Đà tăng liên tục của vàng thế giới khiến vàng trong nước hôm nay tăng vọt. Hiện giá vàng đã vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, tăng gần 3 triệu chỉ trong một ngày.
Tại phiên giao dịch cuối tuần trước (22/2), vàng trong nước được các doanh nghiệp bán ra ở mức 46,05 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu so với tuần trước đó. Mốc giá 46 triệu cũng là đỉnh cao nhất của vàng kể từ cuối năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên, chỉ trong hôm nay (24/2), mức kỷ lục mới thiết lập được đã bị xóa bỏ. Thậm chí, giá vàng trong nước hiện đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, đạt 49 triệu đồng/lượng.
Vàng đạt đỉnh mọi thời đại 49,02 triệu đồng
Cụ thể, đỉnh giá của vàng trong nước cao nhất trước đó là 48,5 triệu đồng/lượng thiết lập hồi tháng 8/2011. Trong khi đó, tính đến 3h30 chiều nay, giá vàng miếng trong nước đã tăng lên 49,02 triệu đồng/lượng, bỏ xa mức đỉnh lịch sử trước đó.
Hiện các cửa hàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 47,8-49 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần trước, vàng tại đây đã tăng gần 3 triệu mỗi lượng, đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây của vàng.
Tại Hà Nội, giá bán ra thậm chí đã được đẩy lên mức 49,02 triệu đồng/lượng. Trước đà tăng nóng của vàng, SJC cũng đã phải nới rộng khoảng cách chênh lệch mua - bán lên 1,2 triệu đồng/lượng để điều tiết lực mua - bán của thị trường. SJC hiện cũng là doanh nghiệp niêm yết giá kim loại quý cao nhất trong nước.
Chưa đẩy giá vàng lên mốc 49 triệu nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng mạnh giá bán với mặt hàng này.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện mua vào vàng miếng với giá 47,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng so với phiên trước. Giá bán ra cũng đã được doanh nghiệp này đẩy lên mốc 48,2 triệu đồng/lượng.
Tương tự, biểu đồ giá vàng tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đã tăng dựng đứng hơn 2 triệu, hiện ở mức 47,4-48,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng rồng Thăng Long cũng đã tăng lên tới 48,64 triệu đồng/lượng,
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng niêm yết giá vàng miếng ở mức 46,7-48,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng trong nước nhảy liên tục khi vàng thế giới giao dịch trên Kitco cũng đang tăng mạnh hiện đã lên vùng giá 1.684 USD/ounce, tăng gần 45 USD so với phiên liền trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá vàng thế giới cũng đang trên đà chinh phục mức giá cao nhất mọi thời đại thiết lập từ năm 2012, đạt gần 1.790 USD/ounce.
Quy đổi ra tiền Việt, giá vàng thế giới hiện giao dịch ở mức 49 triệu đồng/lượng. Như vậy, SJC là doanh nghiệp niêm yết giá vàng trong nước sát nhất với thế giới.
VN-Index mất gần 30 điểm
Trái ngược với vàng, chứng khoán trong nước đã trải qua phiên đỏ lửa, đà giảm chỉ sau phiên giao dịch đầu năm sau Tết Nguyên Đán 2020 khi virus corona bùng phát tại Vũ Hán Trung Quốc.
Trên sàn TP.HCM, VNn-Index đã giảm 29,75 điểm (3,19%) xuống 903,34 điểm, chỉ số VN30 cũng mất 31,49 điểm (3,62%), hiện còn 837,4 điểm.
Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên sàn Hà Nội, HNX-Index đã giảm 3,62% và UPCOM-Index giảm 1,9%.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, thậm chí giảm kịch biên độ trong phiên hôm nay. Nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE đều giảm mạnh. Trong đó, VIC (Vingroup) giảm 2,37%; VHM (Vinhomes) giảm 2,44%; VCB (Vietcombank) giảm 2,02%; BID (Ngân hàng BIDV) giảm 6,46%; TCB (Techcombank) giảm sàn 6,9%...
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất hôm nay khi có 2 đại diện giảm sàn là TCB và VPB (VPBank). Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu đều giảm sâu trên dưới 5% như CTG (Vietinbank), BID, HDB (HDBank), ACB (Ngân hàng Á Châu), MBB (MBBank), TPB (TPBank)…
Cổ phiếu hàng không cũng chịu tác động mạnh khi HVN (Vietnam Airlines) giảm kịch biên độ trong khi ACV giảm 8,5%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chịu cảnh bán tháo khi SSI, HCM, SHS giảm sàn còn VCI và VND giảm trên 2%.
Toàn thị trường hôm nay ghi nhận thanh khoản tăng mạnh với khoảng 6.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 45 tỷ đồng trên toàn thị trường, nhưng tính riêng trên HOSE giao dịch khối ngoại đã mua ròng hơn 7 tỷ đồng.
Quang Thắng
Theo Zing