Trần Bảo Khánh cùng cộng sự huy động nguồn vốn cộng đồng đề xây dựng giày Rens, từ ý tưởng về một thương hiệu thời trang khác biệt và thân thiện môi trường.
TRẦN BẢO KHÁNH ĐI ĐÔI GIÀY THỂ THAO TIMBERLAND trong cuộc hẹn đầu tiên với Forbes Việt Nam hồi tháng 10.2019. Đồng sáng lập Rens Original gây ấn tượng với đôi mắt thông minh và nụ cười tươi tắn. Khánh rút đôi giày trong ba-lô ra giới thiệu: “Đây là hàng mẫu quý giá mà tôi còn chưa được mang.”
Ba tháng sau, một ngày đầu năm 2020, Khánh ghé tòa soạn Forbes Việt Nam. Lần này, anh mang giày Rens, thành quả của hơn nửa năm khởi động gọi vốn từ cộng đồng và tìm kiếm đối tác gia công. Khánh cho biết hơn 7.000 đôi giày Rens đầu tiên đang trên đường chuyển đến khách hàng tại 107 quốc gia.
Cựu du học sinh được bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đề cử danh hiệu “Doanh nhân người nhập cư năm 2019” cũng lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam 2020 trong hạng mục kinh doanh - khởi nghiệp.
Tháng 6.2019, mẫu giày sneaker (giày đế cao su nhẹ) làm từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế của bộ đôi Trần Bảo Khánh (28 tuổi) và Chu Hoàng Sơn (24 tuổi) lần đầu xuất hiện trên Kickstarter - website gọi vốn cộng đồng lớn nhất thế giới.
Hình ảnh đôi giày có logo dấu thăng (#), cũng là hashtag (biểu tượng của sự kết nối và tương tác trên mạng xã hội) nhanh chóng thu hút cộng đồng, đưa chiến dịch gọi vốn của họ thu hút hơn 5.000 người đăng ký mua và thu về hơn nửa triệu đô-la Mỹ sau 52 ngày ra mắt.
MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM KHÔNG NHÀ MÁY, xây dựng thương hiệu hướng đến môi trường của Rens được cộng đồng ủng hộ. Chiến dịch gọi vốn được xem thành công nhất tại Phần Lan và lớn nhất trong ngành thời trang toàn khối Bắc Âu thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Rens trở thành một điển hình được thảo luận tại diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 và tờ báo Ilta Sanomat của Phần Lan nhận định “giày làm từ bã cà phê sẽ mang thời trang Phần Lan lên bản đồ thế giới.”
Khánh tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh quốc tế và logistics tại đại học Aalto của Phần Lan năm 2011. Năm 2014 Sơn mới đến Helsinki để theo học ngành hệ thống thông tin cũng tại Aalto.
Sự đồng điệu về chí hướng kéo hai người xích lại gần nhau với Factory Finder – nền tảng online kết nối các hãng thời trang châu Âu với các nhà máy tại Việt Nam. Dự án chiến thắng cuộc thi Summer of Startups Phần Lan năm 2016, nhưng khi triển khai thực tế hoạt động không như kỳ vọng. Họ đóng cửa sau một năm.
Ngành công nghiệp thời trang thế giới có doanh thu khổng lồ 1.700 tỉ USD mỗi năm, tạo ra hàng trăm triệu việc làm, theo mạng lưới dữ liệu thông tin ngành thời trang Common Objectvie. Tuy nhiên ngành công nghiệp nhẹ này gây hại môi trường lớn thứ hai (sau nguyên liệu hóa thạch), ước tính tiêu thụ 79 tỉ m³ nước sạch, thải ra 1,7 tỉ tấn CO2 và 92 triệu tấn rác/năm.
“Phải là những yếu tố mà các thương hiệu thời trang khổng lồ thế giới đang thiếu, phải ‘chất’ với thời trang xanh, giá thành hợp lý và mẫu mã trẻ trung, độc đáo hợp gu người trẻ,” Khánh cho biết về động lực khởi đầu thương hiệu.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu từ bã cà phê đã được dùng cho hàng may mặc từ khá lâu, họ tìm cách đưa vào sản phẩm giày và nhấn mạnh thông điệp “giày từ bã cà phê đầu tiên trên thế giới.”
Trung bình một đôi sneaker của Rens sử dụng sáu vỏ chai nhựa tái chế và 300-360g bã cà phê, công nghệ mới AquaScreen giúp tạo ra loại nguyên liệu mới, vừa nhẹ và bền, chống thấm nước 100% và độ khô thoáng cao, đặc biệt bã cà phê khử mùi tốt.
Nguồn nguyên liệu để làm sản phẩm sạch hiện cũng không thiếu, từ tre, bã cà phê, gạch cua, vỏ sò. “Vấn đề ở chỗ khi bắt đầu một thương hiệu mới, phải nói cách nào để giới trẻ lắng nghe rằng ‘chúng ta cùng bảo vệ môi trường,’ điều mà lâu nay các thương hiệu lâu đời kinh doanh theo mô hình truyền thống vẫn muốn làm nhưng không thể nói theo cách của mình,” Khánh cho biết.
