Những thay đổi cần dựa trên cơ sở cân bằng quyền, lợi ích và trách nhiệm của những đối tượng mà luật sẽ tác động lớn lên họ.
Ngày 23/10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Dự thảo bộ luật trình Quốc hội kỳ họp này gồm 17 chương và 220 điều, đã thể hiện được 10 điểm mới chủ yếu đối với người lao động và 6 điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động.
Trong đó, nội dung liên quan đến quy định về giờ làm chính và khung giờ làm thêm của người lao động nhận được nhiều tranh luận trái chiều từ các đại biểu Quốc hội.
Kết luận phiên thảo luận hôm 23/10, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu thăm dò đại biểu Quốc hội về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, trước khi trình Quốc hội thông qua dự thảo luật này vào cuối kỳ họp.
Xung quanh quy định giờ làm chính và khung giờ làm thêm của người lao động, BizLIVE xin trích dẫn quan điểm của một số doanh nhân về vấn đề này.
Tăng hay không tăng giờ làm thêm, quyết định phải là những người trong cuộc
Ông Đỗ Hòa - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị
Tôi sẽ không đưa ra quan điểm cá nhân về việc có ủng hộ hay không đề xuất tăng giờ làm thêm mà Quốc hội hiện đang thảo luận.
Cũng như nhiều vấn đề khác, tôi chỉ đưa ra một số phân tích, nhận định dưới góc độ chiến lược và quản lý.
Tăng hay không tăng giờ làm thêm, tôi nghĩ quyết định phải là những người trong cuộc, tức là những đối tượng mà luật này sẽ tác động lớn lên họ.
Trước hết là người lao động, bởi họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật này, mà đại diện của họ tại Quốc hội không ai khác ngoài các vị đại biểu công đoàn.
Sinh hoạt của họ sẽ ra sao, sức khỏe của họ, gia đình con cái họ sẽ ra sao, thu nhập và nhu cầu tích lũy của họ sẽ ra sao... Tất cả chịu sự tác động của luật này.
Thứ hai, là người sử dụng lao động, tức là các doanh nghiệp, mà đại diện là các tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội, và các đại biểu doanh nhân tại Quốc hội.
Chi phí giá thành, năng lực đáp ứng đơn hàng của thị trường và khách hàng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp từ các nước khác... chắc chắn chịu sự tác động to lớn của luật này.
Thứ ba, là Chính phủ, không chỉ vì Chính phủ là cơ quan chắp bút soạn luật và có trách nhiệm triển khai đưa luật vào đời sống, mà bởi luật này sẽ có tác động rất lớn lên việc thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương.
Đại diện của Chính phủ chính là Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cũng như các đại biểu thuộc Chính phủ, đại biểu các địa phương tại Quốc hội.
Phát triển nhanh hay chậm, phát triển theo định hướng nào, khả năng đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao sẽ ra sao. Sự thay đổi của luật này chắc chắn có tác động lên sự phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Thêm vào đó, Chính phủ là người ký các cam kết quốc tế về lao động và nhân quyền. Vậy Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo luật pháp Việt Nam không vi phạm các cam kết và các thỏa thuận quốc tế mà Chính phủ đã ký, đã cam kết.
Cho dù là thế nào, thì quyết định cuối cùng được thông qua tốt nhất, tối ưu nhất, theo tôi thì phải là kết quả của sự thương lượng, mặc cả giữa ba đối tượng trên.
Đến đây, có một số vấn đề cần đặt ra về mặt tổ chức, quản trị.
Trước nhất là cơ cấu đại biểu Quốc hội có đảm bảo sự đại diện đầy đủ và công bằng tiếng nói của các đối tượng trên?
Đối tượng thứ nhất (đại diện người lao động), và thứ hai (đại diện doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế) chiếm bao nhiêu phần trăm so với các thành phần khác (đảng đoàn, Chính phủ, địa phương).
Kế đến là các đại biểu có sẵn sàng lên tiếng phát biểu, có cảm thấy mình có trách nhiệm đấu tranh cho lợi ích của đối tượng mà mình đại diện?
Theo tin tức báo chí thì có khá nhiều đại biểu dự họp nhưng rất ít khi phát biểu. Tôi chưa nói về chất lượng của phát biểu.
Theo tôi thì những yêu cầu trên về mặt tổ chức, chính là nhằm đảm bảo "chất lượng làm luật" ở đầu ra.
Có nhiều luật làm ra không thực hiện được, phải điều chỉnh đi, điều chỉnh lại nhiều lần là vì không sát thực tế, vì chưa được xem xét thấu đáo ở góc độ đối tượng chịu tác động của luật, nên người dân không chấp hành.
Một số luật khác thì vô tình gây khó cho Chính phủ, gây khó cho doanh nghiệp, tự ta trói tay mình... cũng chính vì một trong những lý do trên.
Tôi phát biểu ở góc độ này, vì đây cũng chính là quan điểm, phương thức tiếp cận mà chúng tôi cân nhắc khi thực hiện các dự án tái cấu trúc, thiết kế hệ thống quản lý doanh nghiệp.
