Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về

21/04/2019 19:51

Phố thị đôi khi không yêu thương người ta như vùng quê yên ả, nhưng ở lại hay đi cũng chẳng vì chuyện cảm xúc cá nhân. Ràng buộc bởi nhiều áp lực, nhiều người chênh vênh giữa dòng xe đông đúc: Tiếp tục ở lại thành phố hay về quê với cuộc đời mới?

Tôi chạy xe chầm chậm trong một chiều Hà Nội ngợp ngụa với cái nắng 38 độ; tắc đường, muốn chạy nhanh hơn cũng không được. 7 năm ở Hà Nội kể từ khi lớ ngớ lên học đại học, thành phố này vẫn vậy: Vẫn tắc đường mỗi khi tan tầm, oi bức hơn quê tôi mỗi chiều hè nắng diệu vợi. Vừa chạy xe, tôi nhớ lại câu chuyện của một người lạ chia sẻ trên mạng:

“Các bác ạ em về quê thôi! Em năm nay 26 tuổi, quê Ninh Bình. Cuộc đời xô đẩy không nghĩ mình lại làm cái nghề này lâu vậy cũng gần 2 năm có lẻ.

Được cho là thằng sáng dạ, bố mẹ cày cấy để nuôi mình ăn học cho thoát cái cảnh con trâu đi trước mặt mình theo sau.

Bốn năm đại học với bao cố gắng bằng mồ hôi, máu và nước mắt của cả gia đình, mong cho mình bớt khổ. Rồi bốn năm học cũng qua, ra trường với bao hoài bão, cầm tấm bằng đi xin việc, đúng là cao không đến, thấp không xong. Chỗ nào lâu nhất được 5-6 tháng họ không đuổi thì cũng tìm cách đuổi.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 1.

Lang thang, vật vờ cố bám trụ và rồi Grab như gói mì tôm vay bạn thời sinh viên. Nghĩ vừa đi xin việc vừa chạy kiếm tiền lo tạm. Trong đầu luôn nghĩ “ờ mình làm tạm thôi chứ ai lại làm món này”. Rồi cuộc sống cứ thế trôi đi, bố mẹ ở quê cứ tưởng nó làm công ty liên doanh với nước ngoài (em về chém thế). Mỗi khi về quê thấy bố mẹ khoe với họ hàng nhìn nét mặt tự hào của họ em không nỡ nói thật. Từ đó em dần dần sợ về quê.

Cuộc sống xe ôm xô bồ, tự do, lâu ngày em thấy suy nghĩ và hành động của mình nó khác hẳn ngày trước. Mỗi khi bạn bè ở quê gọi điện thoại tâm sự, chuyện làm ăn, vợ con, em thấy mình hèn thật. 25 tuổi tay trắng, ngày ngày bán tính mạng để kiếm vài đồng.

Đêm về mệt thì không sao, hôm nào không ngủ được ngẫm cái cuộc đời sao bạc bẽo thật. Nó không có chỗ cho chúng ta ở đây. Cứ như thế này không ổn, tương lai bất định. Nhiều lúc đi ship đồ cho những đứa bằng tầm mình, hay kém tí thấy tủi nhục thật. 12h trưa chầu trực gần các quán ăn, mong chờ nổ được cuốc ship đồ. Nhìn thấy anh em đồng nghiệp cũng như mình, sức trẻ, học thức đàng hoàng giờ đi làm cái này,xót xa thực sự…”

Công việc lương ba cọc ba đồng nơi tôi đang làm cũng không khá khẩm gì, nhiều lúc cũng tự nhủ: Hay thôi về quê? Bỏ lại thành phố bạc bẽo, với những chật hẹp và toan tính, trong lòng thành phố và trong lòng mỗi người nơi đây.

Nhưng về quê thì cuộc đời sẽ đi về đâu?

Người ta coi câu nói đó như một lời đùa vui, còn tôi coi đó như nỗi buồn của một lớp người nhập cư thành phố. Cuộc sống của những năm 2019 không còn nhiều sự kì thị từ người thành thị với người ngoại tỉnh, đó là điều may mắn cho những người như tôi. Nhưng hóa ra, chính những người nơi vùng quê nghèo và bản thân chúng tôi mới đang tự tạo những rào cản, trách cứ và khinh miệt chính mình.

