Chúng tôi gặp Lê Khôi Nguyên vào một buổi sáng cuối hè tại trụ sở chính của Samsung trên tầng 22 tòa tháp tài chính Bitexco ngay trong giai đoạn công ty này đang chuẩn bị cho sự ra mắt của Samsung Galaxy Note 9. Trong những ấn tượng ban đầu, không gian của một trong những công ty lọt top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam mang đến cảm giác năng động và tươi trẻ, như chính nhưng con người nơi đây.
Không khác nhiều so với hình ảnh chàng giám đốc chiến lược sản phẩm quen thuộc tại các buổi giới thiệu sản phẩm mới của Samsung Việt Nam, Khôi Nguyên ngoài đời có gương mặt trẻ hơn tuổi thật, phong cách thời trang hiện đại mang hơi hướng Hàn Quốc, cùng phong thái nhẹ nhàng và nụ cười thường trực trên môi.
Dành ra 2 tiếng để trả lời phỏng vấn những trải nghiệm đã theo mình suốt một thập kỷ cùng Samsung, Khôi Nguyên gây ấn tượng với phong thái có phần thảnh thơi, đôi khi tranh thủ sử dụng điện thoại trong vài phút nhường lời cho người đồng sự. Anh thường cười mỗi khi nói đến sự cưng chiều mà các sếp, đồng nghiệp của tập đoàn dành cho mình, cũng như niềm đam mê có phần khó giải thích với Samsung trong suốt 10 năm qua, dù chàng cựu sinh viên Bách Khoa thừa nhận, chính niềm đam mê ấy đôi lúc khiến anh không thể về nhà trước 10h đêm.
“Vào Samsung – đó là một sự tình cờ. Nhưng gắn bó với Samsung – đó là niềm đam mê khó giải thích”, Khôi Nguyên mở lời trong câu hỏi lục lại quá khứ, tìm về nguyên nhân khiến chàng cử nhân Bách Khoa năm nào quyết định theo nghiệp kinh doanh bằng học bổng GSP của Samsung, thay vì sang Mỹ học Thạc Sĩ Kỹ Thuật (Master of Engineering), để mở ra 10 năm gắn bó với cả Samsung Hàn Quốc và Samsung Việt Nam.
Đó là mùa hè năm 2007. Chàng sinh viên ngành Điện Tử Viễn Thông, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh vừa làm xong luận văn tốt nghiệp thì tình cờ biết về chương trình học bổng Samsung toàn cầu. Khi ấy, tập đoàn này tìm kiếm các ứng viên là sinh viên thuộc 4 trường đại học top đầu (gồm Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh tế quốc dân và Đại học Khoa học tự nhiên) để tham gia chương trình học thạc sĩ và đào tạo thực tế tại Hàn Quốc.
“Tôi biết mình có khát khao thực sự với mảng kinh doanh. Khi đọc về học bổng này, tôi tự nhủ ‘Nó như được thiết kế dành riêng cho mình vậy’. Thế là nộp hồ sơ, dù khi ấy bản thân chẳng mảy may có chút kiến thức nền nào về kinh doanh cả”.
Trái với lo lắng ban đầu, Nguyên vượt qua vòng lọc hồ sơ của Samsung một cách dễ dàng, khi công ty này không ngại tìm kiếm các ứng viên tay ngang. Lần đầu được tiếp xúc với phong cách phỏng vấn “kiểu Samsung”, gồm một hội đồng nhiều giám khảo đặt câu hỏi với một nhóm ứng viên, mỗi người sẽ có cơ hội để trình bày, lập luận về một vấn đề bằng tiếng Anh, nhằm cho thấy sự sáng tạo và phong cách làm việc của cá nhân, Nguyên thực hiện chiến lược “Biết đến đâu, nói đến đó, chỉ cần nói sao cho logic”, bên cạnh ưu thế về tiếng Anh (anh có điểm số TOEFL 590/610) và kết quả học tập xuất sắc.
Cuối cùng, Nguyên trở thành một trong 3 người được chọn nhận học bổng của Samsung và lên đường sang Hàn Quốc không lâu sau đó. Anh trải qua 2 năm học Thạc sĩ Quản Trị Kinh doanh với hai khó khăn hàng đầu phải đối mặt: Thiếu kiến thức chuyên ngành và chưa biết tiếng Hàn Quốc.
