Cụ thể, tỷ giá hiện nay ở mức 1,06 EUR đổi 1 USD, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tỷ giá này thấp hơn khoảng 0,4% so với phiên giao dịch liền trước.
Mặt khác, giá trị USD đã tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây và tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nhờ tính trú ẩn an toàn, đặc biệt khi bối cảnh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa.
Một trong những yếu tố tác động đến tỷ giá EUR là động thái ngừng cung cấp khí đốt của Gazprom cho Ba Lan và Bulgaria (hai thành viên của Liên minh châu Âu). Ngoài ra, việc Moscow yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” mua khí đốt bằng đồng RUB càng khiến mối quan hệ giữa Nga và EU thêm căng thẳng.
Tỷ giá hối đoái giữa EUR và USD lao dốc. Ảnh: TradingEconomy. |
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cáo buộc Nga sử dụng khí đốt để “tống tiền”. EU vốn là khu vực phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga. Trong đó, khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ quốc gia này.
“Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tôi không nghĩ rằng sẽ có sự tác động tức thì đến nền kinh tế. Song điều này vẫn là một rủi ro đối với triển vọng chung”, James von Moltke, Giám đốc tài chính của Deutsche Bank, nhận định về động thái của Gazprom.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực đồng tiền chung EUR sẽ tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm nay. Con số này thấp hơn 1 điểm % so với dự báo trước đó, được thiết lập trước khi Nga tấn công Ukraine.
IMF cho biết giá năng lượng, an ninh năng lượng, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt là những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế EU. Việc trở thành khu vực nhập khẩu ròng năng lượng khiến EU dễ dàng đối mặt với cú sốc thương mại.
EU đã quyết định ngừng nhập khẩu than của Nga, đồng thời tiến hành thảo luận cấm nhập khẩu dầu. Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên, vốn là mặt hàng EU nhập khẩu nhiều nhất từ Nga, mới là mắt xích ảnh hưởng nặng nề nhất với khu vực này.