Trước khi gọi vốn trên Kickstarter, dự án giày xanh Rens đã chiến thắng cuộc thi Climate Launchpad 2018 của Phần Lan. “Chúng tôi được chú ý vì là sinh viên nhập cư, chính phủ Phần Lan cũng thường hỗ trợ những startup như Rens,” Khánh nói.
Ngoài phần hỗ trợ của chính phủ Phần Lan, nguồn vốn ươm tạo còn được ủng hộ bởi các nhà kinh doanh có ảnh hưởng tại Bắc Âu, với những tên tuổi như Ilkka Paananen – nhà sáng lập công ty trò chơi di động thành công nhất thế giới Supercell; nữ doanh nhân nổi tiếng Leena Niemistö; quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất do sinh viên điều hành Wave Ventures.
Nguồn cảm hứng khởi nghiệp đến với Khánh khi ra trường làm việc cho DealDash. Người sáng lập công ty đấu giá dành cho người già lớn nhất thế giới này khởi nghiệp khi mới 16 tuổi. Năm 20 tuổi, William Wolfram được vinh danh là doanh nhân tiêu biểu toàn cầu của Ernst & Young. “Quá khủng với tôi, và tôi được truyền cảm hứng để thực hiện ước mơ của mình,” anh nhớ lại.
Sau thất bại ở dự án Factory Finder, Sơn về làm việc cho Zalando – một website thời trang hàng đầu châu Âu trước khi cùng Khánh khởi động dự án mới. Sơn thừa nhận, ngoài đam mê giày, cách nghĩ của hai người khác nhau. Khánh hướng ngoại, có năng khiếu ngoại giao và kinh doanh, trong khi Sơn hướng nội và thích sáng tạo.
“Chúng tôi có chung sở thích giày, mê kinh doanh và khởi nghiệp,” đồng sáng lập Rens hiện là giám đốc công nghệ và tiếp thị chia sẻ và không giấu tham vọng: “Tôi muốn biến Rens thành thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường số một thế giới.”
KHÔNG PHẢI NHÀ MÁY, MÀ VIỆC ĐỊNH HÌNH THÔNG ĐIỆP và tính toán phương án marketing mới là cốt lõi của Rens. Họ tính toán, đa phần sản phẩm thân thiện môi trường mẫu mã còn đơn điệu, cách marketing còn nhàm chán, người mua chỉ vì muốn bảo vệ môi trường chứ không phải bởi một sản phẩm đẹp.
Dù ngành nghề khác nhau nhưng Khánh được nhận cảm hứng từ mô hình Tesla để phát triển sản phẩm giày Rens. Trước khi thương hiệu xe điện này ra đời đã có nhiều mẫu xe điện khác, nhưng Tesla làm thay đổi toàn bộ cách nhìn, xe điện là thời trang và bảo vệ môi trường thành chuyện hiển nhiên. “Chúng tôi muốn đi theo cách thức họ làm, tạo ra xu hướng cho giày và đẩy nó đi,” Khánh nói.
Rens hướng sự tập trung vào thị trường giày sneaker ở Mỹ có quy mô khoảng 20 tỉ USD và thị trường sản phẩm thân thiện với môi trường toàn cầu có quy mô khoảng 75 tỉ USD hằng năm. “Đó là thị trường quan trọng quyết định vị thế của các thương hiệu mới như chúng tôi,” Khánh nói và cho biết đang gọi vốn từ Mỹ trong kế hoạch tiếp cận thị trường và lập văn phòng tại đây trong 1-2 năm tới.
Hoạt động theo mô hình thuê gia công ngoài, hiện Rens Original tinh gọn với 10 nhân viên thuộc sáu sắc tộc, cùng sáng tạo tại văn phòng trụ sở ở Helsinki. Một đôi giày thành phẩm đi qua 12 nhà máy để hoàn thành các công đoạn đang được sản xuất từ “cái nôi” Trung Quốc, với giá bán lẻ trong đợt hàng đầu tiên là 89 USD (2,1 triệu đồng).
Hiện Việt Nam là thị trường gia công giày lớn của thế giới nhưng với các đơn hàng quy mô lớn và sản phẩm đại trà, chưa thể đáp ứng được cách sản xuất và số lượng của Rens. Khánh có kế hoạch mở trung tâm phát triển sản phẩm tại Việt Nam để trong tương lai, để không chỉ thuận lợi về nguồn nhân lực mà sản phẩm từ Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các chính sách thương mại khi vào các thị trường như Mỹ hay châu Âu. “FDI đang đổ vào Việt Nam, tôi tin chuỗi sản xuất sẽ ngày càng đa dạng cho mọi mô hình gia công,” Khánh nói.
Khánh thừa nhận còn quá nhiều thách thức với thương hiệu mới như Rens: cạnh tranh với nhiều “ông lớn” như Nike, Adidas, Puma...vốn nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính. Nhưng đổi lại, Rens tập trung hoàn toàn cho mảng thời trang giày bền vững và thân thiện với môi trường, ngách để đứng cùng những người khổng lồ. “Chúng tôi đang đi từng bước, nhưng đi thế nào vẫn phải trên mấu chốt là giữ được sự khác biệt,” Khánh nói và kỳ vọng khi quy mô đủ lớn sẽ dịch chuyển gia công về Việt Nam.
Tuyết Ân/ theo tạp chí Forbes Việt Nam số 81, tháng 2.2020