Gia đình Yusi Zhao là một trong vô số những gia đình thượng lưu ở Trung Quốc sẵn sàng bỏ hàng triệu đô để mua cho con cái một suất học đại học.
“Nỗ lực chăm chỉ” hay gian lận trắng trợn?
Mùa hè năm 2017, Yusi Zhao, một nữ sinh người Trung Quốc, đã đạt được thành tích là ước mơ của hàng triệu người: được nhận vào trường đại học hàng đầu thế giới - Stanford.
Sau khi nhận được tin vui này, cô đã quay một đoạn video đăng tải trên trang Youtube cá nhân. Ngồi trên một chiếc ghế xoay, mặc chiếc sơ-mi trắng cao cổ, Yusi nhìn vào camera, cười tươi và bắt đầu đưa ra các lời khuyên cho khán giả của mình về việc làm thế nào để vào được các trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
“Nhiều người nghĩ, ‘Không phải bạn vào được Stanford vì nhà bạn giàu sao?’ ”, nữ sinh này nói trong đoạn video. “Không phải vậy. Các nhà tuyển sinh không hề biết bạn là ai”, cô phủ nhận.
Yusi nói thêm: “Tôi thi vào được Stanford nhờ chính nỗ lực chăm chỉ của mình”.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Theo thông tin mới nhất trong những ngày gần đây, cha mẹ của cô Zhao đang bị cáo buộc đã hối lộ 6,5 triệu đô-la Mỹ (khoảng 150 tỉ đồng) cho một tư vấn viên tuyển sinh – nhân vật cầm đầu một đường dây gian lận tuyển sinh đại học xuyên quốc gia.
Công tố viên cho biết, tư vấn viên tuyển sinh có tên William Singer, đã đưa Yusi vào một đội tuyển đua thuyền buồm, cung cấp một danh sách các thành tích đua thuyền giả mạo và đóng một khoản quyên góp trị giá 500.000 đô-la Mỹ cho chương trình đua thuyền sau khi cô được nhận vào chương trình này.
Số tiền trả cho ông Singer là khoản chi trả lớn nhất được tiết lộ trong vụ án này đến thời điểm hiện tại. Tiết lộ này đưa gia đình cô Zhao vào danh sách một loạt các nhân vật quyền thế bị lật tẩy trong vụ bê bối liên quan đến tuyển sinh đại học, bao gồm hai nữ diễn viên Hollywood và nhiều cái tên có tiếng trong giới kinh doanh và luật pháp ở Mỹ.
Nhu cầu “danh giá” của giới thượng lưu Trung Quốc
Các tình tiết mới trong vụ điều tra, bao gồm một báo cáo khác cho biết một gia đình Trung Quốc nữa đã chi 1,2 triệu đô-la kèm theo hồ sơ của con gái họ nộp vào đại học Yale, đã cho thấy phạm vi hoạt động toàn cầu của đường dây do ông Singer cầm đầu. Chúng cũng cho thấy các gia đình khá giả ở Trung Quốc muốn cho con họ vào được các trường đại học danh giá ở Mỹ đến thế nào.
Ông Singer chắc chắn không phải người duy nhất tận dụng kiếm lời từ nhu cầu ngày một lớn ở Trung Quốc cho trải nghiệm được học ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Rất nhiều gia đình Trung Quốc tìm đến các bên thứ ba với mức phí lên tới hàng trăm ngàn đô-la Mỹ hoặc nhiều hơn, tương ứng với các đơn vị trong ngành tư vấn tuyển sinh đại học ở Mỹ.
Ở Trung Quốc, một loạt các công ty quảng cáo các dịch vụ tư vấn, từ chính thống đến gian lận một cách công khai. Như ông Singer đã làm với một vài khách hàng, các công ty này đưa ra những đảm bảo về khả năng được nhận vào một số trường đại học, với mức giá thỏa thuận.
Một câu lạc bộ cho giới thượng lưu, rất gần dinh thự của gia đình họ Zhao ở Bắc Kinh, treo đầy các băng rôn quảng cáo về tư vấn tuyển sinh và các khóa học luyện thi SAT. Một công ty mang tên Capstone quảng cáo rằng “100% khách hàng được nhận vào Top 40 đại học hàng đầu của Mỹ”. Đối diện bên kia đường là hàng loạt các công ty dịch vụ tư vấn tuyển sinh và ôn thi. Một công ty treo danh sách các trường đại học hàng đầu nơi khách hàng của họ đã được nhận vào: Yale, Brown, Andover, Groton.