Trong doanh nghiệp, ban lãnh đạo cũng cần phải đưa ra những quyết định có chất lượng cao, sát với thực tế và phải đạt được sự đồng lòng trong nội bộ để có thể triển khai thành công, mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Để tăng lương, giảm giờ làm thì chính sách trước hết phải nhắm tới tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI
Lương của người lao động do doanh nghiệp sử dụng lao động trả được trích từ thu nhập thông qua sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ấy. Vậy muốn tăng thu nhập cho người lao động hay giảm giờ làm thì phải đồng nghĩa với việc làm sao để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần được nhìn nhận như một công cụ tạo ra giá trị cho xã hội và tất cả các thành tố gắn vào đều được hưởng lợi. Ngân sách hưởng lợi qua thu thuế, cổ đông hưởng lợi qua việc dùng lợi nhuận chia cổ tức cũng như tăng giá trị cổ phiếu nắm giữ, người lao động hưởng lợi thông qua lương được trả cũng như chính sách phúc lợi khác... Và những điều này đều phụ thuộc vào hiệu quả của doanh nghiệp.
Hiệu quả của doanh nghiệp không phải tự nhiên trên trời rơi xuống mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có hai yếu tố quan trọng nhất liên quan đến những tranh luận trên nghị trường Quốc hội, đó là các chính sách của nhà nước, cũng như hiệu suất của người lao động.
Cho nên để có thể tăng lương, giảm giờ làm thì chính sách trước hết phải nhắm tới tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp. Nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu vì hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Lúc ấy người lao động mất việc sẽ “không phải” đi làm nữa chứ cần gì giảm giờ làm.
Đúng là chúng ta cần phải có chiến lược tổng thể nhắm tới phát triển bền vững, lấy công bằng xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo làm mục tiêu hành động. Nhưng tất cả phải dựa trên cơ sở triết học thì mới khả thi, còn nếu không sẽ lại luẩn quẩn quanh câu chuyện muôn thủa “Con gà và quả trứng cái gì có trước?”.
Có lẽ Việt Nam không muốn hóa rồng
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT
Quốc hội đang thảo luận có nên nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ một năm hay không.
Quan sát các cuộc tranh luận trên nghị trường, trên báo chí và trên mạng xã hội, tôi có cảm tưởng rằng có lẽ Việt Nam chúng ta không muốn hóa rồng và không thể hóa rồng, có lẽ Việt Nam chúng ta sẽ không thể trở thành quốc gia giàu có.
Hãy xem người Nhật Bản, người Singapore, người Hàn Quốc, người Đài Loan, những quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á giàu có nhất, từng từ đói nghèo đi lên giàu có và văn minh, những con rồng châu Á họ đang lao động và làm việc thế nào?
Nhật Bản là cường quốc kinh tế số ba thế giới, đã vươn lên vượt nhiều quốc gia Âu Mỹ từ 30-40 năm nay, hiện tại số giờ làm thêm của họ đang là 45 giờ một tháng, 360 giờ một năm.
Số giờ làm thêm tối đa của Đài Loan là 54 giờ một tháng, 648 giờ một năm. Hàn Quốc vừa mới giảm số giờ làm thêm một tuần từ 28 giờ xuống 12 giờ một tuần (tức giảm từ khoảng 1.200 giờ xuống 550 giờ một năm).
Singapore, quốc gia giàu có thứ hai châu Á, thứ bảy thế giới thế mà số giờ làm thêm tối đa của họ vẫn đang là 72 giờ một tháng, hơn 800 giờ một năm.
Đất nước chúng ta đang nghèo hơn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rất nhiều, con người không thông minh hơn họ, bước vào kinh tế thị trường sau họ, năng lực cạnh tranh quốc gia thua xa họ, thế mà số giờ làm thêm mới chỉ bằng 25% đến 55% của họ, nay muốn nâng lên có 35% đến 80% của họ thôi mà đã không thể nâng nổi.
Cách đây hơn ba năm khi tôi viết bài nói người Việt Nam lười lao động, rất nhiều bạn phản đối quyết liệt, cố chứng minh rằng người Việt Nam chăm chỉ lắm. Chăm chỉ gì mà thời gian làm việc thêm mới chỉ làm bằng 1/4, 1/2 họ đã kêu mệt, kêu cần nghỉ ngơi, cần tái tạo sức lao động. Đấy chưa kể là trong giờ làm việc chính còn ngồi tán gẫu, đọc báo, đi uống cà phê.
Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng hầu hết những người thành đạt, giàu có đều là những người làm việc chăm chỉ nhất, cường độ cao nhất. Rất nhiều người trong số đó, làm việc 12 giờ, thậm chí 14 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, hoàn toàn tự nguyện, trong suốt nhiều năm liền, không cần trả công. Đối với họ làm việc là một niềm hứng khởi, một niềm vui, một niềm đam mê, họ làm việc quên cả thời gian, quên cả ngày tháng.
Lịch sử cũng đã chứng minh rằng những quốc gia đi từ đói nghèo lên thịnh vượng, những quốc gia châu Á hóa rồng đều phải trải qua giai đoạn dăm chục năm, thậm chí cả trăm năm lao động chăm chỉ nhất, với cường độ cao nhất.
Giàu nghèo phần lớn là do cách nghĩ, thái độ với lao động, thái độ với các vấn đề xã hội của mỗi người mà ra cả.
Với cách nghĩ ấy, với thái độ ấy mà mong muốn Việt Nam hóa rồng, Việt Nam trở thành quốc gia giàu có thì tôi không tin.
BIZLIVE
Theo BizLIVE