Ham làm giàu từ đầu tư đất, nhiều nhà đầu tư lâm cảnh "tréo ngoe" khi dịch Covid-19 kéo dài, "ngộp thở" với khoản nợ gánh trên vai

29/07/2021 10:03

Mua đầu tư mảnh đất vào giữa năm 2020, với khoản nợ ngân hàng hơn 20 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị H (ngụ Tp.HCM) đâm ra cãi vã nhau khi chị mất việc vì dịch Covid-19, còn chồng thì làm việc online, lương giảm gần một nửa.

avatar1627525643399-16275256440001048947923-1627527598.jpeg

Dịch bệnh đang đẩy nhiều người lâm cảnh "tréo ngoe" khi trên vai gánh khoản nợ ngân hàng khi mua BĐS để ở hoặc đầu tư.

Vào giữa năm 2020, chị H (ngụ Tp.HCM) mua thêm mảnh đất diện tích lớn tại huyện Bình Tân (Tp.HCM), mục đích chờ tăng giá để chốt lời. Lúc đó, chị vay ngân hàng thêm 2 tỉ (mảnh đất có giá hơn 3 tỉ đồng, sổ đỏ). Hàng tháng vợ chồng chị trả cả lãi -gốc khoảng 20 triệu đồng. Do cả hai vợ chồng có thu nhập khá tốt (khoảng 60 triệu đồng/tháng), nên chị H dường như không lo lắng đến việc vay và trả nợ ngân hàng.

Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến khiến những tính toán của vợ chồng chị H "đổ vỡ". Mới đây, chị phải nghỉ việc do công ty khó khăn, đóng cửa tạm thời chờ dịch ổn định. Còn chồng chị làm việc online nhưng lương tháng cũng bị cắt giảm gần một nửa. Tiền chi tiêu, sinh hoạt, cộng với khoản nợ ngân hàng hơn 20 triệu đồng/tháng "đè" lên vai. Theo chị H, nhiều lần "cùng quẩn", nghĩ đến khoản nợ hàng tháng, trong khi bản thân thất nghiệp chị như muốn "nổi điên", cãi vã với chồng, khiến không khí gia đình bất hoà.

"Do không có khoản tích luỹ, mất việc vì Covid-19, lại nợ ngân hàng, tôi muốn ngộp thở. Trong khi mọi khoản chi tiêu như điện, nước, ăn uống… vẫn phải xài khiến nỗi lo lắng về tài chính tăng lên. Nhiều lúc, tôi nghĩ, lúc này không đầu tư cái gì lại khoẻ", chị H chia sẻ.

Khi được hỏi, sao chị không bán mảnh đất đi để bớt áp lực tài chính, chị H cho hay, lúc này rao bán cũng không dễ, mà mảnh đất lên giá cũng chưa bao nhiêu (tầm này thì đứng giá), trừ chi phí ngân hàng có khi còn lỗ, nên ráng đợi xem sao.

13-162745951089730741019-1627525643904-16275256440491737656647-1627527599.jpeg

Cùng tâm trạng, chị T, (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), gánh nợ 700 triệu ngân hàng, vay mua căn hộ trước đó cũng đang rối bời vì chồng hành nghề lái taxi đang thất nghiệp, còn chị lương cũng bị cắt giảm 20% vì dịch bệnh. Chị T cho biết, bây giờ chỉ mong được ngân hàng giãn khoản trả nợ trong vài tháng tới, hoặc giảm lãi suất mạnh, chứ "gồng" nợ đuối quá.

Dù không phải đóng các khoản học hành cho 2 đứa con ở thời điểm này nhưng tiền ăn, phí sinh hoạt cũng đủ khiến thâm hụt vào khoản lương kế toán không đáng kể của chị, chưa kể gần chục triệu lãi – gốc ngân hàng hàng tháng. "Lúc chưa dịch, anh nhà chạy taxi, hàng tháng cũng kiếm được tiền chục triệu, anh lo khoản nợ ngân hàng, nên ổn định. Giờ dịch ập đến, anh thất nghiệp, mình phải gồng gánh luôn khoản ngân hàng, thâm trước hụt sau. Tháng rồi, phải mượn đỡ tiền của em gái, thêm vô đóng ngân hàng", chị T giãi bày.

Quả thực, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người vay ngân hàng để đầu tư đất hay mua để ở trở nên "ngộp thở" vì gánh lãi vay, trong khi công việc bị giảm thu nhập hoặc mất việc hoàn toàn. Trường hợp như chị T, chị H chỉ là một trong số rất nhiều người đang khốn khổ vì khoản nợ vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dành được khoản tích luỹ, dự tính sẽ mua thêm mảnh đất để dành, còn khoản nợ ngân hàng từ từ trả (vì thu nhập hàng tháng vẫn ổn định). Bỗng dưng, mọi dự định ban đầu cũng không thành hiện thực vì dịch.

Trong khi nhiều người rục rịch tìm hiểu lãi suất để vay mua nhà đất thì một số người khác lại tranh thủ trả bớt nợ để giảm áp lực tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo một số ngân hàng, gần đây không ít khách hàng liên hệ xin trả nợ trước hạn một phần hoặc toàn bộ khoản vay mua nhà. Ngoài ra, những người vay mua nhà để cho thuê, đầu tư chờ tăng giá hoặc lướt sóng, nay thị trường chững lại hoặc giao dịch kém cũng đua nhau rao bán nhà để tránh bị ngân hàng thu hồi nhà, phát mãi.

Nhiều người lại tỏ ra bi quan khi chia sẻ: "Tính ra mùa này, không đầu tư cái gì lại khỏe em ạ..!". Cho thấy, áp lực tài chính trong mùa dịch đang khiến nhiều người "ngộp thở", mệt mỏi.

Hiện nay, lãi suất đi vay để mua nhà tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay hấp dẫn với kỳ hạn dưới 9 năm, lãi suất chỉ từ 7%-9%/năm. Tuy nhiên, các khoản vay trước đó của khách hàng để mua BĐS dường như lãi suất vẫn như cũ, không được tính ưu đãi theo hiện hành, khiến nhiều người "than vãn". Rất nhiều người nợ ngân hàng đều chung mong muốn là được ngân hàng giãn tiến độ trả nợ đến cuối năm, hoặc truy mức lãi suất ưu đãi dài hơn… tuy vậy, thời điểm này chưa có động thái rõ nét nào từ ngân hàng đối với người vay chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dù không trong thời điểm dịch bệnh thì chuyên gia cũng luôn khuyến cáo người mua nhà là không nên vay quá cao mà chỉ nên chiếm 30%-35% giá trị bất động sản là hợp lý. Những người vay mua bất động sản để đầu tư cũng nên nhìn theo hướng trung và dài hạn, đừng nghĩ đến chuyện lướt sóng hay đầu cơ thời điểm này.

Theo các chuyên gia, hiện nay lãi suất vay mua nhà dù có giảm thật nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều người cũng sụt giảm mạnh, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhưng giá bất động sản chỉ chững lại hoặc giảm không đáng kể. Một số phân khúc bất động sản giảm nhiều nhất chỉ 5%-10%. Do đó, những người thật sự có nhu cầu vay mua nhà để ở cần tính toán khả năng trả nợ, còn với người vay mua để đầu tư, kinh doanh, lướt sóng bất động sản càng cần cân nhắc kỹ hơn.

Theo Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế