Là dòng họ ba đời có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi, gia tộc bà Nguyễn Thị Sơn, người phụ nữ can trường gắn liền tên tuổi với Legamex lừng lẫy một thời đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành thời trang, bất động sản, dược phẩm, bán lẻ…
Các thương hiệu gia tộc Sơn Kim đáng chú ý như Sơn Kim Group, Sơn Kim Land (với các chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Serenity Sky Villas, Metropolitan), Son Kim Mode (với các thương hiệu VERA, JOCKEY, WOW), Son Kim Retails với các thương hiệu liên doanh với Hàn Quốc (GS25, GSSHOP), với Pháp (Jardin Des Sens, Mama Sens), với Nhật Bản (KYO WATAMI)…
Từng trải qua bao gian truân trong quá trình khởi nghiệp, chồng mất sớm, người mẹ đơn thân nuôi 5 đứa con thành tài, chính tấm gương và sự giáo dưỡng của người mẹ đã trở thành hành trang, gia tài lớn nhất cho các con bước vào đời và tạo dựng nghiệp lớn.
Lần đầu tiên trên diễn đàn lớn “Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam” do TheLEADER tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, cuộc đối thoại thẳng thắn giữa 2 thế hệ gia tộc Sơn Kim bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT trường Duy Tân và con gái Nguyễn Hồng Trang, CEO GS25 đã để lại nhiều cảm xúc cho hơn 200 người tham dự.
Doanh nhân Nguyễn Thị Sơn và các con, cháu
Cũng tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Sơn đã khẳng định điều mà nhiều người vẫn lầm tưởng: “Tên tuổi tôi gắn liền với Legamex, công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hoá. Chính việc đi tiên phong này đã khiến tôi chịu bao hàm oan, rơi vào vòng lao lý. Khi tôi được minh oan, chính sách cổ phẩn hóa đã trở thành tiên phong trong cải cách kinh tế của Nhà nước.
'Tiến vi quan, thoái vi sư', sau sự cố đó tôi quyết định rời vai trò doanh nhân, về làm hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý doanh nghiệp (CBAM) - thuộc VCCI, đào tạo doanh nhân và bây giờ lập trường THCS, THPT Duy Tân, với mong muốn mang lại cơ hội học tập cho thế hệ trẻ ở mọi miền đất nước.
Con cái tôi không được thừa hưởng tài sản gì từ Legamex cả. Điều các con tôi được thừa hưởng chỉ là con mẹ Sơn, thừa hưởng cái gen của mẹ, thừa hưởng những kinh nghiệm quản lý từ mẹ, chứ không thừa hưởng gì về tài sản từ tôi.
Năm 1993 con trai tôi Nguyễn Hoàng Tuấn học nước ngoài về, thành lập Công ty Sơn Kim Group, từ một công ty thời trang sau đó phát triển thêm về dịch vụ, thương mại.
Con cái cùng quản lý một công ty đôi lúc cũng không đồng thuận, chuyện đó thực sự doanh nghiệp gia đình nào cũng có, anh chị em trong một gia đình nhiều khi giỏi quá lại càng khác biệt. Nếu 5 đứa con cùng làm ở Sonkim Fasion chắc chắn có mâu thuẫn, nên các con tôi đã chủ động tách ra làm riêng.
Hồng Vân cùng với chồng là Hồ Nhân xây dựng Công ty hóa dược phẩm Nanogen - Bio. Cậu con út Hoàng Lâm cũng ra làm chủ, các cửa hàng của gia đình bây giờ đều do cậu ấy thiết kế.
Về mô hình kinh doanh, khi ban đầu doanh nghiệp của chúng tôi còn là hợp tác xã, chủ yếu gia công cho Liên Xô, mô hình kinh doanh tương đối đơn giản, 4.000 người cộng với 10 ngàn vệ tinh, ký với Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc làm không hết việc.
Đến thời Sonkim Fasion ra đời, xây dựng thương hiệu Vera quả không đơn giản, phải phân tích khách hàng mới khi xuất sang các thị trường Ý, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha. Rồi nghiên cứu về mục tiêu thị trường mới, kênh bán hàng, thay đổi công nghệ, tiếp thị.
Đó chính là nền tảng kinh doanh thời kinh tế thị trường, phải có nghiên cứu để biết thị trường cần gì, nguồn lực của mình ra sao, sản phẩm cuối cùng, vốn. Vốn là của gia đình, chứ không phải của Nhà nước. Son Kim cũng là doanh nghiệp đầu tiên thay đổi về công nghệ bán hàng trên TV”.