Chậm tiền nhà trọ, nóng hầm hập mà không có tiền lắp điều hòa, những lần lang thang đi tìm việc… không dưới 10 lần tôi đã nghĩ hay về quê tìm việc nhỉ? Nhưng về quê thì sẽ làm gì? Bài toán kinh tế luôn là vấn đề khiến chúng tôi chùn chân mỗi khi quyết định đi hay ở. Kiếm đồng tiền ở thành phố chưa bao giờ là dễ dàng nhưng ở quê, có chút thu nhập cũng khó đối với nhiều người. Quanh quẩn với mấy công việc đồng áng, kinh doanh nhỏ lẻ, “bao giờ mới ngóc đầu lên được”?

Có lẽ vì vậy, người ta nói có giàu ở quê cũng không bằng một đứa làm công việc linh tinh trên thành phố. Ai cũng muốn ngóc đầu lên thành phố dù không biết có việc hay không; thành phố được người ta gửi gắm những ước mơ đổi đời, rằng cuộc sống văn minh hơn vùng quê yên ả. Chúng tôi của 10 năm trước, cuộc sống bó hẹp sau những con sông cánh đồng,cũng mơ được lên thành phố để đổi đời. Giờ bỏ lại thành phố là bỏ lại ước mơ của một thời trẻ, bỏ lại nhiều năm cố gắng nỗ lực bám trụ, bỏ lại cả những “nền tảng” đã xây dựng ở thành phố này. Dù tôi biết, đến giờ mình vẫn tay trắng, thứ “nền tảng” có được chắc là cuộc sống bám víu vào thành phố, chấp nhận “ngồi lê” qua ngày để không phải về quê.

Thành phố chật chội không rộng lượng gì với những thanh niên nhập cư, nhưng bám trụ lại nơi này là cách duy nhất nhiều người có thể làm. Có buồn khổ, họ cũng không muốn phản bội niềm tin của mình về một cuộc sống tốt đẹp.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 2.

Lên thành phố, giấc mơ của cha mẹ đôi khi nặng gánh hơn giấc mơ của từng cô cậu mới mười tám, đôi mươi.

Cả cuộc đời bố mẹ ở quê, chỉ mong cho con mình có cuộc sống tốt đẹp nơi thành phố - hai chữ “thoát ly” đã ám ảnh cuộc đời nhiều người và câu chuyện về những người sinh ra từ làng làm giàu trên phố đã đi theo tuổi thơ của bao lớp thanh niên. Tôi thấy nhiều người đã vươn lên làm giàu thành công, rất rất nhiều, nhưng họ không phải tôi. Còn bố mẹ, ai cũng chỉ mong đó là câu chuyện của con mình.

“Thằng Hiếu nhà tôi làm trên thành phố có công việc tốt lắm, làm gì cho công ty nước ngoài ấy”. Công ty nước ngoài có thể là vài hãng đồ ăn nhanh, vài công ty vận tải…

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 3.

“Con gái nhà tôi vào tận Sài Gòn làm việc,  tháng nào cũng gửi tiền về cho bố mẹ” - chị ấy gửi tiền xong lại lẩm bẩm xem trong phòng còn được mấy gói mì tôm, có đủ cho vài ngày cuối tháng không”.

Giấc mộng đổi đời an ủi cuộc đời bố mẹ khi về già, đè nặng lên vai những cô cậu thanh niên ngoại tỉnh với năng lực làng nhàng như chúng tôi. Chúng tôi dần dần không dám về quê nhiều vì sợ những câu hỏi của bố mẹ, hay hàng xóm - cuộc đời của bố mẹ đôi khi chỉ có niềm tự hào là những đứa con như chúng tôi, nếu nói rằng “con thất nghiệp ở thành phố rồi bố ơi, cho con về quê nhé” - nó như ngàn vết cứa vào ước mơ cả đời của bố mẹ. Từ bao giờ mà tôi sợ khi ai đó nói “con làm trên Hà Nội à, giỏi quá”.

Cuộc đời của những cô cậu mới chân ướt chân ráo ra khỏi đại học, mong tìm một cuộc sống yên ổn nơi thành thị cũng đâu khác gì chuyện của những du học sinh nơi xứ người. Họ mang theo hành trang của mình, ước mơ của bố mẹ và khát khao thay đổi cuộc sống. Rồi mỗi lần về quê, trên tay lại lỉnh kỉnh những món đồ - cơ man vật chất chứng tỏ sự thành công của một cuộc sống hiện đại. Đôi khi người ta quên đi những nỗi buồn của du học sinh, cũng như bỏ quên cảm xúc của những đứa trẻ sinh ra là người ngoại tỉnh phải chật vật nơi đô thị.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 4.

