Dù được giảm tiền thuê mặt bằng cả trăm triệu đồng/tháng nhưng người thuê vẫn “chật vật” vì không có nguồn thu để chi trả.
Nhiều chủ mặt bằng tại TPHCM liên tục treo bảng tìm người thuê. Ảnh: Đại Việt
Ông Lý Nhất Hiếu, chủ một nhà hàng trên đường Ngô Đức Kế (quận 1) cho biết, ông đang thuê mặt bằng với giá 700 triệu đồng/tháng. Khi dịch Covid-19 bùng phát thì chủ nhà giảm giá thuê 50%, tức còn 350 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, dù giá thuê chỉ còn 350 triệu đồng/tháng thì nhà hàng của ông cũng rất khó khăn để chi trả cho số tiền này vì nhà hàng phải đóng cửa suốt mấy tuần qua.
“Chúng tôi đóng cửa nhà hàng trong trường hợp bất khả kháng. Mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ thì lấy đâu ra nguồn thu mà trả tiền. Thiết nghĩ, các chủ mặt bằng cần giảm giá 100% tiền thuê cho những người kinh doanh bị buộc phải đóng cửa như chúng tôi”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, trong hợp đồng giữa nhà hàng ông và chủ mặt bằng cũng có điều khoản được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ở thời điểm này thì toàn bộ trang thiết bị đã đầu tư vào nhà hàng coi như “mất trắng”.
Chính vì rơi vào hoàn cảnh éo le như trên mà nhiều người thuê đã chấp nhận “cắn răng” trả lại mặt bằng vì không có nguồn thu. Trong khi đó, các chi phí vận hành như điện, nước, nhân sự và nhiều chi phí khác thì người thuê vẫn đều đặn trả hàng tháng.
Anh Võ Hùng, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chia sẻ, mới đây, anh buộc phải trả mặt bằng tại quận 1 để giảm chi phí cho công ty. Nhân sự cũng được cắt giảm và làm việc online nhằm “cầm cự” qua mùa dịch.
“Trả mặt bằng, công ty chúng tôi tiết kiệm được khoảng 90 triệu đồng trong gần 2 tháng qua. Tôi và chủ nhà đã thương lượng mức giảm 70% tiền thuê nhưng không thành. Điều này đã khiến chúng tôi buộc phải trả mặt bằng”, anh Hùng nói.
Trong khi đó, nhiều chủ nhà lấy lại mặt bằng cũng không dễ cho thuê vào thời điểm này.
Việc tìm người thuê mặt bằng cũng rất gian nan, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường. Ảnh: Đại Việt
Bà Trần Thị Lý, chủ một mặt bằng trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) cho biết, bà đang cho thuê mặt bằng diện tích 4,5 x 28 với giá 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tìm cả tháng nay cũng không có người thuê.
“Trước đây, mặt bằng của tôi mỗi tháng phải cho thuê với giá từ 40 – 45 triệu đồng/tháng. Đợt này dịch bệnh nên tôi cho thuê rẻ hơn nhưng vẫn chưa có người thuê”, bà Lý nói.
Ông Khánh, chủ một mặt bằng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) chia sẻ, ông cũng đang tìm khách thuê mặt bằng diện tích gần 100m2, xây 3 tầng với giá 60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ông tìm gần 1 tháng qua cũng chưa có người thuê.
Ghi nhận của PV Dân trí tại TPHCM, nhiều trung tâm thương mại lớn đã buộc phải giảm giá thuê 100% để giữ chân người thuê. Các ngành hàng được giảm giá thuê 100% là các ngành hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền thành phố như dịch vụ ăn uống, rạp chiếu phim, phòng Gym…
Theo nghiên cứu của CBRE, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của nhiều ngành hàng đều có mức giảm mạnh. Các ngành hàng buộc phải đóng cửa như giáo dục gần như không có doanh thu. Trong khi đó, các ngành hàng như ăn uống, thời trang, phụ kiện hoặc giải trí thì doanh thu có thể giảm từ 50-80%.
“Gần như toàn bộ các dự án trên thành phố đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình từ 10 - 30% cho các ngành hàng khác nhau từ tháng 2/2020 và mức giảm cao nhất là miễn phí tiền thuê cho ngành hàng buộc phải đóng cửa”, nghiên cứu của CBRE nêu rõ.
Cũng theo CBRE, đến thời điểm cuối quý 1/2020, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm TPHCM giảm 11,4% so với quý trước và giá thuê tại khu ngoại thành giảm 15,9% so với quý trước. Mức sụt giảm này sẽ cao hơn cho các vị trí ở tầng trên.
So với cùng kỳ năm 2019, giá thuê khu trung tâm giảm 6,6% và giá thuê khu ngoại thành giảm 17,6%.
Xét về tỷ lệ trống, một vài thương hiệu tại các trung tâm thương mại đóng cửa tạm thời nhưng chưa trả mặt bằng thuê nên tỷ lệ trống vẫn giữ mức ổn định so với quý trước. Tại khu trung tâm, tỷ lệ trống không thay đổi và khu ngoại thành, tỷ lệ trống tăng nhẹ 0,9 điểm phần trăm.
Đại Việt