Cổ phiếu YEG như một tòa lâu đài trên cát với những khối tháp đồ sộ mọc trên một cái nền yếu. Và với mô hình kinh doanh dựa dẫm vào Youtube của Yeah1, lâu đài trên cát đó lại còn được xây trên đất của người khác nữa.
Giữa năm 2018, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 gây xôn xao khi lên sàn giữa thời điểm thị trường chứng khoán vừa “hoàn hồn” sau cú rơi từ đỉnh lịch sử. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, YEG kịch trần. Mức thị giá 300,000 đồng/cp (8,200 tỷ vốn hóa) làm mọi ánh nhìn phải chú ý, một khởi đầu chẳng thể ấn tượng hơn đối với Chủ tịch Tống cùng cộng sự trên hành trình biến Yeah1 thành “kỳ lân” start-up của Việt Nam.
YEG lên sàn với giấc mơ "kỳ lân".
|
Độ ấy, cổ phiếu YEG chịu nhiều bàn tán nhưng cũng được hồi đáp thuyết phục từ những người trong cuộc.
Khi được hỏi về mức định giá cao của YEG, ông Andy Ho – Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital (quỹ đầu tư nổi tiếng hiện vẫn là cổ đông lớn của Yeah1) đã từng có câu hỏi ngược lại rằng – “Bạn có thấy giá cổ phiếu Amazon quá cao không?”
Ông phân tích – “Nếu chỉ nhìn mức giá cổ phiếu để nói cao hay thấp thì không thật sự chính xác, mà quan trọng là giá trị Công ty so với tiềm năng của chính nó. Khi bạn cho rằng Công ty đang phát triển 30% - 50% mỗi năm và với mức giá 250,000 đồng/cp là cao thì chẳng có ý nghĩa. Ta phải coi giá trị tổng thể Công ty đó là bao nhiêu tiền. Giống như Vinamilk (VNM) vậy, VinaCapital không bao giờ nhìn giá cổ phiếu VNM để đầu tư, mà nhìn vào giá trị 11 - 13 tỷ USD so với lợi nhuận trong tương lai.”
Về phía Chủ tịch Yeah1 – ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng góp đôi lời - “Nếu biết cách, ta có thể tạo ra giá trị gấp ngàn lần và đây chính là cái gọi là công nghệ 4.0. Đừng đầu tư cổ phiếu Yeah1 khi bạn chưa hiểu nó! Nói gì thì nói, cứ trả lời bằng kết quả là tốt nhất. Sau 6 tháng nữa, khi có kết quả kinh doanh năm nay (2018) thì những thắc mắc của nhà đầu tư sẽ được giải đáp.”
Nửa năm sau, các con số được công bố, Yeah1 đạt doanh thu gần 1,660 tỷ đồng và lãi ròng gần 156 tỷ đồng trong năm 2018, qua đó tăng trưởng lần lượt 97% và 165% so với năm trước. Ấn tượng!
Kết quả tích cực trong năm 2018 của Yeah1 thể hiện ở cả mảng truyền thông truyền thống lẫn kỹ thuật số. Tại bản tin quan hệ nhà đầu tư (IR) của Yeah1 công bố hồi đầu 2019, Tập đoàn khẳng định cung cấp một trong những hệ sinh thái truyền thông số lớn nhất toàn cầu, tuyên bố này lúc ấy hoàn toàn có cơ sở. Cùng khoảng thời gian, Yeah1 thực hiện thương vụ mua lại một trong những Youtube Multi-channel Network (MCN) lớn nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả Yeah1 Network về nhiều mặt. Theo đó, ScaleLab được Yeah1 mua với giá 20 triệu USD (12 triệu USD trả ngay và 8 triệu USD trả theo kết quả kinh doanh) như là bàn đạp cho tham vọng toàn cầu.
