TPBank phát hành giấy tờ có giá hơn 31.000 tỷ đồng
Ngân hàng phát hành giấy tờ có giá bao gồm kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn, được tính vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng (nợ thứ cấp) để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
Trong năm 2019, các ngân hàng ghi nhận lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh vì đây là hạn chót để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo cách tính của Thông tư 41/2016 (Basel II theo phương thức cơ bản) và đón đầu việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%. Do đó, nhiều ngân hàng đã triển khai tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu (kỳ hạn trên 5 năm và không được đảm bảo bởi tổ chức tín dụng) để đẩy vốn cấp 2 và chào bán chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài từ năm 2019 khiến lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh.
Tại TPBank cũng bắt đầu ghi nhận phát hành giấy tờ có giá từ năm 2017 với hơn 3.481 tỷ đồng và tăng hơn 3 lần lên 14.426 tỷ đồng vào cuối 2019. Đến thời điểm cuối năm 2020, lượng phát hành giấy tờ có giá tại TPBank ghi nhận gần 27.439 tỷ đồng, tương đương tăng 90% so với năm 2019. Do đó, tỷ trọng hành giấy tờ có giá tăng từ 8% lên mức 13%.
Tính đến 30/9/2021, lượng phát hành giấy tờ có giá tăng 15% so với cuối năm 2020, ghi nhận hơn 31.528 tỷ đồng, tỷ trọng phát hành có giá ở mức 12%.
Không chỉ TPBank, nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh so với đầu năm như Techcombank tăng 22% lên mức hơn 34.002 tỷ đồng; ACB tăng 47% lên gần 32.470 tỷ đồng;…
TPBank dồn dập phát hành trái phiếu
Từ đầu năm đến nay, TPBank đã 7 lần thông báo phát hành trái phiếu. Chẳng hạn, trong tháng 5/2021, TPBank đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm. Trái phiếu được bán trực tiếp cho nhà đầu tư là một công ty chứng khoán trong nước. Sau đó, TPBank tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là ba năm với lãi suất cố định 3%/năm.
Đến tháng 6/2021, TPBank tiếp tục công bố phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 3,8% năm với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Cũng trong tháng 6/2021, nhà băng này lại công bố phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 3%/năm.
Trong tháng 7/2021, TPBank phát hành thành công 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.100 tỷ đồng, trong đó có một lô trái phiếu với lãi suất cố định 3,8%/ năm, 2 lô còn lại là 3%/năm. Đầu tháng 10/2021, nhà băng này lại công bố phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng với mục đích phát triển hoạt động tín dụng của TPBank. Các lô trái phiếu này có lãi suất cố định từ 2,8%/năm – 3,8%/năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TPBank đã phát hành 7.600 tỷ đồng trái phiếu.
Điểm chung của các lô trái phiếu điều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất của các đợt phát hành trái phiếu đều thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm và cũng thấp hơn rất nhiều so với nhóm BĐS, Chứng khoán. Trong khi có công ty BĐS trả lãi suất cao nhất lên tới 13%/năm cho kỳ hạn 2 năm thì ngân hàng này cao nhất chỉ 4,1%/năm với kỳ hạn 3 năm.
Tiềm ẩn rủi ro?
Các ngân hàng phải huy động vốn trung, dài hạn để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% xuống còn 40%. Theo đó, việc phát hành giấy tờ có giá như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhanh chóng. Dù vậy, việc huy động vốn bằng giấy tờ có giá lại chứa đựng nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai.
Trước tiên ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro lãi suất. Rủi ro lãi suất xảy ra khi có sự chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất đầu ra do biến động của thị trường và chênh lệch về thời hạn giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn.
Sự không cân xứng về thời hạn giữa tài sản và nguồn vốn xảy ra thường xuyên trong quá trình hoạt động của các ngân hàng cùng với sự biến động thường xuyên của mức lãi suất thị trường làm cho các tổ chức này rơi vào tình trạng rủi ro lãi suất.
Sự biến động của lãi suất thị trường có thể tác động tiêu cực tới lợi nhuận ngân hàng do làm tăng chi phí, giảm thu nhập của ngân hàng. Vì vậy, sự biến động của lãi suất sẽ tác động đến toàn bộ bảng cân đối tài sản và báo cáo thu nhập của ngân hàng.
Cụ thể, việc huy động vốn trung và dài hạn thường có lãi suất cao. Nếu thời hạn nguồn vốn lớn hơn thời hạn sử dụng vốn và nguồn vốn được đầu tư lại (cho vay) với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động vốn do sự thay đổi của lãi suất thị trường sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí đầu vào cao khiến biên thu nhập lãi của ngân hàng có thể bị thu hẹp.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng cho rằng phát hành trái phiếu là giải pháp mang tính thời điểm. Lạm dụng cách này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung - dài hạn thường có lãi suất cao. Bên cạnh đó, tới thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả lại một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho nhà băng trong huy động để tiếp tục duy trì vốn cấp 2.
Mặt khác, các ngân hàng còn phải đối mặt với một loại rủi ro khác nữa là rủi ro thanh khoản do các ngân hàng có thể thiếu hụt lượng tiền mặt do phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng khi trái phiếu đáo hạn, càng gây áp lực cho các nhà băng trong việc huy động để tiếp tục duy trì nguồn vốn cấp 2.
Có thể thấy, dù phát hành giấy tờ có giá giúp ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), song, nếu ngân hàng phát hành giấy tờ có giá quá nhiều cho thấy cơ cấu vốn của ngân hàng không mấy tốt khi phải chịu chi phí vốn lớn.
Hà Phương