Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hành trình gây dựng gia tộc kinh doanh của ‘bầu’ Hiển

28/06/2021 14:47

“Tôi thích làm những gì mà người khác cho là không thể” là lời mà ông Hiển chia sẻ với báo giới cách đây cả thập kỷ và quả thật sau đó, năm 2012, ông đã một lần nữa minh chứng phương châm sống đó khi quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB.

12-1624865043.PNG
Gia đình doanh nhân Đỗ Quang Hiển

Hẳn những ai tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vẫn còn nhớ đến một vị cổ đông từng đứng lên cảm ơn Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển (thường được gọi với cái tên “bầu” Hiển) vì khoản lợi nhuận “khủng” lên đến 28 tỷ đồng nhờ đầu tư vào cổ phiếu SHB.

Một trong những lý do khiến cổ đông này kiên trì nắm giữ cổ phiếu SHB bất chấp những tin đồn thất thiệt, cổ phiếu bị nhà đầu tư “xa lánh”, cho đến khi chốt lãi ở mức giá rất cao là bởi ông rất tin tưởng vào Chủ tịch Đỗ Quang Hiển – người từng có thời gian công tác tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia – cũng là nơi vị cổ đông trên làm việc trong thời gian dài. Vị cổ đông này từng nhắn tin tới “bầu” Hiển để kiểm chứng các tin đồn và dù không biết người hỏi là “đồng môn” nhưng ông Hiển vẫn nhiệt tình trả lời để xóa tan tin đồn thất thiệt.

Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962, tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng chia sẻ với báo giới về đam mê đọc sách, đặc biệt học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên, những định luật, nguyên lý… Đây là một trong những lý do ông Hiển quyết định rời Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình – nơi ông gắn bó khoảng 3 năm sau khi tốt nghiệp ra trường – để gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia để thỏa mơ ước nghiên cứu, cho ra những công trình mang tầm quốc gia.

Thế nhưng cơ chế, môi trường cơ quan nhà nước không thể giữ ông lại, vì thế, ông đã quyết định nghỉ công việc “bàn giấy” để lao vào kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… với dấu mốc là thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T vào năm 1993.

Lựa chọn mặt hàng kinh doanh có phần phù hợp với “máu” khoa học có lẽ là một trong những lý do quan trọng giúp ông Hiển nhanh chóng gây dựng sự nghiệp bền vững khi T&T được chọn làm đại lý độc quyền tại thị trường Việt Nam cung cấp các sản phẩm thuộc các nhãn hàng danh tiếng của Nhật Bản như Panasonic, Mitsubishi, National…

Năm 1998, trong lúc hoạt động kinh doanh liên tục phát triển, ông Hiển cũng như nhiều doanh nhân kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh… chịu cú sốc lớn khi Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã “tuồn” vào trong nước lượng hàng điện tử, điện lạnh… với khối lượng rất lớn, khiến nhà nước thất thu tới gần 1.000 tỷ đồng thời điểm đó, các công ty phân phối trong nước thì điêu đứng vì không bán được hàng (vụ án này đến tận năm 2017 vẫn còn được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cần thiết).

“Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”, Chủ tịch T&T Đỗ Quang Hiển từng chia sẻ.

capture-1624865133.PNG
"Bầu" Hiển và vợ ông, bà Lê Thanh Hòa

Khi đã xây dựng được vị thế trong ngành điện tử, điện lạnh… đồng thời nhận thấy ngành này cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ông Hiển đã mạnh dạn đầu tư sang một thị trường nhiều tiềm năng là xe máy.

Dù gia nhập thị trường này khá sớm nhưng do áp lực cạnh tranh đến quá nhanh và khốc liệt nên ông Hiển gần như đã tính đến chuyện ngừng dây chuyền sản xuất xe máy nhưng cuối cùng vẫn kiên trì và thành công trong mảng này.

Sau đó, T&T dần tham gia vào các lĩnh vực mang tính trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và đặc biệt là ngân hàng.

Năm 2006, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 19.260 tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới… gần 40 lần sau khoảng 15 năm và đang dự định sẽ tăng tiếp lên 26.674 tỷ đồng ngay trong năm nay.

“Tôi thích làm những gì mà người khác cho là không thể” là lời mà ông Hiển chia sẻ với báo giới cách đây cả thập kỷ và quả thật sau đó, năm 2012, ông đã một lần nữa minh chứng phương châm sống đó khi quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB.

Nhìn lại, thời kỳ đầu là rất khó khăn. Sau khi sáp nhập Habubank hồi tháng 8/2012, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.

Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới phục hồi lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng và SHB dự kiến phải mất cả thập kỷ từ khi sáp nhập để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.

