dịch đất nền tăng mạnh tại các thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 và tháng cuối năm 2021, theo Bộ Xây dựng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án đã tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý 1 đầu quý 2/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Dẫn số liệu tổng hợp từ các địa phương có báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, riêng quý 4/2021, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với quý trước đó.

Cụ thể, trong quý có 63.298 giao dịch đất nền thành công; trong đó tại miền Bắc có 13.157 giao dịch, tại miền Trung có 39.827 giao dịch, tại miền Nam có 10.314 giao dịch thành công.

Tính chung năm 2021, cả nước có 170.465 giao dịch đất nền thành công; trong đó, riêng tại Hà Nội có 10.875 giao dịch thành công; tại TP.HCM có khoảng 14.443 giao dịch thành công.

Đáng chú ý, lượng giao dịch đất nền tăng mạnh tại các thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 và tháng cuối năm 2021.

Về giá, báo cáo cho biết, giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền tại một số địa phương trong những tháng cuối năm 2021 tiếp tục tăng.

Cụ thể, tại Hà Nội, một số dự án có mức độ tăng giá giao dịch bình quân cao như: Khu di dân Đền Lừ III (quận Hoàng Mai) có giá khoảng 160 triệu đồng/m2, Dự án Văn Khê (Hà Đông) có giá khoảng 168 triệu đồng/m2, Khu đô thi Tân Tây Đô (Đan Phượng) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2,...

Tại TP.HCM, một số dự án có mức độ tăng giá giao dịch bình quân cao, như: Dự án Saigon Mystery Villas (Quận 2) có giá khoảng 210 triệu đồng/m2, Dự án KDC Nam Long (Quận 9) có giá khoảng 85 triệu đồng/m2, Dự án Jamona Home Resort (TP.Thủ Đức) có giá khoảng 60 triệu đồng/m2), Dự án Làng Đại học ABC (Huyện Nhà Bè) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2….

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP.Đà Nẵng,…).

Trước tình trạng trên, để ngăn ngừa sốt giá đất nền trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.

“Đến nay, theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009)”, Bộ Xây dựng nhận định.

Theo Vân Phong/BizLIVE