“Khi học về kinh doanh thì rất ngỡ ngàng, rất lo lắng, mọi kiến thức đều quá mới nên phải ép mình nỗ lực hơn, để sánh ngang với những bạn bè cùng lứa GSP đó. Còn học tiếng Hàn thì thời gian đầu khó quá, ngữ pháp khác hoàn toàn tiếng Việt, nên có lúc gần như bỏ cuộc”.
Sang đến năm học thứ hai, Nguyên có thể giao lưu được với các bạn trong lớp. Cũng giống như người Việt, người Hàn có ấn tượng tốt với những người nước ngoài có thể nói được ngôn ngữ của họ, dù nói sai, nói bập bẹ. Sau này, chính những tháng ngày học tiếng Hàn tới mức gần như bỏ cuộc ấy đã giúp anh rất nhiều trong công việc cũng như hòa đồng cùng các đồng nghiệp tại công ty mẹ Samsung.
Sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh, Lê Khôi Nguyên được công ty bổ nhiệm vị trí Area Manager thuộc ngành hàng Thiết bị Di động (IM) ở thành phố Suwon (Thành phố công nghệ Samsung (Samsung Digital City) tọa lạc tại tỉnh Suwon (Hàn Quốc), cách thủ đô Seoul khoảng hơn 30 km.
Khác với người Việt vốn nổi tiếng thân thiện, vui vẻ, môi trường làm việc tại các công ty Hàn Quốc mang tính quy củ, lớp lang, chỉn chu hơn hẳn. Nhưng vượt trên những quy tắc đó, Samsung – với đặc điểm là một công ty toàn cầu – lại sẵn sàng chấp nhận những điều mới mẻ, chấp nhận sự đa dạng văn hóa, sự khác biệt của các thành viên, thậm chí cả những ý tưởng điên rồ, với niềm tin xuyên suốt “không điều gì là không thể”.
“Đôi khi, có những ý tưởng đến bản thân là người nghĩ ra còn nghĩ rằng nó khó thực hiện, nhưng khi nói chuyện với các sếp, họ lại chấp nhận thử. Với Samsung, cứ làm đi rồi nói tới kết quả, đừng vội lo không làm được rồi rút lui ngay cả khi chưa bắt đầu”.
Những người Samsung bản xứ chẳng ngại giúp đỡ các nhân viên nước ngoài hòa đồng vào văn hóa của họ. Đi ăn tối cùng nhau, thường xuyên tổ chức các buổi KTV (karaoke), đồng nghiệp tại Samsung đã giúp chàng trai người Việt kết thân nhanh chóng.
“Ở Hàn Quốc có cái hay là con người bề ngoài dù tỏ ra rất xa cách, nhưng nếu thân thì sẽ vô cùng gần gũi. Giống như họ luôn có một bức tường trong lòng, chỉ khi mình đập vỡ được bức tường đó, họ sẽ cưng chiều mình hết mức.
Nhưng Nguyên cũng có một tôn chỉ khi làm bên đó: văn hoá Hàn là làm thêm giờ rất nhiều, họ thường ở lại văn phòng đến 20-21h mới về, dù không phải trong các đợt cao điểm. Nhưng tôi nghĩ bản thân không nên đánh đồng giống như họ, nên giữ bản chất của mình (cười), quyết không hoà tan”.
Trở về Việt Nam năm 2011, Lê Khôi Nguyên đảm đương vị trí Giám đốc chiến lược Sản phẩm Ngành hàng thiết bị di động, Công ty Điện tử Samsung Vina. Từ con số 0, Nguyên trở thành một trong những giám đốc chiến lược trẻ nhất của Samsung trên toàn cầu, và đối mặt với những khó khăn không dễ vượt qua ở tuổi 26.
Khoảng 2012-2013, nhóm di động của Nguyên khi ấy chỉ có 2 người, phải giải quyết gần như toàn bộ công việc về chiến lược sản phẩm di động cho toàn thị trường Việt Nam. Mỗi ngày, họ lăn xả ở công ty từ 8h sáng đến 22-23h đêm, cuối tuần cũng phải lên giải quyết công việc.
