Hành trình thoát khỏi thuế quan của một công ty Mỹ

24/08/2019 20:05

Năm ngoái, khi biết tin thuế quan Mỹ đe dọa hoạt động kinh doanh điện tử ở Trung Quốc, Larry Sloven đã biết rằng việc xây dựng công ty ở nơi khác sẽ giống thử thách hơn là cuộc phiêu lưu.

Larry Sloven, 70 tuổi, đã dành nửa cuộc đời xây dựng chuỗi cung ứng ở miền nam Trung Quốc để sản xuất hàng hóa cho các nhà bán lẻ lớn của Mỹ. Ông chưa bao giờ phải thay đổi trong một thời gian ngắn đến vậy, với mối đe dọa từ thuế quan đang cận kề.

“Đây là điều khó nhất mà tôi từng phải làm trong suốt 30 năm kinh doanh”, Sloven, chủ tịch của Capstone International HK, chi nhánh của công ty Capstone có trụ sở tại bang Florida, cho biết.

“Đã có sẵn quy trình đóng gói, lắp ráp, kiểm toán, lao động, chi phí chung, linh kiện, hậu cần, vận tải”, ông nói. “Tôi đã có thể vận hành rất nhanh”.

Sloven, sinh ra tại Long Island, New York, đã tích lũy kinh nghiệm ở châu Á trong những năm 1970 khi tìm nguồn cung ứng các sản phẩm chiếu sáng từ Nhật Bản. Sau đó ông chuyển đến Đài Loan và Trung Quốc đại lục, sản xuất và cung cấp các sản phẩm điện cho AT&T và Duracell, trước khi trở thành đại lý mua cho nhà bán lẻ đồ thể thao Dick’s.

Ông làm việc tại Capstone từ năm 2012 và đảm nhận quản lý mạng lưới các nhà sản xuất Trung Quốc từ Hong Kong.

Chi phí lao động tăng và các quy định chặt chẽ hơn ở Trung Quốc đã khiến ông cân nhắc việc chuyển mô hình kinh doanh tới một nơi khác ở châu Á. Nhưng cuộc chiến thương mại mới là lý do khiến ông buộc phải hành động.

Sau hàng loạt cuộc phỏng vấn, điện thoại, trao đổi qua Whatsapp và email trong một năm, Reuters ghi lại những nỗ lực của Sloven nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng của ông, kèm theo đó là những lần thoát hiểm trong gang tấc, đau đầu về vấn đề quản lý – và một chút may mắn.

Larry Sloven giới thiệu một tấm gương cảm ứng, có thể sử dụng như máy tính bảng, tại một nhà máy ở Bangkok, Thái Lan, hôm 22/7. Ảnh: Reuters.

Sloven chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nhân đã buộc phải thay đổi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc vì chiến tranh thương mại, trong đợt cải tổ chuỗi cung ứng lớn nhất thế kỷ.

Các công ty như Capstone đóng góp hơn 200 tỷ USD vào việc mua các thiết bị điện tử và máy móc do Trung Quốc sản xuất hàng năm.

Hoạt động thẩm tra

Khi Washington áp thuế đầu tiên vào tháng 7/2018, các sản phẩm cốt lõi của Capstone như bóng đèn LED chạy pin và ánh sáng kích hoạt chuyển động, không có trong danh sách.

Cũng không có một số nguyên mẫu của Capstone mà Sloven coi là tương lai của công ty như “nội thất thông minh”, ví dụ, một tấm gương được tích hợp màn hình cảm ứng để truy cập internet.

Nhưng bản năng của ông mách bảo mối quan hệ Mỹ - Trung đang trở nên xấu đi

“Bạn không thể biết sắp tới sẽ xảy ra những gì với Trung Quốc”, ông nói.

Ông tin Thái Lan là nơi có khả năng đặt cơ sở sản xuất thứ hai. Tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô tại địa phương khá khó khăn, nhưng ít nhất không mất thuế nhập khẩu. Xây dựng doanh nghiệp tại Thái Lan cũng rẻ và nhanh chóng, và một số công việc có thể được thuê ngoài.

Một quan chức thương mại của Mỹ tại Thái Lan đã giới thiệu ông với các công ty địa phương khác nhau có thể giúp đỡ.

“Tôi sẽ có thể sản xuất các sản phẩm tại Thái Lan”, Sloven nói vào cuối mùa hè năm ngoái. Nhưng “việc ấy sẽ không dễ dàng”.

