Công việc đầu tiên quan trọng vô cùng. Không cần nhắm tới những công ty có tên tuổi lớn làm gì cả, quan trọng là bạn phải tìm được một vị sếp tốt, sẵn sàng dạy cho bạn nên người... Muốn vậy, bạn phải có thái độ tốt. Chính xác, điều thực sự quyết định thu nhập của bạn chính là thái độ. Mọi sự xuất sắc trên đời này đều bắt đầu từ một thái độ đúng đắn!
Hiện nay, một số bộ phận các bạn sinh viên mới ra trường luôn có những ảo tưởng sức mạnh về bản thân và bằng cấp, coi thường những cơ hội việc làm trong tầm tay. Họ coi tấm bằng đại học như công cụ, "vũ khí" để giúp họ có thể làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn, hay đưa ra những yêu cầu cao trong công việc và những điều kiện làm việc với nhà tuyển dụng.
Họ đinh ninh rằng sẽ được các công ty chào đón, có cơ hội nhận được công việc lương cao, nhàn hạ ở những tập đoàn khổng lồ. Tuy nhiên, thực tế thường phũ phàng hơn, sinh viên mới ra trường sẽ gặp nhiều khó khăn, gian nan và vất vả hơn rất nhiều so với những gì khi họ ngồi trên ghế nhà trường tưởng tượng ra. Nhiều bạn loay hoay mãi suốt 4, 5 năm sau khi ra trường vẫn không tìm được chỗ làm tử tế, nhảy việc như cóc nhảy vì mãi chẳng hiểu những lầm tưởng, ngộ nhận và lựa chọn không phù hợp.
Dưới đây là lời khuyên của một cựu sinh viên Bách khoa gửi đến hậu bối với hi vọng các bạn sinh viên sẽ hiểu chính xác dự định, ý nguyện, mục đích của bản thân trước khi gửi đơn xin việc và tìm một môi trường làm việc để cọ sát, học hỏi.
Dạo gần đây mình có phỏng vấn vài bạn mới ra trường, mình nhận thấy các bạn còn rất mơ hồ và không nắm được mấy thứ cơ bản này.
1. Mới ra trường đi làm công ty nhỏ hay công ty to?
Sinh viên mới ra trường rất coi trọng việc lương cao hay thấp, đó là điều đúng đắn, ai đi làm chẳng muốn lương cao. Nhưng, các bạn phải biết rằng mình đang chưa làm được gì, phải học lại từ đầu khoảng 6-10 tháng mới làm được việc mà đòi lương cao ngay từ đầu có thấy quá đáng không? Tất nhiên các công ty vẫn sẵn sàng trả bạn lương cao nếu như trình độ, khả năng của bạn đủ để họ trả mức lương như vậy.
Muốn lương cao ngay từ đầu thì cố học Tiếng Anh rồi đi làm công ty nước ngoài. Ở đó, họ trả cho các bạn lương cao. Nhưng đi làm ở các công ty lớn, công ty nước ngoài thì bạn chỉ là một mắt xích cực kỳ nhỏ, 1-2 năm tăng lương một lần. Còn khi làm công ty nhỏ, công ty tư nhân, lương khởi điểm chỉ khoảng 5-6 triệu, nhưng khi đó các bạn là một mắt xích vô cùng lớn, các bạn sẽ học được rất nhiều thứ từ kĩ thuật đến hồ sơ giấy tờ, kinh doanh, cách xây dựng các mối quan hệ... và sẽ trưởng thành rất nhanh. Một điều khá dễ hiểu là những nơi này có thể tăng lương 2-3 lần/năm miễn bạn làm được việc. Lương ban đầu có thể kém các công ty lớn nhưng sau vài năm bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn thế nữa.
Khoảng thời gian ngay sau tốt nghiệp nên được dành để học hỏi, đa dạng hoá những kỹ năng cứng và mềm hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao.