Tất nhiên, trong nguy có cơ, có tiềm năng thu về lợi ích thì Chủ tịch SHB mới đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng yếu kém nhưng ông Hiển cũng xứng đáng nhận được sự tôn vinh từ xã hội, bởi những đóng góp trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động và lợi ích của cổ đông.

Năm 2006 là năm ông Đỗ Quang Hiển chính thức bước chân vào ngành ngân hàng, cũng là năm ông thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, CLB này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.

Bóng đá là niềm đam mê lớn với “bầu” Hiển. Ngay từ khi thành lập CLB, ông đã cẩn thận xây dựng một đội trẻ từ lứa U15 bài bản và có chiều sâu, lấy đào tạo làm nền tảng cho phát triển bóng đá. Kết quả, CLB đã vô địch V.League tới 5 lần.

Đến thời điểm hiện tại, cơ ngơi đồ sộ của “bầu” Hiển trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.

Ông Đỗ Quang Hiển có 2 người con trai, là Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 và Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995. Những động thái nhiều năm qua cho thấy vị doanh nhân này xây dựng khá rõ con đường “kế vị” cho 2 người con trai.

capture-1624865186.PNG
Đỗ Vinh Quang (trái) và Đỗ Quang Vinh (phải)

Đỗ Quang Vinh từng học 3 năm ở Singapore, tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính - ngân hàng ở Anh. Anh từng có 3 năm giữ chức CEO của T&T tại Mỹ.

Về Việt Nam, Đỗ Quang Vinh nhận nhiệm vụ đầu tiên với chức danh Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB. Anh cũng đảm nhiệm cương vị Giám đốc chuyển đổi số, Giám đốc Dự án triển khai giải pháp Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), đồng thời là Chủ tịch HĐTV SHB Finance.

Vị doanh nhân trẻ này toát lên tham vọng chứng minh bản thân, sẵn sàng vượt qua cái bóng “con trai bầu Hiển”. Anh tự nhận mình là người hướng nội và “luôn đặt mình đứng xa những thứ xa xỉ”, có lẽ một phần do là con trai cả nên anh cũng có thời gian dài trải nghiệm cuộc sống vất vả, thăng trầm trong lúc bố anh – ông Đỗ Quang Hiển - gây dựng cơ đồ.

Trên thực tế, mặc dù đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng tại SHB nhưng Đỗ Quang Vinh lại khá “ẩn mình” trong những giao dịch liên quan đến tiền bạc, tài sản. Tính đến thời điểm hiện tại, cá nhân anh chỉ sở hữu khoảng 500.000 cổ phiếu SHB sau giao dịch khớp lệnh diễn ra vào giữa tháng 6/2021, với số tiền bỏ ra ước tính khoảng 13,5 tỷ đồng.

Trái lại, con trai thứ hai của “bầu” Hiển, Đỗ Vinh Quang, lại sở hữu khối tài sản cực “khủng”. Vị thiếu gia này đang nắm giữ tới gần 52 triệu cổ phiếu SHB, tương đương giá trị trên 1.400 tỷ đồng.

Đỗ Vinh Quang hiện được “bầu” Hiển giao trọng trách Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T). Năm 2015, anh được đánh giá là có công lớn trong việc xúc tiến mời đội bóng nổi danh Manchester City sang Việt Nam thi đấu giao hữu.

Sau khi nhậm chức chủ tịch, Đỗ Vinh Quang tham vọng giúp CLB có những đổi mới trong công tác huấn luyện, tăng sự chuyên nghiệp. Dù vậy, thành tích trong năm đầu giữ cương vị chủ tịch của Đỗ Vinh Quang đang gặp thách thức khi CLB Bóng đá Hà Nội chỉ đang đứng ở vị trí thứ 7 tại giải V.League 2021.

Trên thế giới, trong khi có rất nhiều tập đoàn gia đình đã lụi bại vì không tìm được người lãnh đạo xứng tầm thì có những tập đoàn với sự tham gia của các thế hệ cùng nắm giữ các cương vị chủ chốt đã có đóng góp không nhỏ cho kinh tế thế giới. Điều đó cho thấy hành trình tìm người kế nghiệp không hề dễ dàng hơn so với hành trình dựng nghiệp.

Với “bầu” Hiển, hành trình gây dựng gia tộc kinh doanh mới chỉ đang trong giai đoạn “thành hình” và chắc chắn sẽ còn nhiều thử thách phía trước mà cả gia đình doanh nhân này phải chung tay giải quyết để đi đến sự ổn định, tối ưu và tiếp tục phát triển sang các thế hệ tiếp theo.

Theo Vietnam Finance

https://vietnamfinance.vn/hanh-trinh-gay-dung-gia-toc-kinh-doanh-cua-bau-hien-20180504224255043.htm