“Ở thời điểm được bổ nhiệm, tôi không thấy bất ngờ, cũng chẳng vui ngay, mà nghĩ sao áp lực thế! Lương lúc đó không thay đổi, làm việc thì quá cực, có lúc đã muốn buông xuôi”.
Nhớ lại thời điểm đó, Lê Khôi Nguyên cho rằng việc thiếu kinh nghiệm thực tế, để công việc tồn đọng, người ít, lại chưa có kỹ năng trao quyền, tính cách quá cầu toàn đã khiến anh gặp stress đỉnh điểm.
“Lúc đó, chỉ còn đam mê giữ tôi lại với Samsung. Tôi tự nhủ, mọi chuyện đang khó khăn, mình không làm thì sẽ trút lên ai được? Thế là đổ vào đó 300-500% công lực.
Mỗi ngày của tôi như một cuộc đua marathon, cứ chăm chăm cắm đầu chạy, cho đến lúc quay lại nhìn thì đã thấy bản thân đã bỏ xa nhiều người cùng trang lứa. Khi ấy tôi mới hiểu cách Samsung thúc đẩy những con người của họ đến giới hạn cuối cùng, và sự kiên nhẫn của công ty này đối với những vấp ngã và hành trình trưởng thành của từng thành viên.
Bất kể ai, dù xuất phát điểm ra sao, kinh nghiệm có nhiều hay ít đến mức nào, thì đều được công ty trao những cơ hội như nhau trong công việc.
Mọi chuyện còn lại, chỉ phụ thuộc vào ý chí của từng người mà thôi”.
8 năm, sự trưởng thành của Samsung Việt Nam gắn liền với sự trưởng thành của chàng sinh viên Bách Khoa năm nào. Đội ngũ của Khôi Nguyên từ vài người, nay đã lên tới ngót nghét 80 nhân sự. Cùng với đó, thị phần sản phẩm di động Samsung tại Việt Nam cũng tăng trưởng vượt bậc, từ mức chưa đầy 1% vào năm 2011 chạm tới con số 50% trong những tháng cuối năm 2017.
Năm 2017, giới chuyên gia công nghệ gặp mặt Lê Khôi Nguyên 4 lần trong các sự kiện ra mắt sản phẩm lớn nhất của Samsung, gồm lễ ra mắt Samsung A3 (tháng 2/2017), Samsung S8 và S8 Plus (tháng 4/2017), Note 8 (tháng 9/2017) Samsung A8 (tháng 12/2017). Và mới đây nhất là sự kiện ra mắtSamsung Galaxy Note 9 vào tháng 08/2018 vừa qua.
Phía sau thành công của những sự kiện này, Lê Khôi Nguyên cùng các đồng sự đã phải đối diện với những áp lực khủng khiếp trong lòng một công ty công nghệ mang khát khao thành công cực lớn ở thị trường Việt Nam. Như một quy tắc, ở Samsung, các dự án sẽ phải hoàn thành trong thời gian không quá 6 tháng, bởi là một công ty công nghệ, đứng yên đã là thụt lùi. Vì vậy, nếu không có đam mê, những người trẻ này sẽ khó có thể đứng vững trong guồng quay gấp gáp.
“Không ai bị bắt phải làm việc đến 21-22h đêm, không ai yêu cầu đi làm cuối tuần, công ty cũng không trả thêm tiền lương, nhưng niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn khi hoàn thành công việc thúc đẩy tôi cống hiến càng nhiều hơn nữa.
Áp lực không phải là việc bản thân đang đứng ở vị trí giám đốc, phải làm sao cho ra dáng một nhà quản lý, mà là ở việc phải làm tốt hơn những gì mình đã từng làm. Tôi muốn mọi người ở Samsung khi nói đến Nguyên là nhớ tới một người có thể đưa ra những giải pháp chưa ai nghĩ tới được; một người không chỉ dừng lại ở mức đưa ra ý tưởng mà còn triển khai được đến bước cuối cùng.
10 năm với Samsung, tôi đã ở ngưỡng tuổi không còn là nhóm nhân sự trẻ nhất công ty, cũng như không còn bồng bột như những ngày đầu. Bớt đi sự hiếu thắng, không còn những quyết định quá vội vã, biết cách điều chỉnh bản thân mỗi ngày một chút, lắng nghe và trao quyền nhiều hơn.
