Hà Nội sẽ có 300 tỷ mỗi năm vào ngân sách nhờ loạt trạm thu phí vào nội đô?

31/10/2021 10:14

Một số tiền lên đến 300 tỷ sẽ bổ sung vào nguồn thu của thành phố, đồng thời sẽ giảm ùn tắc, thay đổi hành vi tham gia giao thông, không làm tăng chi phí xã hội - đó là thông tin mà Sở GTVT Hà Nội cung cấp cho báo chí.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có cuộc trao đổi, thông tin với báo chí về vấn đề thu phí vào nội đô trong chiều ngày 30/10. 

Theo những báo cáo mới nhất, cơ quan phụ trách về vấn đề giao thông Hà Nội chính thức đưa ra dự kiến khung mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt.

"Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng sẽ thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra mức dự kiến.

Hà Nội sẽ giảm tắc đường trong 5-10 năm tới nhờ việc triển khai thu phí vào nội đô?

Hà Nội sẽ giảm tắc đường trong 5-10 năm tới nhờ việc triển khai thu phí vào nội đô?

Còn theo đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" cũng do Sở đứng đằng sau thì 

Xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề nghị từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt.

Thời gian thực hiện thu phí từ 5h00 - 21h00 có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30. Áp dụng các mức phí trên nhằm giảm ùn tắc giao thông là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí.

Các phương tiện được miễn phí sẽ là: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,... 

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.

Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi). 

Tuy nhiên, vị Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND Tp.Hà Nội xem xét trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính được duyệt trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí. Mức phí đưa ra 50.000 - 100.000/lượt mới chỉ đang được các cơ quan có thẩm quyền có dự toán trước. 

Lộ trình thực hiện được ông Viện thông tin rằng đầu tiên sẽ phải được sự thông qua của HĐND Tp.Hà Nội đối với đề án tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.

Từ năm 2022 - 2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, trình HĐND thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi cơ quan này quyết định trong cùng năm. 

Có vẻ như từ vẫn còn rất xa và nhiều thủ tục để thành phố hoàn tất việc triển khai thu phí, theo ông Viện thì để thông qua thì cần xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện như: Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí); kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và HĐND, UBND TP, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ. 

Bên cạnh đó, còn những vấn đề về pháp lý được ông Viện nêu ra như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí như Nghị quyết HĐND (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí). Hay kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, gành và HĐND- UBND Thành phố, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ. 

Thêm nữa, cần làm rõ quy định về người đăng ký phương tiện giao thông, có trách nhiệm mở tài khoản và gắn các thiết bị thu phí không dừng; quy định về xử lý truy thu đối với lái xe không nộp phí và quy định về xử lý phạt đối với các đối tượng cố tình không nộp phí. Trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành việc thu phí và người nộp phí cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Về công nghệ thu phí, dự kiến thành phố sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống Camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí. Đồng thời tích hợp công nghệ thu phí không dừng, thống nhất với việc thu phí tại các trạm BOT, cầu đường trên địa bàn Hà Nội và phạm vi cả nước, thuận tiện cho người điều khiển phương tiện.

Anh: Đề xuất thu phí phương tiện từ trước 2 thập kỷ, đến năm 2003 mới áp dụng 

Hệ thống thu phí chống tắc đường đã được triển khai tại London (Anh) phải mất khoảng thời gian dài, hơn 20 năm từ khi được nhen nhóm và từng ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo thời gian người dân cũng chấp nhận là bởi: 

Cảm thấy cần có biện pháp triệt để hơn, do đã quá mệt mỏi trước tình trạng tắc nghẽn khi di chuyển. Nhiều người cho rằng, thu phí là cách tốt nhất để có tiền nâng cao chất lượng giao thông công cộng ở London.

Tiếp theo là do thành phố này dùng nguồn lực để tập trung vào một số dự án trọng điểm như thu phí đường bộ. Để làm được điều đó, Thị trưởng đã thành công trong xây dựng niềm tin cho người dân thông qua đối thoại mở, trình bày vấn đề và đề xuất rõ ràng, công khai.

Chương trình thu phí ô tô đi vào trung tâm London bắt đầu từ tháng 2/2003 trên một diện tích hơn 20km2. Đây là khu vực kinh doanh trung tâm lúc nào cũng bị tắc xe nặng nề. Khu vực thu phí chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng diện tích Greater London (Đại London, có 7 triệu dân sinh sống).

Sau đó, khu vực thu phí được mở rộng ra phía Tây, bao gồm thêm 20km2 nữa gồm Westminster, Kensington và Chelsea. Khi áp dụng thu phí, chính quyền thành phố thực hiện luôn cả việc tăng 40% công suất chuyên chở khách của xe buýt và tàu hỏa.

Theo đó, trong 3 năm thực hiện biện pháp này, lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn khi lưu không phương tiện giảm 30%.

Hiện mức thu phí đang được áp dụng ở thủ đô của nước Anh là 20 USD/ngày, áp dụng từ 7h đến 22h tất cả các ngày, trừ ngày lễ. Như vậy, cao gấp 7,6 - 30 lần đề xuất của Sở GTVT Hà Nội. 

Theo Duy Anh/Doanh nhân Việt Nam