Thành phố khắc nghiệt khiến bao người tuyệt vọng nhưng chính niềm kỳ vọng lớn lao của mọi người vào bản thân mới khiến chúng ta gục ngã khi cuộc đời chỉ quẩn quanh nơi thành thị. Về quê không được - chúng ta thà để bản thân gục ngã còn hơn để cả gia đình, hàng xóm phải thất vọng, ở lại để mong có ngày khá hơn, chúng tôi cứ vất vưởng, quăng quật bản thân giữa thành phố lớn, cho đến khi nào không chịu được nữa thì thôi.

“Ở quê em bọn học cấp 3 cùng trang lứa, chúng nó làm kinh tế trang trại, chăn nuôi, làm đá (làng em làm đá non bộ). Thu nhập cũng khá và ổn là khác. Nhưng có lẽ vì các mác "làm trên hà nội" mà em và không ít anh em ở đây không dám về. Cũng chỉ cái câu" giàu nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố" nó ám ảnh.

Em nghĩ nơi này không dành cho những người quê như chúng ta, những kẻ sinh ra từ làng. Ngay lúc này đây, em thèm được ngửi cái mùi ngai ngái của bùn, mùi thơm của khói rơm. Ngày mai em sẽ về quê và bắt đầu lại trước khi quá muộn”.

Giữa dòng xe cộ ken vào nhau chẳng nhường, tôi cũng thèm mùi lúa non trên cánh đồng làng…

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 5.

Rốt cuộc thì, chúng ta đâu có chọn giữa thành thị hay nông thôn, cũng không phải tiền hay vật chất - ở một nơi sâu thẳm trong hành trình cuộc đời, chúng ta vẫn đang đi tìm những điều sâu xa và ý nghĩa hơn. Thành thị hay nông thôn chỉ là một lớp vỏ, ôm ấp lấy hoài bão của mỗi người. Chúng ta chẳng bao giờ nói: “Ước mơ của cuộc đời em là được sống ở thành phố” mà chỉ đơn giản “em ước có cuộc sống hạnh phúc”.

Tại sao chúng ta lại phải áp lực vì một thứ “công cụ’ để đạt được điều khao khát thực sự trong cuộc sống. Có lẽ tôi sẽ không chọn về lại quê nhà, dù đôi khi nhớ khói rơm đến quay quắt, ủ dột đến gục ngã - vì tôi tìm được những điều mình muốn nơi đây. Còn nếu bạn đã quá mệt mỏi trong hành trình này rồi, về đi, nơi đâu cũng có niềm vui.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố: Một thế hệ gạt nước mắt giữa phố thị, chênh vênh ở hay về - Ảnh 6.

Trong vô vàn thứ áp lực của tuổi trẻ, áp lực vươn mình ra thành thị khiến nhiều người thấy bế tắc. Nếu không vươn mình được ra biển lớn, hãy cứ làm một dòng sông nhỏ âm thầm chảy không được sao? Những người bạn giỏi giang, họ sống kiên cường trên mọi mảnh đất - họ mở homestay, xây trang trại, phát triển trung tâm tiếng Anh ở quê, làm việc freelancer… Tất cả đều đang có một cuộc sống tốt đẹp, không phải quệt nước mắt giữa đêm rồi tự hỏi: Hay là bỏ tất cả thôi?

Nếu cuộc sống khó khăn quá, bạn có thể chọn cách đứng dậy nỗ lực thêm một lần nữa. Và bạn cũng có thể chọn một con đường khác - về quê không phải từ bỏ khi con đường tới hạnh phúc đâu có phải xa lộ cắt ngang thành phố. Chúng ta chỉ đang chọn một lối đi phù hợp hơn cho cuộc đời này mà thôi.

Sao con vẫn chưa về?

Quê mình cũng có núi non, cũng có con người, phố phường và xe cộ

Cớ chi con cứ phải tranh với người ta

Rồi đi mãi

Xa nhà

Theo Trí thức trẻ