Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Gia tộc kinh doanh: Ba đời thành danh của gia đình doanh nhân Đỗ Thế Sử

07/07/2021 13:27

Ở Hà Nội, cụ bắt đầu kinh doanh gỗ bằng cách đi theo các xe chở gỗ của người khác để tìm chỗ họ bán, và thế là sau đó gỗ của cụ được chở vào công trường, đồng thời cũng xây được xưởng xẻ gỗ ở trong thành phố. Ngỡ tưởng thuận buồm xuôi gió thì cụ Đỗ Thế Sử bất ngờ bị ép tội và bị bắt bỏ tù.

z2598738936112-fbfd9051d4a1d9a9fcddf2ec650f8522-1625638838.jpg
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử

Doanh nhân Đỗ Thế Sử: Từ Tổng biên tập báo Sơn Tây Tiến đến Đại lão doanh nhân

Cụ Đỗ Thế Sử sinh ngày 3/2/1923 trong một gia đình điền chủ cách mạng tại thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh, thuở thiếu thời, cụ được biết đến là người tài hoa trong văn chương chữ nghĩa, tài viết kịch, chơi đàn.  

Năm 1947, sau khi được kết nạp Đảng thì cụ Đỗ Thế Sử được cử đi học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng trong 3 tháng. Kết thúc đợt học, cụ được giao làm Tổng biên tập tờ báo Sơn Tây Tiến.

Trong thời gian công tác báo chí, cụ đã có 2 lần phải nghỉ ốm về gia đình dưỡng bệnh. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, cụ xin chuyển công tác về Tỉnh ủy Sơn Tây và đưa gia đình lên Hà Nội sinh sống.

Ở Hà Nội, cụ bắt đầu kinh doanh gỗ bằng cách đi theo các xe chở gỗ của người khác để tìm chỗ họ bán, và thế là sau đó gỗ của cụ được chở vào công trường, đồng thời cũng xây được xưởng xẻ gỗ ở trong thành phố. Ngỡ tưởng thuận buồm xuôi gió thì cụ Đỗ Thế Sử bất ngờ bị ép tội và bị bắt bỏ tù.

Dù phải ở tù nhưng sự oan khuất của cụ được nhiều người thấu. Ít lâu sau thì cụ được giải oan và trở ra, xin về công tác ở Sở Văn hóa tỉnh Sơn Tây. Thế nhưng, nhà đông con, kinh tế eo hẹp, lại thương vợ vất vả, cụ quyết định nghỉ công tác để ra ngoài sản xuất.

Cụ trở thành chủ nhiệm của một hợp tác xã tại quận Hai Bà Trưng, bắt đầu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí. Việc kinh doanh ổn định giúp hợp tác xã trở nên có tiếng tăm. Lúc ấy cụ bất ngờ bị một cán bộ mới đến nghi ngờ và đấu tố tội tham ô, tuy nhiên không chứng minh được cụ có mắc mớ gì về tài chính của hợp tác xã.

Sau sự việc ấy, cụ xin về một hợp tác xã đang xuống dốc ở quận Đống Đa, quyết tâm giúp đơn vị này đi lên. Thế mà, cụ một lần nữa bị bắt vì cơ sở làm khóa của gia đình cụ khi ấy bị nghi ngờ là làm khóa lậu. Chưa đầy 1 tháng thì cụ được thả, nhưng ấy cũng là lúc người vợ đầu của cụ lâm bệnh nặng và qua đời sau đó ít lâu.

z2598740255120-26bb0a325fe85747bea26d5a29455558-1625638838.jpg
Cụ Đỗ Thế Sử và người vợ đầu (Nguồn: Hồi ký Chưa trọn trăm năm đã vẹn một chữ Người)

Trong cuốn hồi ký của mình, cụ Đỗ Thế Sử chia sẻ đã gà trống nuôi con trong suốt 14 năm ròng, chỉ khi thực hiện được lời hứa với người vợ đầu đã mất là nuôi nấng những đứa con “ăn học đầu đến đũa”, cụ mới tính đến chuyện tục huyền (tái hôn).