Kể về những giá trị gia đình và giá trị kinh doanh tử tế đã được truyền từ đời này sang đời khác, như một bảo chứng cho sự trường tồn và kế thừa thành công giữa các thế hệ, bà Sơn thổ lộ: “Là một gia tộc có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi, bố mẹ tôi là người Bắc Ninh, sống ở Hà Nội, di cư vào miền Nam năm 1954. Khi ở Hà Nội mẹ tôi có một tiệm bán vải lụa. Sau đó, gia đình tôi có 2 năm sống ở Huế. Vào Sài Gòn năm 1956, mẹ tôi quyết định mở cơ sở may quần áo thương hiệu Đại Thành, bán sỉ ở các chợ Thủ Đức, Tam Hiệp, Ông Tạ, Trương Minh Giảng, Gò Vấp, Chợ Lớn, Bến Thành và các tỉnh miền Trung…
Sau ngày 30/4/1975, cơ sở sản xuất chuyển thành tổ hợp sản xuất và năm 1978 trở thành Hợp tác xã Đại Thành cung cấp hàng may mặc cho hệ thống thương nghiệp quốc doanh và hệ thống hợp tác xã mua bán (thương nghiệp tập thể). Từ những kinh nghiệm truyền thống kinh doanh vải sợi của mẹ tôi đã truyền lại cho chị em tôi và sau này các con tôi, là chủ những thương hiệu có uy tín về may mặc ở Việt Nam
Bố tôi là người có nhiều ảnh hưởng về sự phát triển nhân cách của tôi, ông vừa là người cha, vừa là người thầy, ông không dạy tôi về kinh doanh như mẹ, mà chỉ luôn nhắc nhở về tính khiêm tốn và lòng tự trọng.
Tôi ảnh hưởng nhiều từ mẹ về tính chịu đựng, kiên trì và quyết đoán. Khi bà làm đúng thì rất quyết tâm, và khi thất bại vẫn bình tĩnh gầy dựng lại từ đầu. Ngành may của gia đình từ cái nôi đầu tiên do bà gầy dựng sau này con cháu đều thành đạt. Bà có tấm lòng bao dung, chẳng bao giờ than phiền ai.
Khi con trai tôi xin làm dự án nhà ở cao tầng, mẹ tôi nói, con nên tìm đối tác nước ngoài chuyên nghiệp về bất động sản vì hai lẽ: Một là họ có vốn lớn, họ sẽ chia sẻ rủi ro thị trường với con, thị trường bất động sản lên xuống thất thường lắm. Hai là người nước ngoài có chuyên môn, kinh nghiệm về xây dựng nhà cao tầng… chừng nào con tìm được đối tác tốt thì bà đồng ý cho làm.
Một quỹ tài chính Nhật Bản sau khi làm việc với con trai tôi đã đến thăm gia đình và gặp mẹ tôi, sau đó họ quyết định đầu tư vào Sonkim Land. Mẹ tôi mất năm 2015 thọ 85 tuổi. Những lời nói cuối đời của bà được con trai tôi răm rắp thực hiện, đó là cao ốc The Nassim”.
Bà Nguyễn Thị Sơn
Trải qua biết bao những thăng trầm của lịch sử, những trói buộc kéo dài của cơ chế đã làm tổn thương nghiêm trọng thế nào đến nhà kinh doanh chân chính, và bà cũng đã từng nếm trải nhiều trái đắng?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Từ 1975 đến nay đã gần 45 năm, nhìn lại quá trình từ các chính sách nhà nước xuất phát từ nền kinh tế kế hoạch tập trung đến những chính sách đổi mới, mở cửa, rồi nền kinh tế thị trường có định hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhìn chung đã có nhiều sự thay đổi, nhiều tiến bộ, nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đáng tự hào…
Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận có những lúc suy nghĩ về thị trường cạnh tranh, về điều hành kinh tế vĩ mô còn lượng xượng (thậm chí ấu trĩ) đã làm tổn thương nền kinh tế, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, làm nảy sinh sự nhũng nhiễu của một số cán bộ quản lý nhà nước, lòng tham vặt vãnh trở thành phổ biến trong nếp sống của người dân.
Nhiều lúc tôi cảm thấy tiếc, giá như không có ngăn sông cấm chợ, (người nông dân chở vài ký gạo, vài ký thịt từ Long An lên TPHCM bị bắt; người tiểu thương xách một túi đựng vài mét vải bị bắt, bị bỏ tù) thì chắc là đã chẳng có dòng người bỏ xứ ra đi.
