Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm qua giảm phiên thứ 3, mất thêm 0,55% xuống còn 18.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này khá bất ngờ trong bối cảnh thị trường khởi sắc vào cuối phiên và tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa nhận tin tích cực.
Diễn biến tích cực trong phiên chiều đã đẩy các chỉ số bật tăng vào cuối phiên 8/10. VN-Index tăng 5,13 điểm tương ứng 0,52% lên 988,22 điểm và một lần nữa áp sát mốc 990. HNX-Index tăng 0,19 điểm tương ứng 0,18% lên 103,92 điểm.
Thanh khoản có phần cải thiện nhưng không đáng kể. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 178,37 triệu cổ phiếu tương ứng 3.561 tỷ đồng và con số này trên HNX là hơn 20 triệu cổ phiếu tương ứng 290,74 tỷ đồng.
Phiên này, sắc xanh đã chiếm ưu thế rõ rệt với 298 mã tăng giá, 38 mã tăng trần so với 270 mã giảm và 27 mã giảm sàn.
Quan trọng hơn, “đầu tàu” VCB tăng giá mạnh đã kéo VN-Index tăng 2,51 điểm. Bên cạnh đó, BID, HPG, TCB, HVN, STB cũng có tác động tích cực đến chỉ số chung. Chiều ngược lại, GAS, VHM, SAB giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực.
Cổ phiếu VIC của Vingroup hôm qua giảm phiên thứ 3, mất thêm 0,55% xuống còn 18.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này khá bất ngờ trong bối cảnh thị trường khởi sắc vào cuối phiên và tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa nhận tin tích cực.
Theo đó, thông tin báo chí cho hay, Bộ Giao thông Vận tải hôm qua đã có văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đồng ý với hồ sơ dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air.
Đáng chú ý là tại văn bản này, Bộ GTVT đánh giá quy mô đội máy bay 36 chiếc vào năm 2025, khai thác các đường bay quốc tế, nội địa của Vinpearl Air không trái với quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý rằng, với quy mô nói trên vào năm 2025 của Vinpearl Ai có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường, trong trường hợp Vietnam Airlines thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cao và các hãng hàng không thực hiện theo đúng kế hoạch khai thác máy bay. Theo đó, quy mô đội máy bay của Vinpearl Air được khuyến nghị nên dừng ở mức 30 máy bay vào năm 2025.
Trở lại với thị trường chứng khoán, trên HNX, chỉ số cũng chủ yếu dựa vào ACB khi mã này đóng góp tới 0,16 điểm cho HNX-Index trong mức tăng chung 0,19 điểm của chỉ số. Ngoài ra, PVX, KLF mặc dù có thị giá thấp nhưng tăng trần và trở thành hai trong 10 mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số sàn Hà Nội. VCS, PVS tiếp tục giảm giá.
Nhìn nhận về cú “đảo chiều” đầy phấn khích của phiên giao dịch hôm qua, VDSC cho rằng, xu hướng tăng điểm trở lại chưa xác định ngưỡng an toàn. Thị trường chứng khoán được cho là vẫn đang biến động trong trạng thái đi ngang với dao động nhẹ. Do đó, VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý để có những giao dịch tốt nhất trong khoảng thời gian này.
Còn theo nhận định của BVSC, sau nỗ lực hồi phục tăng điểm trở lại từ vùng 978-982 điểm trong phiên hôm qua, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hồi phục và hướng đến vùng kháng cự 990-993 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Dù vậy, xu hướng chung của thị trường trong ngắn hạn vẫn được đánh giá ở trạng thái sideway (tích luỹ). Chỉ số dự kiến sẽ tiếp tục dao động trong kênh giá đi ngang với cận trên là vùng 995-1000 điểm và cận dưới 978-982 điểm để tạo nền giá tích lũy trong ngắn hạn.
Áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm bớt tuy nhiên nếu hoạt động này còn tiếp diễn kèm theo biến động tiêu cực của thị trường thế giới sẽ tạo ra lực cản đáng kể cho xu thế hồi phục của thị trường trong thời gian tới.
Theo BVSC, các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý 3 dự báo gồm có ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, điện, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Cổ phiếu của các nhóm ngành này điều chỉnh vẫn được xem là cơ hội để mua vào cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao.
Mai Chi
Theo Dân Trí