Nguồn: Yeah1
|
Như lẽ đương nhiên, thị trường chứng khoán thích câu chuyện đó. Dù rằng YEG có những biến động lớn kể từ ngày chào sàn, một thực tế rõ ràng là mức định giá dành cho cổ phiếu này khiến nhiều ông lớn khác phải thèm muốn. Mức đỉnh mà YEG chạm tới là 343,000 đồng/cp (28/06/2018), cũng là thị giá cao nhất đối với một mã cổ phiếu niêm yết lúc bấy giờ.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trước thời điểm xảy ra sự cố với Youtube, trong gần 9 tháng YEG niêm yết, duy chỉ có 1 tháng cổ phiếu này có mức thị giá dưới 200,000 đồng/cp (tháng 8/2018). Nguyên nhân đợt giảm là do những đồn đoán đối với các giao dịch lòng vòng giữa người trong cuộc tại Yeah1, mà sau này vỡ lẽ chỉ là hoạt động nhằm cơ cấu cổ đông trước rào cản pháp lý về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (49%) lúc bấy giờ. YEG nhanh chóng lấy lại các mức cao sau đó.
“Kỳ lân” gặp hạn
Ấy thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 03/03/2019, Yeah1 bất ngờ công bố thông tin Youtube sẽ chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (Content Hosting Agreement – CHSA) sau ngày 31/03/2019 đối với SpringMe Pte Ltd, Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Điều này nghĩa là cả 3 network mà Yeah1 sở hữu cổ phần kể trên sẽ không được tiếp tục quản lý doanh thu từ bên thứ ba.
Ít ngày sau, HĐQT Yeah1 thống nhất sẽ bán ScaleLab cho chủ cũ với giá gốc 12 triệu USD. Động thái như muốn ám chỉ rằng, bàn đàm phán với Youtube đã diễn tiến theo chiều hướng bất lợi.
Thông tin được công bố rằng mảng Youtube Adsense chỉ đóng góp 13% lãi sau thuế của Tập đoàn chẳng giúp giới đầu tư nguôi ngoai. Dù cho đã có giải trình Yeah1 vẫn còn các mảng kinh doanh tiềm năng khác đang hoạt động bình thường, tuy nhiên trong một hệ sinh thái về truyền thông, tính bổ trợ và liên đới giữa các mảng kinh doanh của Yeah1 là điều khó tránh khỏi.
Trước mắt, việc mất đi quyền quản lý các kênh thứ ba, đặc biệt là các kênh nội dung nước ngoài, có thể đánh một “đòn chí mạng” vào tham vọng toàn cầu của Yeah1. Qua đó, làm lung lay tiềm năng tăng trưởng của Tập đoàn, vốn là nền móng cho mức định giá cao ngất ngưởng của YEG.
Có thể thấy, dù là một công ty với sức bật lớn, rủi ro vốn tồn tại trong mô hình hoạt động của Yeah1 khi nó sống nhờ vào nền tảng của một doanh nghiệp khác. Đứng trên vai người khổng lồ mang lại cơ hội phát triển nhanh và xa cho Yeah1, đương nhiên nếu tuân thủ luật chơi. Youtube quan trọng với Yeah1 và ngược lại Yeah1 cũng mang lại lợi ích cho Youtube, tuy nhiên việc loại Yeah1 Network khỏi mạng lưới MCN lại hoàn toàn là chuyện không quá to tát với người khổng lồ toàn cầu. Thế nhưng ảnh hưởng đối với Yeah1 thì lại khác!
Viễn cảnh kinh doanh đẹp như tranh vẽ nuông chiều mức định giá cao ngất của cổ phiếu YEG. Nhưng mọi thứ điều có giá của nó. Định giá càng cao, kỳ vọng tích tụ càng nhiều thì lại càng dễ tổn thương. Cổ phiếu YEG như một tòa lâu đài trên cát với những khối tháp đồ sộ mọc trên một cái nền yếu. Và với mô hình kinh doanh dựa dẫm vào Youtube của Yeah1, lâu đài trên cát đó lại còn được xây trên đất của người khác nữa.
Thêm vào đó, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của Yeah1 thời gian gần đây cũng tạo cho thị trường một định vị rằng tương lai Tập đoàn gắn chặt với truyền thông kỹ thuật số, mà đặc biệt là Youtube. Sau thông tin về sự cố, hậu quả nhãn tiền xảy đến như một lẽ đương nhiên. Kể từ 03-15/03/2019, sau 10 phiên giảm sàn, 3,950 tỷ đồng vốn hóa tương ứng 52% giá trị thị trường của cổ phiếu YEG tan biến như bọt bóng.
