WinEco

Giàu sang đến mấy mà con hư hỏng thì bạn cũng là người thất bại: Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm này để không hối tiếc khi về già!

08/05/2019 15:27

Cha mẹ và con cái luôn có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên có không ít bậc phụ huynh lại dần phá hủy mối liên hệ tốt đẹp đó chỉ vì không nhận ra những sai lầm mà mình mắc phải.

Con cái có khả năng bắt chước và ảnh hưởng rất nhiều từ lời nói, hành động của bố mẹ. Người xưa vẫn có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ", chính là một lời nhắc nhở cho các bậc cha mẹ hãy lưu tâm đến việc dạy dỗ con từ tấm bé, bởi vì đó sẽ là bước đầu tiên định hình nhân cách cho con.

Có nhiều người thắc mắc tại sao con mình lại không được như con người ta? Nhưng họ chưa từng hỏi ngược lại bản thân đã dạy con đúng cách hay chưa. Câu trả lời có thể nằm trong một trong những nguyên nhân mà cha mẹ nào cũng có thể mắc phải dưới đây:

Không kiềm chế được cảm xúc của mình

Sau một ngày dài làm việc, bạn trở về nhà và lại phải đối mặt với những âm thanh hỗn loạn khi trẻ chơi đùa. Mệt mỏi sẽ khiến bạn muốn la hét hay mắng mỏ chúng để ngăn những tiếng ồn.

Bác sĩ BL Lim thuộc phòng khám chuyên khoa tâm thần tại Singapore đưa ra lời khuyên nên bình tĩnh và phản ứng thích hợp với mỗi tình huống, điều đó sẽ giúp con bạn cảm thấy an tâm.

Nếu bạn thường trở nên tức giận hay lo lắng quá mức, con bạn sẽ bắt chước hành vi của bạn theo thời gian và có thể học cách hành hung người khác như đánh nhau với bạn cùng lứa.

Quá khắc nghiệt với con

Giàu sang đến mấy mà con hư hỏng thì bạn cũng là người thất bại: Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm này để không hối tiếc khi về già! - Ảnh 1.

Con bạn liên tục theo dõi bố mẹ mình và diễn giải tình yêu và sự quan tâm của bạn dành cho chúng. Khi bạn gay gắt với con mà không có lý do rõ ràng, con có thể bắt đầu bối rối về tình cảm của bạn.

Một số cha mẹ thường kích thích sự ganh đua của con để thúc đẩy chúng, ví dụ như để khiến con học chăm học hơn, cha mẹ thường kể về việc ngày xưa bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn con đã học hành chăm chỉ như thế nào.

Các bậc cha mẹ khác đôi khi còn sử dụng hình phạt thể xác đối với con thay vì giúp con sửa đổi, họ coi đó như một cách để trút bỏ sự căng thẳng và thất vọng của chính họ. Hành vi như vậy có thể khiến một đứa trẻ dễ bị tổn thương và dần có cảm giác bất lực lẫn vô vọng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trầm cảm.

Bác sĩ Lim khuyên: "Hãy giải thích cho con lý do bạn không vui, giọng điệu phải kiên quyết nhưng tránh dùng cách trừng phạt để thỏa mãn cảm giác không hài lòng của mình. Hãy chỉ trích hành vi xấu của con thay vì chỉ trích con."

Không tôn trọng thế giới riêng của con

Con của bạn cần một không gian để phát triển, vì vậy điều quan trọng là bạn phải tôn trọng không gian riêng tư của chúng. Thường xuyên đi vào phòng của con mà không gõ cửa hay đọc trộm tin nhắn của con là hành vi xâm nhập vào không gian cá nhân đó.

Thiên vị giữa các con

Giàu sang đến mấy mà con hư hỏng thì bạn cũng là người thất bại: Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm này để không hối tiếc khi về già! - Ảnh 2.

Bố mẹ nên tuyên dương điểm mạnh của con và giúp con cải thiện điểm yếu của mình thay vì so sánh với anh chị em trong nhà hoặc bạn bè. Ngoài việc tạo nên sự đố kị giữa anh chị em với nhau, điều này còn có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bực bội đối với gia đình. Vì vậy, trẻ có thể có xu hướng thông qua các hành vi sai trái để gây sự chú ý ở nhà hoặc ở trường.

Muốn con chỉ đứng về phía mình

Ngay cả khi bạn bất mãn với người bạn đời, đừng bao giờ cố gắng kể xấu với con về vợ/chồng mình. Đừng nói với con những lời kiểu như: "Con tốt hơn đừng giống như cha/mẹ của con", bởi vì điều đó sẽ gieo mầm những bất hòa và mối quan hệ không tốt đẹp giữa những người thân trong gia đình. Khi một đứa trẻ mất đi niềm tin với bố, mẹ hoặc với cả hai, đứa trẻ đó sẽ dần mâu thuẫn với việc tin tưởng những lời nói hay hành động của bố mẹ.

Chỉ muốn con làm theo ý mình

Nhiều cha mẹ chỉ đối tốt với con chỉ khi con làm theo ý mình. Đừng thay đổi thái độ và tình yêu thương với con khi chúng không đạt được những điều mà bạn mong muốn bởi vì con sẽ bắt đầu có cảm giác thiếu an toàn và lo lắng. Tình yêu thương không thể gắn liền với điều kiện nào đó, nó phải là vô giá và vô điều kiện.

Khiến con cảm thấy có lỗi

Giàu sang đến mấy mà con hư hỏng thì bạn cũng là người thất bại: Đừng bao giờ mắc phải những sai lầm này để không hối tiếc khi về già! - Ảnh 3.

"Nếu con không đạt điểm A trong bài kiểm tra, bố/mẹ sẽ rất buồn". Những tối hậu thư về mặt cảm xúc như vậy có thể khiến con bạn cảm thấy có lỗi và buồn bực. Nếu con không học tập tốt, hãy giải thích cho con lý do con cần làm tốt hơn.

Thay vì cảnh cáo con về việc bạn sẽ thất vọng như thế nào, hãy nói với con rằng: "Con đã ôn tập mỗi ngày cho bài kiểm tra tiếng Anh sắp tới, bố/mẹ sẽ rất vui nếu con đạt điểm A". Cùng một kỳ vọng nhưng nếu nói theo hai cách trái ngược, trẻ sẽ tiếp nhận chúng theo cách khác nhau và kết quả cũng không giống nhau.

Không chấp nhận con thất bại

Cha mẹ nào cũng muốn con tránh khỏi thất bại, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nếu bạn thể hiện sự không thoải mái với mỗi thất bại của con quá thường xuyên, bạn có thể kìm hãm con phát triển tính độc lập. Điều này cũng khiến bạn trở thành "helicopter parents" - "cha mẹ trực thăng": cha mẹ kiểm soát và can thiệp quá nhiều trong đời sống con cái), khi bạn bảo vệ con quá mức hoặc/và quá cố chấp.

Cách tốt nhất là hãy để con học cách vấp ngã và tự mình đứng lên.

theo Smart Parents