Giá như không có việc “đổi tiền” mỗi gia đình chỉ đổi được 200 đồng (năm 1975) hoặc đổi 10 đồng còn 1 đồng (năm 1985) thì vốn trong dân đã không kiệt quệ, sức mua của dân đã có thể tạo ra sự kích cầu làm cho sản xuất công nghiệp có nhiều sáng tạo hơn, có nhiều hàng hóa, của cải vật chất hơn… và còn nhiều câu hỏi “giá như” khác nữa.
Chuyện cổ phần hóa của Công ty Legamex gặp sự cố, tôi cho rằng chỉ như một “cái răng gẫy” trong nhiều chuỗi sự kiện. Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng “muốn làm” và tư tưởng “sợ hãi” của những nhà quản lý. Như người dọn nhà mới, ông chồng bảo bán những đồ đạc cũ để mua đồ mới về kê cho đẹp đồng bộ, bà vợ thì tiếc không muốn bán đồ cũ (vì nhiều lý do), nên chỉ mua thêm cái mới vào kê thêm và kết quả là cái phòng khách nửa cũ, nửa mới, lạc điệu…
Giờ chúng ta nhắc đến chuyện này chỉ cho vui thôi…, bệnh cố hữu khó tranh luận…
Vượt qua áp lực của cơ chế, chính sách, sự cạnh tranh bất bình đẳng... bà vẫn kiên cường để tạo dựng nên sản nghiệp lớn? Đằng sau đó là những giá trị văn hóa, giá trị gia đình, quản trị... quý giá như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Có lẽ do hoàn cảnh sống trong thời kỳ chiến tranh quá gian nan nhưng bản năng sinh tồn của tôi rất lớn, nên cả cuộc đời, cứ ngã rồi lại đứng lên, tiếp tục đi.
Tôi may mắn là còn có cha mẹ, gia đình tiếp sức cho tôi sống theo bản ngã của người kinh doanh truyền thống, đó là có trách nhiệm với đối tác, khách hàng và giữ gìn danh giá thương hiệu có uy tín của gia đình.
Chúng ta đã từng sai lầm thế nào khi chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường có định hướng Xã hội Chủ nghĩa lấy quốc doanh làm chủ đạo; rồi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có cảm giác khập khiễng về chính sách nhà nước. Nền kinh tế kế hoạch tập trung, mọi sản phẩm không theo nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng.
Nền kinh tế thị trường có định hướng Xã hội Chủ nghĩa lấy quốc doanh làm chủ đạo. Tức là khuyến khích sản xuất theo nhu cầu thị trường nhưng vẫn còn doanh nghiệp quốc doanh được trao cho vai trò chủ đạo, được ưu đãi tiếp cận nhiều nguồn lực lớn, cùng với ý chí chủ quan của nhà nước là cơ chế chính sách để có thể chi phối thị trường. Nhưng chúng ta đều thấy thực tế là doanh nghiệp nhà nước trong một thời gian dài đã không minh bạch thông tin, quản lý yếu kém, tham nhũng và sai phạm nhiều, kinh doanh kém hiệu quả... Tất cả tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng tỷ lệ nhà nước nắm giữ vẫn chi phối doanh nghiệp. Nói chung là thay bình nhưng chưa thay rượu, nói thay rượu mà vẫn giữ lại phần lớn rượu cũ, giống như bà vợ dọn nhà không muốn bỏ đồ cũ…
Theo bà, doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam có điểm mạnh/yếu gì và cần làm gì để xây dựng được doanh nghiệp có thương hiệu mạnh?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Trong sự thay đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường đã hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân, ban đầu là tổ hợp, hợp tác xã, sau đó trách nhiệm hữu hạn, cổ phần…Doanh nghiệp tư nhân có nhiều ưu điểm, phát huy nghề truyền thống, huy động vốn trong gia đình và ngoài xã hội, phát triển chậm nhưng bền vững, có trách nhiệm với tổ tiên, với người sáng lập và luôn luôn vun đắp cho tên tuổi của doanh nghiệp.
Nhược điểm là thường chỉ muốn chuyển giao cho con cái trong gia đình, không tin tưởng người ngoài, sợ quản lý học được bí quyết nghề, không trung thành nên không dám giao việc quan trọng. Nhiều ông chủ không tin đối tác cùng làm ăn, cùng phát triển…Trong khi thực tế, khi huy động vốn bằng việc thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán…áp lực lợi nhuận kinh doanh từ cổ đông khiến doanh nghiệp phải thay đổi cả chiến lược.