Tháng 9/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho ông một lý do thậm chí tốt hơn để chuyển địa điểm.

Tổng giá trị thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD, đưa các sản phẩm LED của Capstone vào mức thuế 10%. Đồ nội thất thông minh, nếu được sản xuất tại Trung Quốc, sẽ phải chịu thuế.

Ngay sau đó, một cuộc khảo sát của Amcham Trung Quốc, đại diện các doanh nghiệp Mỹ, cho thấy 1/3 số thành viên của họ có kế hoạch chuyển nguồn cung ứng linh kiện hoặc lắp ráp một số hàng hóa bên ngoài Trung Quốc.

Sloven tin Thái Lan là nơi có khả năng đặt cơ sở sản xuất thứ hai. Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực của Sloven ở Thái Lan dường như đã được đền đáp. Sau nhiều cuộc họp, ông tìm được một nhà máy sản xuất đồ nội thất và một nhà lắp ráp bên ngoài Bangkok.

Cả hai đều có kinh nghiệm quốc tế và đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các công ty Mỹ. Và trong khi đồ nội thất thông minh còn xa lạ, họ tự tin rằng họ có thể thành công và sẵn sàng đầu tư. Các công ty không được nêu tên vì thỏa thuận bảo mật.

Sau chuyến thăm vào tháng 2, Sloven đã đặt mua linh kiện cho chiếc gương thông minh và chuyển đến Thái Lan. Đến giữa tháng 3, các kỹ sư của Capstone đã hướng dẫn nhà máy cách lắp ráp.

“Tôi không quá lo lắng. Tôi đang đưa cho anh ấy thông tin về từng bước một”, ông nói khi đó, đề cập đến đối tác người Thái Lan.

Sloven ngày càng lạc quan hơn, việc rời khỏi Trung Quốc dường như ít cấp bách hơn khi năm 2019 bắt đầu.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố đình chiến thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) tại Buenos Aires, Argentina, vào tháng 12/2018. Các quan chức của cả hai bên đã đề xuất một thỏa thuận trong thời hạn 90 ngày. Nguy cơ thuế tăng lên 25% dường như xa vời.

Nhưng Sloven vẫn bám sát kế hoạch của ông.

“Lúc đó, tôi không nghĩ rằng sẽ có một cuộc chiến thương mại, nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được gì”, ông nói.

Tiến hành chậm rãi

Thời hạn 90 ngày trôi qua nhưng thuế quan vẫn không thay đổi. Điều này giúp Sloven có thêm thời gian.

Ông đã lên một loạt các lịch chạy thử để kiểm tra khả năng xử lý lắp ráp của nhà máy Thái Lan. Ông cũng cần chuẩn bị kiểm toán quyền lao động và tiêu chuẩn môi trường mà các nhà bán lẻ Mỹ yêu cầu.

Ông ước tính sẽ mất ít nhất 6 tháng nữa.

“Tôi sẽ bắt đầu với quy mô nhỏ vì họ sẽ không thể ngay lập tức đáp ứng được”, Sloven nói. “Dù họ có nói, ‘Ồ, tôi có thể làm điều này ngay bây giờ’ – tôi cũng không tin những lời đó”.

Phải đầu tư nhiều hơn vào dụng cụ và khuôn, nhưng các công ty Thái Lan đồng ý chịu chi phí. Bất kể chiến tranh thương mại diễn biến như thế nào, Slova cảm thấy đã được bảo vệ.

“Bạn chuẩn bị cho chiến tranh”, ông nói. “Bạn sẽ sẵn sàng nếu bị tấn công”.

Tái thương lượng với Trung Quốc

Sloven cũng có việc phải làm ở Trung Quốc.

Các nhà cung cấp của ông ở Thâm Quyến, Đông Quan và Quảng Châu chắc chắn rằng xung đột thương mại sẽ nổ ra và khá miễn cưỡng khi đàm phán về các thỏa thuận gửi các thành phần và nguyên liệu thô ra nước ngoài để lắp ráp.

Nhưng Sloven tiếp tục kiên trì với kế hoạch Thái Lan, lo ngại những thiệt hại mà cuộc chiến thương mại đang gây ra ở Trung Quốc.

Đầu tháng 4, Sloven đã mời Reuters đến gặp luật sư thương mại của ông, Sally Peng của Sandler, Travis & Rosenberg.