Khi đứa con đầu lòng với người vợ thứ hai ra đời, hai vợ chồng cụ bắt đầu sản xuất nước mắm để bán cho thương nghiệp Hà Nội, sau đó là chuyển sang làm bóng bì lợn. Theo cụ, sở dĩ chọn nước mắm để sản xuất kinh doanh vì công việc này không liên quan gì đến máy móc, dư luận sẽ không cho là lạm dụng hợp tác xã cơ khí.

“Mình sẵn có máu buôn nên thấy cái gì có lợi nhuận là nhảy vào nhưng nhờ thời cuộc nên làm cái gì cũng có lãi”, trích hồi ký của doanh nhân Đỗ Thế Sử.

Khi có cơ hội được sang Tiệp Khắc theo tiêu chuẩn của người con Đỗ Anh Tú, với gen kinh doanh trong người, cụ đặt mua hàng ngàn cái mũ phớt rồi đem về bán ở chợ Bến Thành và bán cho các lái xe đi Campuchia. Với tiền lãi từ việc bán mũ, vợ của cụ Đỗ Thế Sử sang Tiệp Khắc và buôn pha lê. Việc kinh doanh ngành hàng quần áo của gia đình cụ cũng phát triển từ khi đó.

z2598741093440-b55d4eb8c47bc7a822667bd99c04c616-1625638838.jpg
Cụ Đỗ Thế Sử và người vợ sau Nguyễn Kim Phương

Theo cuốn hồi ký của cụ Đỗ Thế Sử, khi ấy con trai cụ là ông Đỗ Anh Tú, một vị phó tiến sĩ chưa vợ dù không muôn nhưng vẫn phải theo lời mẹ đi mua băng vệ sinh phụ nữ để chèn vào pha lê. Ai ngờ, chính ông sau này lại là người sáng lập ra thương hiệu băng vệ sinh đình đám “made in Việt Nam” Diana.

Ở tuổi 73, cụ Đỗ Thế Sở lập Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc (Gamexco) với quy mô ban đầu chỉ là 50 công nhân, sau đó đã tăng lên trên 300 lao động. Ở độ tuổi 90, cụ vẫn là người trực tiếp điều hành, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Đông Âu.

Năm 2012, doanh nhân Đỗ Thế Sử được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp Việt Nam” và phong tặng danh hiệu “Đại lão doanh nhân Việt Nam”.

Ông Phạm Sanh Châu, khi ấy là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Bỉ và Ủy ban châu Âu đã chia sẻ về cuộc đời của cụ Đỗ Thế Sử: “Chưa hết trăm năm đã trọn vẹn một chữ Người”.

Những người con thành đạt

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định rằng: “Với tinh thần doanh nhân cao quý, cụ Đỗ Thế Sử luôn tâm huyết dạy dỗ các thế hệ con cháu đề cao chữ Tín hàng đầu biểu trưng cho nhân cách doanh nhân”.

Cụ luôn khuyến khích con cháu học tập không ngừng, đề cao tinh thần trọng chữ và hiếu học. Khi người vợ đầu qua đời, con trai cả của cụ là ông Đỗ Thái Tùng đã xin nghỉ học để đi làm giúp đỡ bố nuôi các em. Lúc ấy cụ vô cùng cảm động với tấm lòng hiếu nghĩa của con, nhưng vẫn khuyên con phải học thật tốt để làm gương cho các em.

“Con yên tâm, bố đủ sức để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”, trích hồi ký của doanh nhân Đỗ Thế Sử.

Quả nhiên là như vậy. Mười một người con của cụ đều là những người thành đạt, học cao hiểu rộng trong nhiều lĩnh vực.

z2598741981917-3679df01e3c034f19dba55190a9571fa-1625638838.jpg
Đại gia đình cụ Đỗ Thế Sử tại đám cưới của người con út Đỗ Khôi Nguyên

Ông Đỗ Thái Tùng là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam ưu tú. Bà Đỗ Minh Thuận là nhà giáo mẫn cán với sự nghiệp trồng người. Ông Đỗ Quốc Bình là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn là Tổng giám đốc Công ty FTD. Bà Đỗ Thị Xuân Mai là Giám đốc Công ty Green Global.

