Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều DN, tiểu thương, kinh doanh thua lỗ. Nhiều cá nhân, DN thậm chí không thể tiếp tục cầm cự, dẫn đến hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa, treo biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh chính là phép thử để các DN, cá nhân học được bài học thích nghi và tìm thêm những hướng kinh doanh mới.
Đua nhau sang nhượng cửa hàng
Mặc dù đã hơn nửa tháng được mở cửa kinh doanh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tuy nhiên, đã có nhiều cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố lớn như Xã Đàn, Chùa Bộc, Thái Hà… treo biển cho thuê, sang nhượng, hoặc thanh lý toàn bộ cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Hoài, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết, do lượng khách hàng và doanh thu sụt giảm mạnh cộng với giá thuê cửa hàng cao, vốn eo hẹp nên sau thời gian “cầm cự” đến nay tôi buộc phải dừng kinh doanh trả lại mặt bằng.
Khảo sát của CBRE thực hiện trong tháng 4/2020 về tác động Covid-19 ghi nhận: 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020; 61% khách thuê chưa được nhận hỗ trợ tiên thuê nhà từ chủ nhà; 27% khách thuê mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.
Thực tế, tại các tuyến phố trung tâm thành phố như: Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Gai, Hàng Đường... nhiều cửa hàng mặt phố đang “bất động” đìu hiu không có người thuê. Chị Trần Thị Minh, kinh doanh trên phố Hàng Đào cho biết, vào thời điểm trước dịch để kiếm mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn của Hà Nội chúng tôi thường phải thuê với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/m2/tháng và cũng rất khó thuê được mặt bằng. Nhưng hiện nay cung lớn hơn cầu vì có rất nhiều DN, chủ cửa hàng trả lại mặt bằng kinh doanh.
Nhằm thu hút khách thuê trong thời điểm sau dịch, hầu hết chủ nhà có diện tích cho thuê kinh doanh đều chấp nhận giảm 20 - 30% giá tiền thuê nhà. Đơn cử trên trang thương mại điện tử Chợ tốt đang rao 1 ngôi nhà 4 tầng, 70 m2 trên phố Hàng Bài cho thuê với giá 150 triệu đồng/tháng và miễn phí 2 tháng để ổn định kinh doanh. So với thời điểm cuối năm 2019, mức giá cho thuê này đã giảm 20%. Chị Nguyễn Hoàng Anh, chủ một mặt bằng cho thuê trên phố Chùa Bộc cho hay, để cho thuê cửa hàng tôi đã giảm 30% tiền nhà nhưng nhưng gần 1 tháng nay vẫn chưa có người mới đến thuê.
Thích nghi cách kinh doanh mới
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều cá nhân, DN kinh doanh thua lỗ nhưng lại là cơ hội để DN, tiểu thương tìm hướng kinh doanh mới phù hợp thực tế, không quá phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống. Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 người dân có xu hướng đặt mua hàng qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng đã khiến bán hàng online “lên ngôi”. Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, mua bán online là một xu thế tích cực trong dịch Covid-19, xu thế này khiến “Mặt tiền vàng, mặt phố vàng” không còn chiếm thế độc tôn trong kinh doanh bán lẻ. “Trên thực tế, nhiều DN, tiểu thương nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh bán hàng đa kênh online thu hút người tiêu dùng” - ông Phú nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xu hướng trả mặt bằng kinh doanh cũng là quá trình cơ cấu lại thị phần của thị trường bán lẻ “hậu” Covid-19. Tuy nhiên muốn thu hút khách thuê đòi hỏi những chủ mặt bằng bán lẻ thích ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại từ đó điểu chỉnh giá cho thuê hợp lý. Còn theo Trưởng bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam Võ Thị Phương Mai, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử. “Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới” - bà Mai nhận định.
Như vậy sau thời điểm dịch mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Trong cái rủi có cái may, đây là cơ hội để những người làm kinh doanh thích ứng thực tế và cần có những cách làm mới nhằm ứng phó với những khó khăn mới trong tương lai.
Hoài Nam
Theo Kinh Tế Đô Thị