Samsung không tạo nên áp lực cho những người đứng ở vị trí lãnh đạo của công ty, mà mỗi người trong chúng tôi đều chỉ chịu áp lực tự thân mình đặt ra. Đó là áp lực tạo nên chất riêng của mình trong một công ty toàn cầu”.
80 năm thành lập và phát triển, Samsung từ một công ty gia đình nhỏ kinh doanh trong ngành thương mại thực phẩm đã trở thành tập đoàn toàn cầu, kinh doanh đa ngành, từ công nghiệp nặng, công nghệ, y tế, giải trí, truyền thông… Riêng trong mảng sản xuất điện tử, di động, công ty này đã đặt trụ sở tại 90 quốc gia, với mức phủ sóng sản phẩm lên tới gần 24% trên toàn thế giới.
Có mặt tại Việt Nam được 20 năm, chính thức đầu tư trong 10 năm, Samsung đã rót vào thị trường này tổng số vốn lên tới 17 tỷ USD (tính đến năm 2017), đạt kim ngạch xuất khẩu 54,4 tỷ USD, đóng góp 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD, dự kiến cả năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 57 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2017, đồng thời không giấu tham vọng biến Việt Nam trở thành ngôi nhà thứ hai của tập đoàn, chỉ sau Hàn Quốc.
Một lãnh đạo của Samsung không ngần ngại bày tỏ rằng công ty này hiểu “đâu đó ở Việt Nam, người dân vẫn còn cần một chiếc tivi, một chiếc máy giặt, và thanh niên Việt thực sự đam mê công nghệ mới. Đó là lý do Samsung còn đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng tại Việt Nam”.
Kỳ vọng nhiều bao nhiêu, đầu tư nhiều bấy nhiêu. Không dừng lại ở chuyện mang tiền đến, Samsung đã dựa vào từng cá nhân để thay đổi tập đoàn, bổ sung nhiều đặc điểm địa phương hóa trong sự phát triển hài hòa với tính toàn cầu. Nếu ở Hàn Quốc, những người Samsung còn gọi nhau bằng họ kèm chức vụ; nếu ở Singapore, Israel, lớp lãnh đạo của công ty này đều ở lứa tuổi U50 thì ở Việt Nam, những quy tắc này từ lâu đã không còn.
“Đội ngũ ở Việt Nam trẻ nhất khu vực, không khí làm việc ở đây cũng trẻ, hứng khởi và có chút nổi loạn hơn so với sự trầm tĩnh ở Hàn Quốc hay chuyên nghiệp hóa ở Singapore. Không có sự phân biệt giai cấp, không áp đặt, sếp chỉ là người đi trước, và mọi ý kiến đều được đặt lên bàn để thảo luận. Thậm chí, những bạn cấp thấp hơn cũng có thể phổ cập lại cho những lãnh đạo chức cao hơn 2-3 bậc, chỉ cần điều đó có lợi cho công việc và sự phát triển của các thành viên”, Lê Khôi Nguyên chia sẻ.
Với chàng Giám đốc chiến lược ngành hàng di động, Samsung đã thay đổi anh một cách sâu sắc từ chính những cơ hội mà tập đoàn này mang lại. Không còn bồng bột, hiếu thắng như những ngày “trẻ, khỏe, đói” mới bước chân vào công ty này, Khôi Nguyên tự đánh giá bản thân giờ đây thích suy nghĩ nhiều hơn, xoay vấn đề ở nhiều góc độ hơn, điều chỉnh bản thân mỗi ngày một tí xíu.
“Nếu phải đưa ra một lời khuyên với các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội ở Samsung, tôi nghĩ mình sẽ khuyên họ hiểu rõ đam mê của mình và luôn nuôi dưỡng tư duy sáng tạo. Samsung luôn cần những người cháy hết mình như thế, bởi công ty này dù mang tham vọng lớn cũng chưa từng vứt bỏ bất cứ ai trong hành trình trưởng thành của chính họ bên cạnh Samsung”./.
Theo Tri thức trẻ