Sàn chứng khoán và Yeah1: Chiếc áo quá khổ?
Món hàng mà thị trường chứng khoán yêu thích không đơn giản chỉ là một doanh nghiệp tăng trưởng, mà nhiều hơn thế, nó muốn doanh nghiệp đó phải tăng trưởng ổn định cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Những đòi hỏi đó dường như thật quá khó để đáp ứng với một start-up. Liệu có phải thị trường chứng khoán như chiếc áo quá khổ, vốn đã không giành cho Yeah1?
Thực tế, động thái phát triển qua M&A của Yeah1 cũng không ít lần khiến giới đầu tư nóng mắt. Sau phát hành tăng vốn, Tập đoàn liên tục đổ tiền tấn để mua về những doanh nghiệp thành lập chưa lâu hay thậm chí “chưa thành lập”. Chuyện vốn bình thường đối với các đơn vị start-up, nhưng trên thị trường chứng khoán từ lâu nó lại bao hàm một ý nghĩa khác. Rõ ràng, hệ quy chiếu đối với doanh nghiệp niêm yết rất khác nếu so sánh với cái dùng để soi chiếu những start-up như Yeah1.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm phần lớn là nhà đầu tư cá nhân, họ khác biệt so với những tổ chức đầu tư (có đội ngũ chuyên viên phân tích hùng hậu cùng khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn rất nhiều) mà Yeah1 vốn quen làm việc cùng. Khi một dấu hiệu vụn vỡ kỳ vọng xuất hiện, khó mong được những nhà đầu tư cá nhân có thể giữ cái đầu lạnh.
Giờ đây, việc nhà đầu tư chờ tiếp theo là Yeah1 có hay không giải trình khi mà cổ phiếu hứng chịu 10 cây sàn liên tiếp. Tin rằng, Yeah1 có lẽ nên thực hiện hành động đó không chỉ như một thủ tục mà cần cung cấp cho giới đầu tư những thứ họ muốn biết thực sự. Sự suy đoán của thị trường chứng khoán luôn là thứ nguy hiểm, kỳ vọng có thể nhanh chóng biến mất để thay thế bằng hoài nghi và sau cùng là sự thất vọng bao trùm.
“IPO là giấc mơ của tôi”
Trở lại với câu chuyện niêm yết, những ngày đầu YEG chào sàn, Chủ tịch Tống đã từng có lời rằng – “IPO chính là giấc mơ của tôi từ 10 năm trước." Ấy thế giờ đây, có lẽ chính sàn chứng khoán lại trở thành cơn “ác mộng” với không chỉ chính ông mà cả những cổ đông khác của Yeah1. Mộng ước về một “kỳ lân” nay thành cơn mê mà chẳng ai muốn lạc vào.
Động thái mới từ Yeah1 Network Theo dữ liệu từ trang thống kê về Youtube – Keedo.com, Yeah1 Network (không bao gồm ScaleLab, Springme và So Big TV) đã tụt từ vị trí 24 xuống 45 trong bảng xếp hạng MCN toàn cầu của trang này. Tính đến sáng ngày 16/03/2019, hệ thống Yeah1 Network (theo trang Kedoo) chỉ còn lại 608 kênh, 1.5 tỷ lượt xem hàng tháng và chưa đến 110 triệu người đăng ký, sụt giảm mạnh so với thời điểm trước sự cố. Chiều ngược lại, một network khác có tên Freedom! lại đang thăng cấp rất nhanh trên bảng xếp hạng của Kedoo. Đáng chú ý, dễ dàng bắt gặp các kênh vốn từng thuộc mạng lưới của Yeah1 tại danh sách kênh của Freedom!. Chẳng hạn như các kênh Hari Won, Mều Channel, Kid Studio, Schannel,… cùng rất nhiều kênh khác và thậm chí lác đác có thể bắt gặp cả những kênh từng thuộc Springme Network.
|
Vĩnh Thịnh
FILI