Để có thương hiệu trăm năm, các doanh nghiệp lớn nên lưu ý: không nên thay đổi thương hiệu, nhất là những thương hiệu đã có tiếng tăm. Không nên theo kiểu “Tân quan, tân chính sách”. Tôi thấy cái dở hơi của nhiều doanh nghiệp là khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp là thay đổi tên công ty!
Về quản trị doanh nghiệp, bà đã học hỏi và chuẩn bị như thế nào để các con có thể giữ nghiệp và phát triển lên một tầm cao mới, mở rộng hơn ngành nghề kinh doanh, dẫn đầu trong những phân khúc giá trị gia tăng cao?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Tôi cũng giống như những người phụ nữ Việt Nam khác: Thương con, mong muốn con mình học giỏi, học cao, nên các con tôi được đào tạo nghiêm túc, bài bản theo hệ thống giáo dục chung của xã hội (các con tôi đều học chương trình trung học phổ thông trong nước). Khi các con tôi lên đại học, tôi cố gắng cho học ở nước ngoài cho kịp với xu thế giáo dục đào tạo của thế giới.
Các con tôi được sống trong một gia đình kinh doanh “tứ đại đồng đường” nên ý thức quản lý, ý thức làm giàu được thấm nhuần trong thực tế từ ông bà ngoại, từ mẹ và từ các dì, các cậu, các chú...
Hồng Vân thông minh và nhạy bén trong công việc quản lý. Tôi nhớ ngày xưa mẹ tôi truyền nghề cho tôi bằng phương pháp vừa học vừa làm, không gò bó và theo kiểu tích luỹ thực tế hàng ngày. Tôi đào tạo Hồng Vân có hơi nghiêm khắc hơn với phong cách công nghiệp hiện đại. Do được đào tạo toàn diện nên Hồng Vân trở thành nhà quản lý giỏi được khách hàng tín nhiệm. Công ty sinh học Nanogen do Hồng Vân cùng chồng sáng lập chuyên sản xuất thuốc đặc trị ung thư và điều trị viêm gan B, C…
Hoàng Tuấn là con trai thứ hai du học ở Đức về công nghệ thuộc da, sau đó sang Úc học quản trị kinh doanh. Tuấn có năng khiếu mỹ thuật, ứng dụng các phương pháp xúc tiến thương mại phương Tây cho hệ thống bán lẻ của gia đình rất thành công. Bây giờ Hoàng Tuấn phụ trách ba lĩnh vực: bất động sản, bán lẻ với kênh mua sắm qua truyền hình VGS Shop, Son Kim Mode…Khi tôi bị sự cố, Tuấn ngày đêm thu thập các bài báo, chứng từ liên quan, rồi đứng chờ trước cửa Hội trường Quốc hội xin gặp từng vị Đại biểu quốc hội để kêu oan cho mẹ…
Còn Hồng Trang tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, bây giờ là Phó trưởng khoa Văn hoá du lịch Đại học Sài Gòn. Khi Công ty liên doanh Quadrille& Vera chọn Trang làm Giám đốc điều hành, tôi không đồng ý vì sợ con chưa có kinh nghiệm quản lý. Nhưng họ đã nhìn thấy tố chất quản lý trong Trang, và thuyết phục tôi đồng ý. Trang bây giờ vẫn vừa kinh doanh, vừa giảng dạy…
Trong vai trò người mẹ, bà có bí quyết gì để giải quyết những mâu thuẫn gia đình?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Con tôi người nào cũng rất cứng đầu, người nào cũng cho mình là giỏi. Hoàng Anh là người tôi chăm chút nhiều nhất. Tốt nghiệp đại học về Computer Science ở RMIT, Melbourne, Úc và đã bảo vệ tiến sĩ về quản trị công nghệ của Mỹ. Khi tôi bị sự cố, các con tôi khó khăn không có tiền gửi cho em ăn học, Hoàng Anh tự đi làm để kiếm tiền học tiếp.
Từng là trưởng khoa công nghệ thông tin, Giám đốc chương trình đào tạo Master of E. Management của trường CBAM, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng KENT… Khi tôi nói “Con về làm với anh Tuấn đi”. Hoàng Anh trả lời: “ Con không, vì anh Tuấn khác con”. Cuối cùng Hoàng Anh quyết định về làm cà phê đặc sản, nghiên cứu sản xuất cà phê sạch thương hiệu Golden Moutain.