Các dịch vụ tương tự đang bùng nổ ở Trung Quốc, khi mà số lượng du học sinh Trung Quốc ở Mỹ ngày một tăng. Trong năm 2017, có hơn 363.000 sinh viên Trung Quốc theo học ở các trường đại học Mỹ, chiếm hơn 1/3 tổng số sinh viên quốc tế.
Anh Jack Chen, một nhân viên marketing của Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Hoa, cho biết các công ty này giúp học sinh có được những lá thư giới thiệu chất lượng, viết bài luận và chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn. Họ cũng tư vấn cho học sinh cách xây dựng hồ sơ ấn tượng bằng cách đưa vào các hoạt động từ thiện và các cuộc thi tài năng, giúp chúng nổi bật hơn so với bạn bè đồng lứa.
Anh Chen cũng tiết lộ rằng anh biết có những công ty tư vấn có “cửa sau” đến các đại học hàng đầu ở Mỹ, tuy nhiên anh từ chối đưa ra tên các công ty này. Anh cho biết thêm, đã từng có nhiều hơn các dịch vụ như vậy, nhưng nhiều trường đại học Mỹ đã phanh phui nhiều vụ việc học sinh Trung Quốc gian lận trong các bài thi chuẩn hóa và hồ sơ tuyển sinh.
Đường dây gian lận “Made in U.S.A”
Nhưng có lẽ các tư vấn viên trên chính đất Mỹ đã có sức thuyết phục hơn đối với cha mẹ của Yusi Zhao, cũng như gia đình của Sherry Guo – nữ sinh trong vụ ĐH Yale. Cả 2 gia đình đã đồng ý sử dụng dịch vụ của ông Singer sau khi gặp ông qua các công ty dịch vụ tài chính ở California. Gia đình ông Zhao được giới thiệu đến ông Singer qua một tư vấn viên ở công ty Morgan Stanley có tên Michael Wu. Công ty này cho biết anh Wu đã bị cho thôi việc.
Công tố viên liên bang Mỹ đến thời điểm hiện tại đã truy tố 50 cá nhân trong đường dây tuyển sinh, trong đó các gia đình vương giả bị buộc tội gian lận trong các cuộc thi tuyển sinh đầu vào và hối lộ các huấn luyện viên để chọn con cái họ vào các đội tuyển thể thao. Ông Singer đã nhận tội thực hiện các hành vi lừa đảo cùng với một vài tội danh khác, và đã hợp tác với cơ quan chức năng trong việc thu thập bằng chứng chống lại các khách hàng và các cá nhân khác ông đã làm việc cùng.
Các công tố viên đã không truy tố trách nhiệm hình sự đối với gia đình Yusi Zhao hay gia đình Sherry Guo. Tuy nhiên, cả cô Zhao, người đang học năm thứ 2 ở Stanford và cô Guo, hiện là sinh viên năm nhất ở Yale, đều đã bị đuổi học.
Trong một tuyên bố được đưa ra bởi luật sư của bà Zhao - mẹ của Yusi, bà cho biết bà và con gái là các nạn nhân trong đường dây lừa đảo của ông Singer. Bà đã tưởng rằng số tiền 6.5 triệu đô-la là khoản quyên góp hợp pháp và chính thống đến đại học Stanford.
“Khoản quyên góp hào phóng này không chỉ được đưa ra vì lợi ích của ngôi trường và học sinh của trường, mà còn xuất phát từ tình yêu và sự ủng hộ của mẹ Yusi đối với cô ấy”, tuyên bố này cho biết.
Tỉ phú dược phẩm và triết lý “tự thân”
Một chuyến viếng thăm đến dinh thự của nhà Zhao ở ngoại ô Bắc Kinh và những thông tin được công bố trên mạng cho thấy Yusi Zhao đã lớn lên trong một thế giới xa hoa và quyền thế đến thế nào.
Đậu ngoài dinh thự với kiến trúc kiểu California được bao bọc bởi một hàng rào lớn và rất nhiều cây xanh, là một chiếc Ferrari, một chiếc Tesla, một chiếc Bentley và một chiếc Land Rover.
Cha của Yusi, ông Tao Zhao, là chủ tịch và đồng sáng lập của công ty dược phẩm Shandong Buchang, một công ty chuyên sản xuất các loại thuốc Đông Y truyền thống và thực phẩm chức năng. Ông sáng lập công ty này cùng cha ông năm 1993, và nó đã trở thành một tập đoàn gia đình hùng mạnh.
Anh trai, vợ và con gái lớn của ông Zhao đều làm việc ở đây. Tạp chí Forbes thống kê tổng tài sản của ông Zhao vào khoảng 1.8 tỉ đô-la Mỹ, cho biết ông là một công dân của Singapore và có bằng thạc sĩ từ đại học Fordham của Mỹ.
