Giàu nhất nước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu nhập 3,7 tỷ mỗi năm

17/04/2019 13:57

Với vai trò chủ chốt tại các doanh nghiệp, nhiều ông bà chủ doanh nghiệp có mức thù lao vài tỷ đồng mỗi năm như bông hồng thép Nguyễn Thị Mai Thanh, nữ tướng ngành vàng Cao Thị Ngọc Dung hay như 2 tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong khi đó, bầu Đức hay Lê Phước Vũ mức thu nhập 'èo uột' giống như những bất cập trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Với vai trò chủ chốt tại các doanh nghiệp, nhiều ông bà chủ doanh nghiệp có mức thù lao vài tỷ đồng mỗi năm như bông hồng thép Nguyễn Thị Mai Thanh, nữ tướng ngành vàng Cao Thị Ngọc Dung hay như 2 tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo. Trong khi đó, bầu Đức hay Lê Phước Vũ mức thu nhập 'èo uột' giống như những bất cập trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Bông hồng thép Nguyễn Thị Mai Thanh: 5,6 tỷ đồng/năm

Trong số những lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương khủng không thể không kể đến bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (REE). Bà Mai Thanh đươc mệnh danh là “Bông hồng thép” của công ty này.

Năm 2018, REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh đạt doanh thu cả năm đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2017 và mới hoàn thành 90% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.784 tỷ đồng, tăng trưởng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE

Lợi nhuận tăng trưởng kéo theo đó là sự gia tăng thù lao cho lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, trong phương án thù lao cho lãnh đạo doanh nghiệp này năm 2018, thành viên Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc REE được trả 22,4 tỷ đồng. Bình quân mỗi lãnh đạo REE được trả 2,8 tỷ đồng/người/năm, tương đương 233 triệu đồng/người/tháng.

Nắm giữ 2 chức vụ cao nhất trong Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, bà Nguyễn Thị Mai Thanh có thể nhận là 5,6 tỷ đồng cho năm 2018, tương đương 466 triệu đồng/tháng.

Trước đó, năm 2017, bà Mai Thanh khiến dư luận xôn xao khi “lộ” bảng lương lên tới 3,7 tỷ đồng.

Nữ tướng ngành vàng Cao Thị Ngọc Dung: 5,2 tỷ đồng/năm

Một cái tên khác có mức thu nhập không kém cạnh đó là bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT của PNJ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ

Trong năm 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ có thu nhập cao, đạt 5,2 tỷ đồng/năm. Con số này chênh lệch khá nhiều so với người có thu nhập thấp nhất trong hội đồng quản trị là 298 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập “khủng” nếu so với quy mô lợi nhuận sau thuế vài trăm tỷ của doanh nghiệp này.

Điều đáng nói, mức thu nhập của nữ tướng ngành vàng cao song hoạt động của PNJ trong năm 2018 lại có dấu hiệu thiếu tích cực khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ bất ngờ âm trên 300 tỷ đồng và nợ phải trả chiếm tỷ lệ 72% vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tham vọng sẽ lãi ròng 1.182 tỷ đồng trong năm 2019, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo: 5,9 tỷ đồng/năm

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giàu thứ 2 Việt Nam với khối tài sản ròng ước tính 2,1 tỷ USD (theo Forbes) hiện đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Tại Vietjet Air - nơi bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, công ty này cho biết năm vừa qua đã chi tổng cộng 31 tỷ đồng trả thù lao và lương cho Thành viên HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát. Số tiền chi ra năm vừa qua đã tăng gần gấp đôi so với mức chỉ 16 tỷ đồng của năm 2017.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo

Mức thù lao của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tương ứng khoảng 3,3 tỷ đồng chỉ từ Vietjet cho 2 vai trò lãnh đạo trong HĐQT và Ban giám đốc công ty.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đang là Phó chủ tịch HĐQT tại HDBank. Năm qua, mỗi vị trí lãnh đạo tại HDBank nhận khoảng 2,6 tỷ đồng thù lao.

Như vậy, tính chung tại cả 2 doanh nghiệp, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo năm qua ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.

Mới đây Vietjet và HDBank đã công bố BCTC sau kiểm toán và tài liệu ĐHCĐ, doanh thu thuần của Vietjet Air đạt 53.577 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Trong khi đó, tại HDBank, lợi nhuận trước thuế đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với năm 2017; Lợi nhuận sau thuế đạt 3.202 tỷ đồng, tăng gần 64% so với năm trước.

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng: 3,7 tỷ đồng/năm

Tại Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, báo cáo của Vingroup cho biết trong năm 2018, công ty đã chi ra tổng cộng gần 55,3 tỷ đồng tiền lương và thưởng cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám đốc công ty.

Quỹ lương, thưởng cho lãnh đạo này tăng gần 10 tỷ đồng, xấp xỉ 22% so với năm trước đó.

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

Với 9 thành viên trong HĐQT và 6 thành viên trong Ban giám đốc, bình quân mỗi thành viên lãnh đạo của Vingroup năm vừa qua nhận được gần 3,7 tỷ đồng thu nhập (gồm lương và thưởng). Tính trung bình, mỗi nhân sự lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bất động sản lớn này, bao gồm tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, nhận về thu nhập tương đương 307 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 122.575 tỷ đồng, tăng 37%, vượt nhẹ kế hoạch. Lãi trước thuế 13.814 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế 6.061 tỷ đồng, tăng 7%. Tuy nhiên, lãi ròng cổ đông công ty mẹ 3.346 tỷ đồng, giảm 25%.