Người đầu tiên phản đối không phải là tôi, mà là… cháu tôi. Cháu nói với bố: “Bố ơi ngày trước con khai lý lịch bố là giảng viên oai lắm, giờ bố là chủ quán!”. Nhưng bằng nỗ lực của riêng mình, Hoàng Anh đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê riêng, chinh phục thị trường xuất khẩu, và giờ cung cấp cho các hệ thống bán lẻ của GS 25. Đất không chịu trời, thì trời phải chịu đất thôi!
Hoàng Lâm là con trai út, lúc bố mất mới 9 tuổi, lúc mẹ bị sự cố mới 16 tuổi. Khi tôi bị bắt giữ Hoàng Lâm bị bạn bè trong lớp chế giễu nên không muốn đến trường… Tôi thương cháu là đứa con bị thiệt thòi nhiều nhất, nên đã bán từng chiếc nhẫn để cho con du học. Hoàng Lâm đặc biệt có năng khiếu hội hoạ, âm nhạc và thể thao, đàn piano rất hay…
Bây giờ Hoàng Lâm đã có Công ty Duy Quân, chuyên về trang trí nội thất, làm ăn hiệu quả, nhận được hợp đồng thiết kế cho các cửa hàng của Sonkim mode, Hoàng Lâm cũng phải đấu thầu, và đã trúng thầu thiết kế cho tất cả các cửa hàng…Tôi hạnh phúc khi thấy các con biết tự quản lý, yêu thương nhau…
Tự nhận mình là U70, nhưng bà vẫn là một Facebooker? Dù không nhận trọng trách nào trong công ty của các con mình, nhưng vì sao bà nói gì các con cũng rất lắng nghe?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Khi chấp nhận cho các đối tác vào, Sơn Kim vẫn giữ 51%, HĐQT tôi không chi phối, chỉ có sáng thứ hai tôi ăn sáng với con, trò chuyện với nhau về những chuyện đang xảy ra, có thể đưa ra câu hỏi cho con về một vấn đề nào đó…và để các con tự tìm câu trả lời.
Tôi rất bận với trường của mình, lại tham gia Hội Luật gia Việt Nam ở phía Nam, tôi rất thích lên Facebook, ngày nào cũng có bài, nên không còn thì giờ can thiệp chuyện con cái.
Nhưng nhờ Facebook tin tức tôi nắm rất nhiều, có gì khẩn cấp tôi gọi cho các con liền, hoặc chờ thứ hai trò chuyện. Con tôi đều có cá tính, nhưng vẫn giữ một thói quen rất tốt là việc gì cũng báo cáo với mẹ, kể cả Hoàng Tuấn, dù anh ấy quyết đoán. Tôi có kinh nghiệm sống, khi thấy có chuyện gì cần nhắc nhở con thì tôi nhắn tin liền, nếu không trả lời tôi gọi điện ngay. Tôi luôn nhắc nhở các con làm gì cũng phải giữ uy tín, giữ sự an toàn, đừng làm nổi quá.
Ở tuổi này của cuộc đời, vì sao bà vẫn chọn con đường dấn thân vào lĩnh vực giáo dục, và âm thầm vun bồi cho quỹ khuyến học Vừ A Dính?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Ở tuổi 60, tôi thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và Trường THCS, THPT Duy Tân với mong muốn xây dựng hê thống giáo dục đào tạo nhân lực trong xu thế hội nhập toàn cầu. Việc nuôi dạy, cấp học bổng cho 64 cháu người dân tộc được học ở trường Duy Tân (từ lớp 6 đến lớp 12) cũng với mong muốn đào tạo nhân lực giỏi cho các địa phương, các vùng dân tộc thiểu số và hải đảo. Giờ 70 tuổi rồi, tôi đang chuyển giao dần công việc quản lý giáo dục cho cháu nội tôi Nguyễn Hoàng Việt.
Điểm lại những bước thăng trầm đầy sóng gió của cuộc đời doanh nhân, phẩm chất nào đã giúp bà vượt qua bao thử thách để ngày càng khoan dung, mạnh mẽ hơn?
Bà Nguyễn Thị Sơn: Tôi không kiên nhẫn ngồi thiền, nhưng khi nào mệt tôi ngồi hít thở khoảng vài phút. Tôi không bắt buộc mình ăn chay, nhưng tôi thích ăn rau quả nhiều hơn thịt bò, trứng, cá. Tôi không tập thể thao chuyên cần, nhưng buổi sáng trước khi bước xuống giường tôi tập các động tác duỗi chân, vặn tay, đập tay, xoa mặt, vuốt mũi, vuốt mắt. Nói chung trong cuộc sống tôi thích sự tự nhiên, không gò bó, nhưng phù hợp với văn hóa, đạo đức của xã hội. Nói theo ngôn ngữ chính trị là “sự tự do trong khuôn khổ pháp luật”.
