Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giám đốc Nhật không mất đồ và bài học về chữ tín

11/07/2020 12:26

Câu chuyện của vị doanh nhân Nhật Bản làm tăng thêm uy tín cũng như làm đẹp thêm hình ảnh của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Câu chuyện của vị doanh nhân Nhật Bản làm tăng thêm uy tín cũng như làm đẹp thêm hình ảnh của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Chia sẻ của doanh nhân Nhật Bản, ông Sagara Hirohide, Giám đốc công ty Marubeni Việt Nam (Hà Nội) mới đây về việc ông này để quên ví ở một quán ăn tại Việt Nam nhưng đã được chủ quán chạy theo trả lại đang thu hút được nhiều chú ý. Vị doanh nhân người Nhật sau đó đã kết luận "Ở Việt Nam, tôi đánh rơi gì cũng không sợ mất".

Doanh nhân Nhật Bản bày tỏ mong muốn được đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Dân trí

Bình luận về câu chuyện trên, PGS. TS Trương Thị Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, câu chuyện tưởng rất bình thường nhưng lại cho thấy, sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh, xã hội và trật tự tại Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời sẽ tạo lan tỏa tới các nhà đầu tư khác khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Vị PGS nói, câu chuyện được kể lại từ chuyên gia, doanh nhân, giám đốc Nhật Bản sẽ mang một sắc thái khác hoàn toàn so với những những câu chuyện được kể bởi những nhà đầu tư khác. Bởi lẽ, với người Nhật, chữ tín trong kinh doanh và lòng tin trong những cư xử xã hội luôn được đề cao. Người Nhật họ tin nhau bởi tính trung thực, tự giác đã trở thành văn hóa; Khách hàng luôn tin những công ty Nhật bởi cách làm chuyên nghiệp, có trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa... Đó không phải là việc làm nhất thời mà là "văn hóa"- được người Nhật tạo dựng, duy trì trong suốt một quá trình dài... Vì thế, câu chuyện của vị giám đốc Nhật chắc chắn sẽ gây ấn tượng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới đầu tư kinh doanh.

Để khẳng định thêm quan điểm trên, PGS Trương Thị Nam Thắng kể lại câu chuyện trải nghiệm của một học sinh mình từng giảng dạy, hiện đang làm tại một ngân hàng của Nhật, bà cũng xem đây là bài học kinh nghiệm về văn hóa trong kinh doanh cho chính bản thân và những buổi giảng dạy cho sinh viên.

Vị PGS kể: "Học sinh của tôi nói, trong một lần thực hiện thanh toán cho khách hàng, khi đó, bạn ấy bị thiếu của khách là 1.000 đồng. Bạn đó đã nói với vị khách và xin không trả cho khách 1.000 đồng đó vì không có tiền lẻ trả lại. Vị khách rất vui vẻ đồng ý.

Tuy nhiên, học sinh của tôi đã không biết rằng, đây là điều không được phép xảy ra tại một ngân hàng của Nhật Bản và đúng như vậy, đến thời điểm cuối ngày, khi thực hiện khớp lệnh và kiểm két, số tiền 1.000 đồng đã bị dư ra trong tổng số tiền thực hiện giao dịch trong ngày.

Học sinh của tôi đã bị truy vấn về 1.000 đồng bị dư có từ đâu ra? Câu chuyện được kể lại nguyên văn, thực tế, số tiền dư 1.000 đồng đó học sinh của tôi cũng không lấy cho cá nhân mà vẫn đang nằm tại két nhưng việc đó cũng không được chấp nhận.

Ngay sau khi nghe lại câu chuyện, lãnh đạo của phòng giao dịch ngân hàng này đã thẳng thắn phê bình học sinh của tôi và nói đây là điều không được phép xảy ra.

Học sinh của tôi đã phải gọi điện cho vị khách và cùng với lãnh đạo đi thẳng tới sân bay để xin lỗi và trả lại 1.000 đồng cho khách.

Vị lãnh đạo của ngân hàng cũng có nói với học sinh của tôi rằng, bắt buộc phải xin lỗi và trả lại 1.000 đồng đó cho khách bởi vì ở Nhật Bản, uy tín là tối quan trọng, người làm việc sẽ không được phép sai. Chính vì thế, dù là 1.000 đồng cũng phải có trách nhiệm trả lại đầy đủ cho khách, không thể có chuyện à uôm, xí xóa cho qua được", bà Thắng kể.

Cũng theo bà Thắng, khi nghe câu chuyện này nhiều người sẽ nghĩ rằng có 1.000 đồng làm gì mà phải nghiêm trọng như vậy, tuy nhiên, đối với người Nhật, uy tín không thể đo đếm bằng tiền, đó là văn hóa và là lòng tin, là sự chính xác gần như tuyệt đối.

Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, khi có một câu chuyện về lòng tốt ở Việt Nam được doanh nhân uy tín của Nhật Bản kể lại trong cộng đồng doanh nghiệp thì đây sẽ là điều rất vui mừng, là cơ hội để Việt Nam có được lòng tin và sự tín nhiệm của thêm nhiều khách hàng.

"Tính lan truyền trong môi trường kinh doanh có sức mạnh rất khủng khiếp, nó cũng giống như tin xấu và tin tốt trên mạng xã hội vậy.

Khi có một tin xấu thì chỉ sau vài giây đã được lan truyền tới hàng trăm người nhưng một tin tốt thì có khi cả ngày, cả năm cũng chỉ tới được vài ba người.

Chính vì thế, câu chuyện của vị doanh nhân Nhật Bản sẽ làm tăng thêm uy tín cũng như làm đẹp thêm hình ảnh của môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", bà Thắng chia sẻ.

Với kinh nghiệm đã từng đi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, bà Thắng cho hay những câu chuyện ăn cắp, ăn trộm, gian dối cũng từng xảy ra tại rất nhiều nước.

Ngay tại Mỹ, bà cũng được chứng kiến một người ăn mày bị cặp vợ chồng trẻ móc túi, lấy hết sạch tiền vừa xin được khi ngủ quên trên đường.

Với Việt Nam, những câu chuyện tương tự cũng vẫn xảy ra và trong xã hội cũng vẫn có những người xấu nhưng cũng vẫn còn rất nhiều người tốt, có hành động, ứng xử tốt như trong câu chuyện của vị doanh nhân Nhật Bản đã kể.

Đặc biệt, trong môi trường doanh nghiệp xã hội, bà Thắng đặc biệt đánh giá cao về văn hóa, văn minh cũng như tính chuyên nghiệp của những doanh nghiệp xã hội Việt Nam.

"Xu hướng mang theo những giá trị nhân văn, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp xã hội, những doanh nhân, doanh nghiệp người Việt cũng ngày càng được quan tâm nhiều hơn, phát triển hơn trong cộng đồng kinh doanh Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để nâng cao uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trong môi trường quốc tế, thì điều đầu tiên là cần phải đẩy mạnh giáo dục cho mỗi người dân, doanh nhân, doanh nghiệp thấu hiểu, ý thức được về tính tự hào dân tộc. Phải làm thế nào để mỗi chúng ta khi đi ra ngoài đều có thể tự tin, tự hào nói rằng mình là người Việt Nam, nếu làm được như vậy cũng sẽ giúp mỗi cá nhân có thể tự ý thức và tự có trách nhiệm hơn trong công việc, cũng như trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đất nước", bà Thắng nói.

Lam Lam

Theo Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết "Giám đốc Nhật không mất đồ và bài học về chữ tín" tại chuyên mục Phong cách.