Mặc dù lợi nhuận vượt trội hơn so với REE và PNJ song thu nhập của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại khá khiêm tốn so với những nữ chủ nhân của 2 doanh nghiệp này.

Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: 9 tỷ đồng/năm

Tại tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, mức thù lao Hội đồng quản trị được trích tối đa là 1% lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, tổng mức thù lao của các thành viên HĐQT (gồm 10 người) là 80 tỷ đồng, tính trung bình mỗi thành viên nhận được 8 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2018 là 8.050 tỷ đồng, mức thù lao mà các sếp lớn Hòa Phát nhận được sẽ gần 9 tỷ đồng/người trong năm qua.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank: 2,7 tỷ đồng/năm

Báo cáo tài chính của Techcombank mới đây cũng tiết lộ mức thù lao mà ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch ngân hàng, nhận được trong năm vừa qua ở mức 2,7 tỷ đồng.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank

Tại ĐHĐCĐ năm nay, ông Hồ Hùng Anh tiếp tục ngồi "ghế nóng" của Techcombank. Trong năm 2018, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh chính thức cán mốc lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ và trở thành á quân lợi nhuận, chỉ sau ông lớn ngân hàng Vietcombank.

Chủ tịch VPbank Ngô Chí Dũng: 1,4 tỷ đồng/năm

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng báo cáo thù lao của hội đồng quản trị và ban kiểm soát được thông qua năm 2018 là 1% lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương ứng 92 tỷ đồng.

Tuy nhiên thực tế năm vừa qua ngân hàng này chỉ chi trả 11,2 tỷ đồng và gần 9 tỷ đồng chi phí hoạt động. Hội đồng quản trị VPB gồm 4 thành viên chuyên trách và 1 thành viên độc lập cùng 3 người của ban kiểm soát. Nếu tính bình quân mỗi người nhận thù lao 1,4 tỷ đồng/năm và chưa kể lương cố định.

Chủ tịch VPbank Ngô Chí Dũng

Với thực tế của năm 2018, năm 2019 HĐQT và BKS đề nghị cổ đông giảm mức chi thù lao, lương, thưởng xuống còn tỷ lệ 0,5% lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kế hoạch lãi 9.500 tỷ đồng trong năm nay, mức thù lao, lương, thưởng và các chi phí cho HĐQT, BKS của VPBank tối đa chưa đến 48 tỷ đồng, cho 10 người (tăng 2 thành viên trong BKS).

Như vậy, với vai trò là Chủ tịch HĐQT VPBak, ông Ngô Chí Dũng cũng sẽ có mức thù lao thù lao 1,4 tỷ đồng/năm (chưa kể lương cố định).

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức): 1,4 tỷ đồng/năm

Trong khi các ông chủ của các doanh nghiệp lớn khác đều có mức thu nhập tăng đều hàng năm thì ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức lại là trường hợp hy hữu.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)

Năm 2014, tổng thù lao và các lợi ích khác mà Hoàng Anh Gia Lai trả cho bầu Đức là 5,58 tỷ đồng, tương đương 465 triệu đồng/tháng. Nhưng kể từ năm 2015 cũng chính là thời điểm Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu xuống dốc, mức lương chi cho dàn lãnh đạo bắt đầu giảm dần.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31.12.2018 của Hoàng Anh Gia Lai là -36,43 tỷ đồng. Kéo theo đó, thù lao của Bầu Đức chỉ còn khoảng 1,4 tỷ/năm.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ: 42 triệu đồng/tháng

Cũng rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ chỉ nhận được mức thù lao hơn 40 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 504 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ

Cụ thể, tại văn kiện đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2017-2018 được Tập đoàn Hoa Sen công bố cách đây không lâu, thù lao với Chủ tịch HĐQT Hoa Sen là 30 triệu đồng/tháng, đối với Phó Chủ tịch HĐQT là 25 triệu đồng và với Thành viên HĐQT là 20 triệu đồng/tháng.

Theo đó, tổng mức thù lao, chi phí hoạt động cho HĐQT và các chức danh trực thuộc HĐQT trong năm qua được chi trả trong hạn mức 1,5% lợi nhuận sau thuế hợp nhất đã được kiểm toán.

Ngoài mức thù lao 30 triệu đồng/tháng, ông Lê Phước Vũ còn nhận thêm 12 triệu đồng/tháng với chức danh Trưởng Ban tái cấu trúc tập đoàn. Như vậy, tổng thu nhập theo chức danh của ông Lê Phước Vũ chỉ 42 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập này còn thấp hơn cả mức thu nhập 149 triệu đồng/tháng của ông Trần Quốc Tri, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc của Hoa Sen.

Nói về tình kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT, những năm gần đây Tập đoàn này liên tiếp rơi vào khó khăn, lợi nhuận “èo uột”.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Hoa Sen chỉ còn hơn 409 tỷ đồng, giảm đến 70%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đáng nói , tổng nợ vay của doanh nghiệp chiếm tới 70% vốn.

Chưa hết, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã ban hành 7 nghị quyết giải thể đến 220 chi nhánh và 2 văn phòng đại diện ở hai thành phố lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ với mức thu nhập 42 triệu đồng/tháng, mỗi tháng ông chủ Hoa Sen chỉ đến Tập đoàn 2 lần, mỗi lần cũng chỉ 2 tiếng đồng hồ, hàng ngày cũng thi thoảng mới gọi cho Tổng Giám đốc một cuộc điện thoại hay Phó Chủ tịch một cuộc điện thoại.

Gia Linh

Theo Dân Việt