Jack Ma cũng từng khuyên rằng: "Khi bạn tốt nghiệp từ trường nào đó và bắt đầu tìm việc. Công việc đầu tiên quan trọng vô cùng. Không cần nhắm tới những công ty có tên tuổi lớn làm gì cả, quan trọng là bạn phải tìm được một vị sếp tốt, sẵn sàng dạy cho bạn nên người, dạy bạn cách làm mọi thứ đúng đắn, thích đáng. Thế rồi hãy tự hứa với bản thân, tôi sẽ làm việc ở đây ít nhất 3 năm. Rồi sau đó hãy bắt đầu thay đổi công việc. Đó chính là điều chúng ta nên dạy bọn trẻ. Phải sáng tạo hơn, cải tiến hơn, để làm những thứ máy móc không thể nào làm được.
Hãy làm việc ở một công ty nhỏ. Thông thường, công ty lớn là một môi trường rất tốt để học hỏi quy trình làm việc, vì các bạn sẽ là một cấu thành trong một bộ máy lớn. Nhưng khi làm việc ở một công ty nhỏ, bạn sẽ học được cách đam mê, cách khát khao. Bạn học được cách làm nhiều việc cùng một lúc.
Vì vậy, không quan trọng là làm ở công ty nào đâu, mà quan trọng là bạn tìm được ông sếp nào để đi theo và học hỏi."
2. Thái độ làm việc: Mọi sự xuất sắc trên đời này đều bắt đầu từ một thái độ đúng đắn!
Thứ nhất, sinh viên mới ra trường thường ít kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế. Các bạn cứ nghĩ vào làm các anh mặc định sẽ dạy các bạn mọi thứ, không phải thế đâu. Kiến thức là cái có thể kiếm ra tiền, mọi thứ đều phải có giá có nó. Muốn được chỉ bảo, dạy dỗ, bạn phải có thái độ tốt, làm việc nghiêm túc và hiệu quả. Khi mình mới đi làm, mình muốn học hỏi kiến thức của một người anh ở công ty khác, mình đã phải đi hỗ trợ anh đó rất nhiều, đi theo các event, hội thảo, toạ đàm để học hỏi với một thái độ rất thành tâm, chịu khó lắng nghe. Và giờ mình ở level cao hơn anh ấy luôn rồi. Muốn hỏi ai đó thứ gì, trước tiên hãy tự tìm hiểu về nó đã. Họ sẽ thích giải đáp những thắc mắc của bạn hơn là phải giảng giải lại từ đầu cho một kẻ chưa biết gì.
Thứ hai, đi làm, điều cơ bản nhất là phải biết đâu là người quản lý trực tiếp của mình để làm việc và để tránh cả bị họ lợi dụng và bắt bạn làm những công việc không tên vào những thời điểm trái khoáy như giữa đêm hay cuối tuần.
Thứ ba, bằng cấp không nói lên nhiều về khả năng hay mức lương. Dù tốt nghiệp Bách khoa, Ngoại thương hay bất kỳ trường gì top dưới thì họ đề xem bạn là người mới, là những tờ giấy trắng. Bạn vẽ gì lên đó và cho người ta vẽ gì lên đó là tuỳ bạn.
Điều thực sự quyết định thu nhập của bạn chính là thái độ. Mọi sự xuất sắc trên đời này đều bắt đầu từ một thái độ đúng đắn!
Khoảng 5 năm đầu tiên sau khi ra trường là khoảng thời gian cực kì quan trọng quyết định đến sự nghiệp nên đừng bỏ phí 5 năm sau đấy. Đừng cố kiếm tìm một công việc yêu thích kiểu viển vông, đừng đứng núi này trông núi nọ và nhảy việc nhiều quá.
Nhiều lúc nghề chọn người chứ người không chọn nghề, cứ làm việc hết mình đi biết đâu một ngày nào đó sau này bạn mới nhận ra đâu là nghề đúng để mình theo đuổi.
(Trích HUST Confessions)
Hoa Chanh
Theo Trí Thức Trẻ