Peng mô tả các nhà máy Trung Quốc bị bỏ trống và công nhân bị sa thải. Rất ít chủ sở hữu có chuyên môn hoặc tài nguyên để tự động hóa hoặc tìm thị trường xuất khẩu mới, vì vậy hầu hết đều trông chờ vào một thỏa thuận thương mại. Họ “mất tiền mỗi ngày”.

“Họ tin rằng cuối cùng tất cả sẽ trở về như cũ”, Sloven nói.

“Tôi nghĩ trong vòng 5 năm, sẽ chẳng còn lại gì”, Peng đáp lại.

Đối với Sloven - và nhiều người khác - mức độ khẩn cấp đã trở lại khi ông Trump tăng thuế lên 25% với hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Kêu gọi đầu tư

Ngày Sloven gặp luật sư, các ông chủ của ông ở Florida đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018, phản ánh những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Doanh thu thuần đạt 12,8 triệu USD, giảm từ 36,8 triệu USD trong năm 2017. Lỗ ròng là 1 triệu USD, trong khi trước đó lợi nhuận là 3,1 triệu USD.

“Capstone đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong năm 2018”, giám đốc tài chính Gerry McClinton cho biết.

Trong khi đó, chiếc gương thông minh được phát triển vô cùng hiệu quả. Nguyên mẫu được coi là đã thành công tại một triển lãm điện tử ở Las Vegas vào tháng 1, và một cơ quan PR và một công ty tiếp thị đã được thuê để quảng cáo sản phẩm mới.

Sau đó, ông Trump tăng thuế lên 25% vào ngày 10/5.

Đối với Sloven - và nhiều người khác - mức độ khẩn cấp đã trở lại. Tháng đó, một cuộc khảo sát của AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải cho thấy số lượng các công ty đã chuyển sản xuất hoặc đang cân nhắc di chuyển tăng vọt lên trên 40%.

Để tăng tốc, Sloven đã giới thiệu các nhà lắp ráp Thái Lan cho các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ông muốn đặt ra luật chơi và để họ tương tác độc lập. Những cuộc họp đó phải diễn ra tốt đẹp, hoặc tất cả sẽ thất bại.

May mắn thay, ông phát hiện ra hai bên có điểm chung.

“Anh chàng người Thái, gia đình anh ta gốc Trung Quốc nên anh ta có phương ngữ nhất định. Và nhà máy ở Trung Quốc - nhà cung cấp của tôi - nói cùng phương ngữ với anh ta”, Sloven nói. “Thật tuyệt vời!”.

Sau nhiều tháng từ chối, cuối cùng công ty Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Sloven tại Thái Lan.

Kiểm toán, hậu cần

Sau khi cung cấp linh kiện và nguyên liệu thô được đảm bảo, bước tiến lớn tiếp theo là kiểm toán.

Một sản phẩm phải có 35% được sản xuất tại Thái Lan để được coi là sản phẩm Thái Lan, từ đó tránh được thuế của của Mỹ.

Giấy chứng nhận từ một kiểm toán viên độc lập sẽ chứng minh điều này, nhưng việc kiểm toán thường mất từ ​​4 đến 5 tuần.

“Tôi biết mình phải làm gì, nhưng thông tin vẫn làm tôi choáng váng. Đây là những vấn đề về chuỗi cung ứng mà tất cả mọi người trên thế giới sẽ phải đối mặt”, Sloven nói.

Hậu cần là một mối quan tâm khác đối với Sloven. Vận chuyển đến Mỹ từ Thái Lan dài hơn 8-10 ngày so với từ Trung Quốc.

Mặc dù mất thêm chi phí và thời gian, Sloven nghĩ ông sẽ có thể sản xuất sản phẩm với giá tương tự như ở Trung Quốc mà không có thuế quan.

Giữa mùa hè năm 2019, Sloven đã có thể tự tin rằng phần lớn các thử thách đã nằm lại phía sau, và chiếc gương thông minh sẽ xuất xưởng đúng lịch vào ngày 1/10.

Nhưng, ông chấp nhận, “sẽ luôn luôn có chút trục trặc”.

Minh Ngọc/NDH (Theo Reuters)

Bạn đang đọc bài viết "Hành trình thoát khỏi thuế quan của một công ty Mỹ" tại chuyên mục Tiêu điểm.