Ông Zhao cũng là thành viên ban quản trị của Wisdom Valley, một công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ các mô hình kinh doanh gia đình ở Trung Quốc. Qua công ty này, ông Zhao đã gặp và chụp ảnh cùng tổng thông Donald Trump và phu nhân năm 2017.
Tuy nhiên, gia đình họ Zhao cũng nhiều lần công khai nói về truyền thống làm việc chăm chỉ và không ỉ lại vào sự giàu có của gia đình.
Ông Zhao từng nói trong một bài viết về tiểu sử gia đình họ Zhao do một tờ tạp chí Trung Quốc thực hiện, rằng con cái ông không sở hữu những chiếc xe sang của riêng mình. “Nếu chúng muốn đi xe, chúng sẽ phải hỏi mượn tôi”, ông nói.
“Tôi thực sự coi thường những đứa trẻ không biết phụ thuộc vào chính thực lực của mình”, ông nói thêm. “Nếu tôi gặp một đứa như vậy, tôi sẽ giảng cho chúng một bài ngay. Tôi không chịu nổi loại người như vậy”.
Chị gái ông Zhao, bà Yuchen Zhao, cũng nói trong cùng một bài viết: “Từ nhỏ chúng tôi đã được dạy rằng tiền của gia đình là của gia đình, và không phải việc của chúng tôi.
Chúng tôi có thể nhận được những sự giáo dục tốt nhất, nhưng nếu chúng tôi muốn sống tốt hơn, chúng tôi phải tự kiếm được tiền. Khi đi du lịch, người lớn sẽ đi hạng nhất, nhưng lũ trẻ chúng tôi sẽ phải ngồi hạng phổ thông ở phía sau”.
Sống trong nhung lụa nhưng nỗ lực cá nhân?
Con gái ông Zhao học tiểu học ở Bắc Kinh, trước khi chuyển sang Anh để học cấp 2 và cấp 3 trong một ngôi trường nội trú danh giá.
Năm đầu học ở Stanford, Yusi tham gia rất nhiều hoạt động và câu lạc bộ của trường. Cô là một thành viên của tổ chức Stanford Speakers Bureau, nơi phụ trách việc đưa các nhân vật nổi tiếng như Jennifer Lopez hay Ban Ki Moon đến phát biểu ở trường.
“Cô ấy rất thân thiện, và rất tâm huyết nữa’, Alexa Ramachandran, một thành viên năm nhất của câu lạc bộ, nói về Yusi. “Cô ấy hay đi quanh kí túc xá và hỏi xem mình có thể làm gì để CLB trở nên tốt hơn”.
Trong đoạn video dài 90 phút nói về chuyện được nhận vào Stanford, Yusi cho biết cô thường cưỡi ngựa mỗi khi rảnh rỗi. Cô dự định sẽ học ngành xã hội học ở Stanford và sẽ quay lại Trung Quốc sau khi tốt nghiệp.
Yusi liên tục hô hào khán giả của mình phải học hành chăm chỉ và tin tưởng vào bản thân mình, lấy hành trình của cô ra làm bài học. Cô nói cô là một học sinh rất bình thường khi học tiểu học và điểm thi ACT lần đầu của cô không hề cao.
“Rất nhiều người nói với tôi, ‘Cháu vẫn muốn vào Stanford à, nhưng, nghe này, tỉ lệ trúng tuyển chỉ có 4% - tốt nhất là quên chuyện đó đi’ ”, Yusi nói. Nhưng sau một năm ôn luyện vất vả, Yusi kể, cô làm bài thi lại và đạt 33/36 điểm.
“Dựa trên kinh nghiệm của tôi, tôi muốn các bạn biết rằng ai cũng có thể làm được”, cô nói tiếp. “Tôi không phải người được sinh ra với chỉ số I.Q quá cao, cũng không phải là người cứ thế thi là được 33/36 điểm. Nhưng tôi đã leo lên từng bước một, bằng sự chăm chỉ của mình”.
Theo Yusi, cô đặt mục tiêu vào các trường đại học Mỹ, vì họ không chỉ đánh giá học sinh dựa trên điểm số, mà còn dựa vào các hoạt động ngoại khóa và các bài luận cá nhân.
“Họ yêu cầu bạn không chỉ là một học sinh giỏi, mà bạn còn cần phải có một cá tính riêng”, Yusi nói. “Bạn cần một kĩ năng đặc biệt nào đó”.
Linh Nguyễn
Theo VietnamNet