Có rất nhiều lý do khiến cho việc cưới xin trở nên đắt đỏ, nhưng hãy thử nhìn một vài khía cạnh dưới góc kinh tế học xem sao.
Vox đã thực hiện một thử nghiệm với việc đặt cùng một công ty sự kiện tổ chức hai bữa tiệc: một là để họp mặt gia đình, và một là tiệc cưới. Cả hai sự kiện đều có sự tham dự của 130 khách, cùng tổ chức vào ngày 16/4, các yêu cầu đều được đặt như nhau. Nhưng tiệc họp mặt gia đình có chi phí 15.000 USD, trong khi tiệc cưới có giá 17.000 USD.
Theo cuộc khảo sát của Vox ở Mỹ, có một thực tế là các nhà cung cấp sẽ tính phí cho một đám cưới cao hơn là cho các sự kiện khác, như các bữa tiệc công ty hoặc các cuộc họp mặt gia đình. Khoản chênh lệch 2.000 USD này được gọi là "wedding markup" - một thuật ngữ khó để tìm được từ đồng nghĩa bằng tiếng Việt, nhưng nó có nghĩa là việc một nhà tổ chức sự kiện đặt giá cho tiệc cưới cao hơn các sự kiện khác khác dù dịch vụ cung cấp là tương đương nhau.
Giá của hàng hóa được quyết định bởi cung và cầu. Ví dụ như váy cưới, khi một chiếc váy cưới được đặt giá quá cao, người mua sẽ giảm, họ sẽ điều chỉnh giá dần dần đến khi số lượng váy cưới sản xuất ra và nhu cầu của các cô dâu là cân bằng. Chuyện này ai cũng biết.
Nhưng làm sao để biết đồ cưới đang đắt hay rẻ?
Khi chúng ta mua sắm hầu hết các mặt hàng, chúng ta thường chấp nhận một mức giá dựa vào kinh nghiệm mua hàng và tính minh bạch (niêm yết giá). Chúng ta biết đại khái một quả táo nên có giá khoảng bao nhiêu và cũng sẽ chỉ chấp nhận mua nếu cửa hàng hoa quả đưa ra mức giá khoảng như vậy. Điều này đúng với hầu hết các mặt hàng khác, bạn sẽ tham khảo giá trước khi mua, hoặc từ người khác, hoặc tham khảo chính kinh nghiệm của mình.
Nhưng không giống như hầu hết các thị trường, hàng hóa và dịch vụ cho đám cưới rất có thể là mua một lần trong đời (có lẽ tại thời điểm chuẩn bị cưới thì ai cũng hi vọng là lần duy nhất trong đời). Đồng thời, nhiều nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ đám cưới thường không đăng giá trên trang web của họ mà sẽ yêu cầu bạn để lại thông tin và báo giá riêng. Những thông tin mà bạn có thể có thường sẽ chỉ chính xác trong một khoảng nhất định (có sai số không nhỏ).
Và bạn bắt đầu hiểu lý do tại sao lên kế hoạch cho đám cưới có thể gây "stress" như thế nào rồi đó: chúng ta chưa bao giờ cưới trước đó để biết giá cả chính xác là bao nhiêu, cho đến khi ta thực sự làm đám cưới, lần đầu.
Tính chất đặc biệt của thị trường này mang đến cho các nhà cung cấp một cơ hội để tận dụng khía cạnh cảm xúc và cá nhân cao trong việc lên kế hoạch và mua sắm cho đám cưới. Điều này thường xảy ra dưới hình thức chiến thuật "ẩn" giá.
Chiến thuật phổ biến được sử dụng bởi một số nhà cung cấp dịch vụ (không phải hầu hết) là trì hoãn khi được hỏi về giá cả. Điều này mang lại cho họ cơ hội "thổi giá", vì đó là dịp chỉ "một lần trong đời" (ở thời điểm đó thì ai mà chẳng hi vọng là một lần thôi đúng không?).
Điều quan trọng nhất và cũng đơn giản nhất, đó là nếu không thể biết chắc dịch vụ này có giá ra sao, thì... hỏi. Hãy tham khảo giá từ những người xung quanh, dù họ chưa chắc sẽ có cùng nhu cầu với bạn nhưng ít nhất đó cũng có thể là cơ sở để bạn đánh giá xem giá của nhà cung cấp này có hợp lý hay không. Lưu ý là cần phải hỏi chính xác giá là bao nhiêu vì quan niệm đắt rẻ cũng là tương đối mỗi người.
Khó có thể hi vọng bố mẹ bạn có truyền lại kinh nghiệm cho bạn, khi đó là câu chuyện giá cả cách đây ít nhất gần hai chục năm, khi các cụ đón dâu bằng xe máy, trước đó nữa, có thể là xe đạp Thống Nhất. Vì thế, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có anh chị em bạn bè cưới trước đó không lâu. Trong trường hợp không có, hi vọng bạn may mắn thuê được một chuyên viên tổ chức hôn lễ (wedding planner) có tâm.
Theo Hoàng An
Trí thức trẻ