Giới cò đất tháo chạy khỏi Bắc Vân Phong, nhiều 'cò gãy cánh'

18/06/2018 13:23

Hiện nay dọc các đường ven biển thị trấn Vạn Giã không còn cảnh người dân tứ xứ đổ về mua, bán đất. Các quán cà phê, chợ cũng không còn xôn xao bàn tán chuyện đất đai như lúc trước...
Đó là những thông tin NNVN ghi nhận tại thị trường bất động sản Bắc Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, sau khi Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), cộng với chính quyền tạm dừng việc chuyển nhượng đất đai tại khu vực này.

Cò đất “gãy cánh”

Ông Nguyễn Văn Lên (chú Tư Lên), nhà ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) có thửa đất rộng 6.000 m2 chỉ cách biển vài trăm mét. Chú Tư Lên bảo, cách đây gần 2 tháng, khi chính quyền chưa “đóng băng” việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực này, thì ngày nào chú cũng tiếp vài “cò đất” đến hỏi mua. Tuy nhiên, tất cả đành phải thất vọng khi chú đều lắc đầu chẳng chịu bán cho ai, dù cò đất “dụ giỗ” đưa ra giá thu mua hấp dẫn, lên đến hàng tỷ đồng.

Chú Tư Lên cho biết, giá đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh bắt đầu “nhích” lên vào cuối tháng 12/2017. Nhưng “sốt đất” thật sự và giá tăng cao chóng mặt, khiến người dân bất ngờ là sau dịp tết Nguyên đán vừa qua. Khi đó, các cò đất hoạt động mạnh, cũng như nhà đầu tư mua bán, chuyển nhượng sôi nổi ở các xã ven biển như Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Giã, Vạn Thọ, Vạn Thắng...

Đất ở thị trấn Vạn Giã thời điểm sốt giá lên rất cao, hàng chục triệu đồng/m2)

Giá đất được đẩy lên từ hàng chục, thậm chí đến cả trăm lần so với trước đó. Cụ thể, như một miếng đất với diện tích 100m2, gần giáp biển ở thị trấn Vạn Giã trước đây chỉ vài trăm triệu, sau đó đẩy lên 2-3 tỷ, rồi đến 5-5,5 tỷ. “Nhưng giờ thì hết sốt rồi. Giá cứ đứng cứng ngắc, không tăng, không giảm sau ngày lệnh tạm dừng chuyển nhượng đất đai của tỉnh. Nay có thêm thông tin lùi thông qua đặc khu, nên việc giao dịch đất đai tại đây càng trở nên trầm lắng hơn. Bây giờ chẳng thấy ai đến hỏi mua đất nhà tôi nữa”, chú Tư Lên chia sẻ.

Ghi nhận của chúng tôi, hiện nay dọc các đường ven biển thị trấn Vạn Giã không còn cảnh người dân tứ xứ đổ về mua, bán đất. Các quán cà phê, chợ cũng không còn xôn xao bàn tán chuyện đất đai như lúc trước. Đặc biệt, các phòng giao dịch bất động sản (BĐS) trở nên “vắng như chùa Bà Đanh”.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Vinh, Phó Chủ tịch thị trấn Vạn Giã xác nhận: “30 phòng giao dịch BĐS trên địa bàn không còn hoạt động rầm rộ như trước. Nhiều sàn BĐS hiện đã đóng cửa im lìm. Ngay cả Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, phòng công chứng trước cơn sốt đất đông nghẹt người tới giao dịch, nay thưa thớt hẳn.

Chúng tôi ghé vào phòng giao dịch BĐS N.V.T trên đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã). Văn phòng vẫn mở cửa, nhưng chẳng có nhân viên nào làm việc.

Theo bà T, xưng là chủ nhà cho biết, giám đốc Cty (con của bà) đi vắng. Văn phòng có 12 nhân viên “môi giới” hiện đã nghỉ việc hơn nửa, số còn lại tạm nghỉ về quê chơi ít hôm.

Bà T thừa nhận, mấy tuần nay đúng là ít khách hàng đến văn phòng giao dịch đất Bắc Vân Phong.

Dân đầu tư “lướt sóng” tháo chạy

Không chỉ cò đất rút lui, mà dân đầu tư thứ cấp, chuyên “lướt sóng” đang tìm cách bán tháo đất ở Bắc Vân Phong.

Một cò đất ở thị trấn Vạn Giã cho biết: Những dân đầu tư nhỏ lẻ đều vốn yếu, đa số vay mượn nên hiện không dám mạnh tay đầu tư nữa, mà xả hàng ra rất nhiều. Mặt khác với tình hình hiện nay dân đầu tư ngắn hạn khó mà có cơ hội "lướt sóng”.

Các sàn giao dịch BĐS huyện Vạn Ninh hiện vắng vẻ, nhiều sàn đóng cửa im lìm)

Việc dân đầu tư “lướt sóng” tháo chạy là điều tất nhiên. Và, trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web như muaban.net, batdongsan.com.vn, bandatbacvanphong.net... hiện không thiếu những thông tin rao bán đất ở nơi dự kiến lên đặc khu này.

Nhận định BĐS Bắc Vân Phong trong thời gian tới, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết, các nhà đầu tư thứ cấp, chuyên “lướt sóng” sẽ có những khó khăn và xuất hiện những cuộc tháo chạy để thu hồi vốn, từ đó các cuộc khiếu nại, khiếu kiện với những giao dịch, buôn bán bằng giấy tay sẽ phát sinh.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Công Đa, Chánh án TAND huyện xác nhận, hiện tòa tiếp nhận nhiều vụ tranh chấp hợp đồng giao dịch đất đai, xung quanh việc đặt cọc nhưng không giao dịch được. Tuy nhiên, nếu trước đây người bán kiện người mua, còn bây giờ người mua kiện người bán.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết, việc Quốc hội lùi thời gian thông qua dự án Luật Đặc khu không ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Bởi các nhà đầu tư lớn họ có một ban quản trị khảo sát, nghiên cứu thị trường, luật, thể chế rất kỹ trước khi đầu tư vùng kinh tế, đặc khu nào. Có khi đây là tín hiệu tích cực đối với nhà đầu tư lớn.

Thế nhưng, ngược lại đây là bài học cảnh báo, cảnh giới cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, lướt sóng. Khi những dự án trọng điểm của Chính phủ, mang tính quốc gia, mọi việc chưa thông qua, thì việc “đi tắt đón đầu”, “mua đi bán lại” rủi ro rất lớn, mang lại phiền phức về khiếu nại, khiếu kiện.

Ông Lê Đình Vinh, Phó Chủ tịch thị trấn Vạn Giã, cho biết, thời điểm cơn sốt đất xảy ra đã phát sinh nhiều hệ lụy cho địa phương như: vấn đề tranh chấp đất, lấn chiếm đất công, anh em trong gia đình, họ tộc tranh dành và mất lòng tình làng, nghĩa xóm... Địa phương có tuần tiếp nhận và giải quyết từ 10-12 đơn khiếu nại về vấn đề này rất đau lòng. Tuy nhiên sau khi tỉnh chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất đai, thì mọi việc đã lắng xuống, trở lại bình thường.

Còn ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tình hình hiện nay việc mua bán BĐS trên địa bàn đã lắng xuống, giao dịch không còn ồ ạt nữa. Việc tranh chấp, lấn chiếm đất công cũng không còn, công tác quản lý nhà nước về đất đai trở nên nhẹ nhàng hơn.

Theo Kim Sơ/Nông Nghiệp