Lãnh đạo Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, không ngần ngại đặt tham vọng đưa đất nước này vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong CMCN 4.0.
Với kế hoạch đầy tham vọng có tên "Making Indonesia 4.0", Tổng thống Joko Widodo bày tỏ quyết tâm đưa đất nước này lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Vị thế nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 16 trên toàn cầu chưa đủ để làm các nhà chức trách Indonesia cảm thấy thỏa mãn dù GDP của quốc gia này đã vượt 1.000 tỷ USD trong năm 2017.
Making Indonesia 4.0 là gì?
Đây là kế hoạch phát triển do Bộ Công nghiệp Indonesia soạn thảo và công bố, trong đó chủ yếu kêu gọi nỗ lực nhằm đổi mới năng lực trong các ngành nghề chế biến thực phẩm - đồ uống, dệt may, ô tô, hóa chất và điện tử,… thông qua cải tạo và hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và Internet vạn vật (IoT),….
Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là CMCN 4.0, Chính phủ của ông Widodo xác định đất nước vạn đảo phải chuẩn bị thật tốt để tham gia vào xu hướng này. Là người khởi xướng kế hoạch "Making Indonesia 4.0", ông Widodo đặt kỳ vọng vào những chuyển đổi nhanh chóng và sâu rộng nhờ áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và tạo thêm nhiều việc làm cũng như đưa những tác động tích cực lan tỏa tới mọi tầng lớp lao động.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp Indonesia 2018, Tổng thống Widodo tin rằng thực hiện thành công kế hoạch này có thể giúp GDP của Indonesia tăng trưởng thêm 1-2% mỗi năm, lên mức 6-7% trong giai đoạn 2018 – 2030 và đưa đất nước lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030.
Hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của mình, Indonesia đặt mục tiêu thúc đẩy tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ. Những mặt hàng họ đặt ưu tiên cao nhất là thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử và hóa chất nhằm hướng tới vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực này.
Trong cuộc CMCN 4.0, lĩnh vực sản xuất sẽ chứng kiến những thay đổi vượt trội với sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và IoT. Những thế mạnh truyền thống như lao động trẻ và rẻ đã không còn phát huy được vai trò của mình trong cuộc cách mạng này. Thay vào đó, máy móc và khả năng tự động hóa sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ hiệu suất. Một quốc gia chỉ thực sự có khả năng phát triển nếu tận dụng thành công những đột phá công nghệ mới.
Chính phủ của ông Widodo nhấn mạnh phát triển mãnh mẽ các lĩnh vực trọng tâm sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như gia tăng đóng góp với GDP của Indonesia. Các nhà quản lý cũng kỳ vọng kế hoạch mới có thể tạo ra 10 triệu việc làm mới từ nay đến năm 2030. Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cũng hy vọng "Making Indonesia 4.0" sẽ là kế hoạch chủ chốt để thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ tầng có giá trị gia tăng và công nghệ cao, từ đó đưa nước này trở thành một đối thủ cạnh tranh trên "sân chơi" toàn cầu.
Với những kỳ vọng lớn lao, "Making Indonesia 4.0" đang là trọng tâm hàng đầu của Indonesia. Chính phủ của Tổng thống Widodo đang ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung hiện thực hóa kế hoạch này, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hợp tác với các tổ chức danh tiếng quốc tế cũng đang được Indonesia đẩy mạnh nhằm sớm hiện thực hóa tham vọng.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng những đòi hỏi mới. Song song với tham vọng lớn, Indonesia cũng đề cao cải thiện chất lượng giáo dục vào đào tạo nghề, trong đó có một phần để nâng cao năng lực cho những người bị mất việc làm trong cuộc CMCN 4.0 mà họ đang muốn đẩy mạnh.
4 năm khắc họa chân dung Tổng thống Widodo
Ngày 20/10/2018 sẽ đánh dấu 4 năm ông Joko Widodo đảm trách cương vị Tổng thống Indonesia. Một trong những thành tựu lớn nhất mà người ta nhớ tới ông Widodo chính là việc đưa Indonesia bước chân vào hàng ngũ những quốc gia có GDP 1.000 tỷ USD vào năm 2017. Nếu "Making Indonesia 4.0" thành công, nhiều thập niên sau, người ta vẫn sẽ nhắc tên ông trong vai trò khởi xướng ra kế hoạch đầy tham vọng này.
Tổng thống Widodo là cái tên rất được người nghèo ủng hộ. Trong 4 năm qua, ông đã góp phần không nhỏ trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và giúp kinh tế Indonesia phát triển ổn định với tốc độ khoảng 5%. Cùng với Making Indonesia 4.0, vị Tổng thống này muốn đưa tốc độ phát triển của Indonesia tăng thêm từ 1-2%/năm đến 2030.
Với hơn 260 triệu dân sống phân bổ trên hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, mục tiêu đưa Indonesia phát triển đồng đều là một thách thức không dễ dải quyết. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm nhiệm kỳ, ông Widodo đã dành nhiều sự tập trung vào phát triển các khu vực xa xôi thay vì chỉ tập trung ở Jakarta và các đảo chính lớn. Điều đó đã giúp ông Widodo rất được người dân yêu mến.
Tập trung phát triển hạ tầng ở những khu vực xa xôi là cách để ông Widodo giúp những khu vực xa xôi có cơ hội phát triển hơn. Thậm chí, ông Widodo còn cắt giảm chi phí trợ giá xăng dầu, vốn chỉ có lợi cho tầng lớp trung lưu và dành số tiền đó nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Với thời gian 5 năm, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Widodo sẽ kết thúc vào năm 2019. Tuy nhiên, với những cống hiến của ông Widodo và sự yêu mến của người dân dành cho ông, người ta hoàn toàn có cơ sở để nghĩ tới một nhiệm kỳ thứ 2 kéo dài tới năm 2024, cơ hội lớn để ông Widodo có thể hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng của mình.