Bà Đỗ Kim Dung là Giám đốc Công ty Sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa. Ông Đỗ Khôi Nguyên là Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Ông Đỗ Tất Cường là giáo sư tiến sĩ thầy thuốc nhân dân, cự Phó giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện là Phó tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup). Bà Mộng Điệp, con gái riêng của người vợ sau của cụ Đỗ Thế Sử, đang điều hành doanh nghiệp ở Cộng hòa Séc. 

Đặc biệt, 2 người con là doanh nhân của cụ Đỗ Thế Sử là ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú được nhiều người biết đến là nhà sáng lập của thương hiệu Diana.

Ra đời từ năm 1997, thương hiệu băng vệ sinh này là sản phẩm của Công ty Cổ phần Diana, đơn vị được ông Phú và ông Tú thành lập với số tiền đầu tư ban đầu là 600.000 USD. Giá trị của Diana vào năm 2011 đã lên đến 200 triệu USD, tăng gấp hơn 300 lần sau 14 năm thành lập.

z2598744144763-66426fd1876d44329eefee3f5cbb7f9d-1625638838.jpg
Ông Đỗ Minh Phú (trái) và ông Đỗ Anh Tú (phải)

Khi có một vị trí nhất định trên thị trường, thậm chí ngang ngửa với đối thủ cạnh tranh là Kotex đến từ Mỹ, ông Phú quyết định bán Diana cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) để đưa thương hiệu vươn xa hơn đến thị trường quốc tế.

Ngoài Diana, sự ăn ý của 2 anh em ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú còn được thể hiện ở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Trong đó, ông Phú nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng, còn ông Tú là Phó chủ tịch HĐQT.

Chia sẻ với báo giới, ông Phú cho biết bản thân ông sẽ thiên về chiến lược phát triển, quản trị lõi còn ông Đỗ Anh Tú sẽ thực hiện vận hành cụ thể, đặc biệt là có vai trò chủ chốt trong chiến lược marketing.

Không chỉ bén duyên với ngành ngân hàng hay sản phẩm phụ nữ, ông Đỗ Minh Phú còn được biết đến rộng rãi với vai trò nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji.

Từ những năm 1990, ông Phú đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này bằng việc trở thành Tổng giám đốc của Công ty liên doanh đá quý VIGEMTECH. Tiếp nhận các bí quyết xử lý nhiệt đối với đá quý của đối tác Thái Lan, ông Phú cùng các cộng sự đã tìm ra phương pháp khoa học để nâng cao chất lượng đá quý, tìm ra giải pháp riêng về xử lý đá quý.

Đạt được những thành tựu nhất định, ông Phú quyết định thành lập công ty riêng với tên gọi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, tiền thân của Tập đoàn Doji hiện nay.

Trải qua nhiều năm hoạt động, Doji dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Minh Phú đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vàng bạc đá quý như SJC Hà Nội, SJC Đà Năng, Công ty Cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái và gần đây nhất là Công ty Thế giới Kim cương.

Thế hệ doanh nhân thứ 3

Thế hệ thứ 3 của gia đình đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử khá kín tiếng, duy chỉ có 2 người con của ông Đỗ Minh Phú được biết đến nhiều hơn với các vai trò chủ chốt trong Tập đoàn Vàng đá quý Doji.

Bà Đỗ Vũ Phương Anh, sinh năm 1980, là con gái cả của chủ tịch Tập đoàn Doji. Từ năm 2008-2010, bà là Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Diana. Trước đó, bà từng nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý và Đầu tư Thương mại Doji.

Từ năm 2009-2017, bà là Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Doji và đồng thời là Phó chủ tịch tập đoàn cho đến nay.

Trong quá trình công tác, bà Đỗ Vũ Phương Anh từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuến học Việt Nam.

Con trai của chủ tịch Đỗ Minh Phú là ông Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983), bắt đầu công tác tại Tập đoàn Doji từ năm 2008 với vị trí giám đốc kinh doanh. Sau đó, trong giai đoạn 2009-2017, ông giữ chức vụ Phó tổng giám đốc của tập đoàn, rồi sau đó trở thành Tổng giám đốc tập đoàn.

Tương tự như chị gái của mình, ông Đức cũng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và của UBND TP. Hà Nội.

Theo Hải Đường/VietnamFinance