Công việc cũng vậy, tôi hoàn toàn tự do thích thì làm, không thích thì không làm. Nhưng nhận lời làm việc gì, tôi cố gắng làm tốt, hoàn thiện công việc. Không dễ yêu một người nào đó, nhưng không bao giờ giận ai lâu hay ghét ai cả. Đó là “cách sống vàng" của tôi.
“Mẹ tôi là người có quyền lực ngầm”
“Mẹ tôi là người có quyền lực ngầm, chẳng qua bà quá bận nên không có nhiều thời gian cho con mà thôi, nhưng bà rất có óc quan sát, nhìn bao quát công việc làm ăn của con là phát hiện ngay chỗ nào chưa hợp lý cần góp ý.
Ngày xưa ở Legamex, bà là người tiên phong đưa thời trang vào Việt Nam, tổ chức đầu tiên chương trình trình diễn thời trang Việt Nam. Thời đó trình diễn thời trang người mẫu đều là ở CLB Hoa học đường rất trong sáng, nhưng đến giai đoạn khi tôi đảm nhiệm, lại cần sự chuyên nghiệp hơn. Từ cái nôi của Vera, nhiều người mẫu đã được đào tạo, trở thành người mẫu chuyên nghiệp hơn như Hồ Ngọc Hà… Sau này tôi chuyển qua GS 25, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Nghiên cứu quá trình phát triển của doanh nghiệp gia đình trong thời gian dài, tôi thấy mẹ là người quan sát, cho lời khuyên xác đáng. Khi thói quen tiêu dùng, công nghệ thay đổi, mình phải biết cách học hỏi để thay đổi liên tục, cộng với mẹ người am hiểu nền kinh tế sâu sắc qua nhiều thời kỳ, đã giúp tôi có được một nền tảng vững chắc trong ứng xử với kinh doanh và cuộc sống
Trong kế thừa, yếu tố tài sản rất quan trọng, nhưng xuất phát điểm của anh em chúng tôi đều là bằng không. Vậy chúng tôi đã xây dựng doanh nghiệp dựa trên cái gì? Đó chính là sự truyền thừa từ cái gen kinh doanh của dòng họ, nhất là từ mẹ. Anh em chúng tôi đều chia sẻ với mẹ niềm đam mê trong kinh doanh.
Khi gia đình có sự cố, lúc ấy tôi mới là sinh viên năm thứ nhất. Từ nhỏ tới lớn không phải lo gì về tiền bạc, tôi phải đối diện với câu hỏi đầu tiên là phải sống thế nào? Ai là người trả tiền cho mình học đại học? Mình sẽ thế nào trong tương lai? Mẹ đã dạy anh em tôi việc học rất quan trọng. Mẹ định hướng tôi vào sư phạm, và khuyến khích tôi hãy làm điều con thích. Chính môi trường sư phạm cho tôi thấy được nhiều giá trị, học hỏi rất nhiều.
Nhưng do trong gen mình đã có máu kinh doanh rồi, nên anh em đã ngồi lại với nhau, bàn tính kỹ phải làm thế nào để không phụ lòng mẹ. Xuất phát gia đình có truyền thống ngành may mặc, đối tác hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, tôi đã được chuyển giao vai trò Giám đốc điều hành Sonkim Fashion. Mỗi ngày tôi học hỏi không ngừng để phát triển bản thân, sâu thẳm trong đó là niềm đam mê làm điều gì có ý nghĩa cho mẹ, dẫn đến động lực phát triển kinh doanh gia đình. Mẹ là người định hướng, để các con cho dù lĩnh vực nào cũng phải làm tốt nhất, phải học hỏi không ngừng.
Cả cuộc đời tôi luôn nghe theo mẹ tôi, cho dù chia sẻ của bà đôi khi lạc hậu, nhưng anh em tôi luôn tâm niệm những gì mẹ chia sẻ phải làm theo, điều chỉnh cho phù hợp. Văn hoá đó làm cho xung đột anh em trở thành giải pháp đồng cảm, yêu thương, cho dù làm gì cũng vì gia đình, từ đó mà điều chỉnh để thích nghi với gia đình chung”.
Theo Kim Yến/Theleader