Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kỳ 1: Hành trình trở thành “ông trùm” giang hồ Sài Gòn của Năm Cam

10/06/2016 10:00

Năm Cam sinh ra ở “vùng trũng” của Sài Gòn, cuộc sống khốn khó khiến y sớm phải bươn chải, nếm “mùi đời” từ nhỏ. Nhưng nó như định mệnh “gieo nhân” đưa Năm Cam sau này trở thành ông trùm giang hồ gian manh, xảo quyệt bậc nhất trong thế giới ngầm Sài Gòn từ trước tới nay...

Lời tòa soạn:

Vụ án Năm Cam và đồng bọn là một trong những vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Tư pháp Việt Nam cùng tên tuổi của Trung tướng công an Nguyễn Việt Thành (quen gọi là Tư Bốn) cũng đã đi vào lịch sử phòng chống tội phạm của ngành công an Việt Nam. 

Ông trùm xã hội đen Năm Cam đã ra pháp trường đền nợ tội ác. Hơn 10 sau khi vụ án xảy ra, các tư liệu về vụ án này nhất là tác phẩm “Hồ Sơ Z501” của nhà báo Nguyễn Như Phong và những cuộc tiếp xúc nới những người có liên quan được nhà báo Nguyễn Thiện tổng hợp chọn lọc từ nguyên mẫu cuộc đời của Năm Cam và tướng Tư Bốn để tiểu thuyết hoá thành tác phẩm “Ông trùm Sài Gòn”. Báo Câu chuyện Pháp luật khởi đăng loạt bài phác họa chân thực về cuộc đời và hành trình trở thành ông trùm thế giới ngầm giang hồ Sài Gòn của Năm Cam

Ruột thịt như nước lã

Cuộc đời Năm Cam có lúc liền một mạch, có lúc bị ngắt quãng như những đoạn phim được chiếu chậm. Vùng ven Sài Gòn nơi Năm Cam sinh ra vào những năm đầu thập kỷ 50 vẫn còn là vùng đất thưa người, cảnh vật hoang vắng. Thuở ấy, kênh Ruột Ngựa chạy dài từ đầu Cầu Quay đến tận Chợ Lớn còn sạch lắm. Nước lên xuống theo thủy triều và đủ để cho lũ trẻ con ở truồng nhồng nhỗng lặn hụp suốt ngày chơi trò thủy chiến.

Ông Trương Văn Bưởi (cha của Năm Cam) từ Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp hồi những năm đầu thế kỷ 20, lúc đó nơi này vẫn còn cả lũ cá sấu hoa cà dữ tợn từ Rừng Sác, Cần Giờ tìm về gây họa người khẩn hoang. Ngoài Tư Xẩm (chị gái Năm Cam), Năm Cam, cha mẹ y còn 2 đứa con nhưng đã qua đời ở quê vì bạo bệnh. Năm Cam sinh ra trong căn nhà cất trên miếng đất đầy ao vũng, sình lầy muỗi mòng bay như trấu gần chợ Xóm Chiếu (quận 4). Lớn lên trong khu xóm lụp xụp tối tăm, vùng ven đô thị đầy khốn khó nên Năm Cam luôn có tham vọng đổi đời.

Năm Cam cứ ngỡ rằng ngoài cha mẹ và chị Tư Xẩm, chẳng còn ai là bà con trên mảnh đất phương Nam này. Vào một buổi chiều tối, Năm Cam và Tư Xẩm được ông Bưởi giới thiệu với người đàn bà chủ vựa củi ngoài chợ Xóm Chiếu và được đeo tang ông chồng của bà này vừa qua đời. Từ đó, trong trí óc non nớt của Năm Cam đã ghi nhận được rằng cha y có một người em gái tên Trương Thị Quýt.

Ông Bưởi dắt Tư Xẩm và Năm Cam đi đám tang của em rể trở về thì bắt đầu ngã bệnh, các triệu chứng của căn bệnh lao phổi thời kỳ cuối tấn công ông ác liệt. Đó là hệ quả của việc lao động quá sức để nuôi vợ và hai con. Gần 2 năm sau, ông Bưởi qua đời. Năm Cam nhớ lại, lúc cha y chết, những chiếc xe của phòng thông tin chạy rông khắp ngõ phát ra rả trên loa: “Nghe vẻ nghe ve, nghe vè Bảo Đại”. Nhờ vậy sau này, một người bạn trí thức của Năm Cam có thể khẳng định được năm ông Bưởi qua đời là năm 1955, năm Thủ tướng Ngô Đình Diệm trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại khỏi cương vị Quốc trưởng và bắt đầu lập nền Đệ nhất Cộng hòa.

Cô Quýt được báo tin dữ bởi đích thân bà chị dâu nghèo khổ là mẹ Năm Cam. Cô Quýt ghé đến đám ma ông anh ruột thắp một nén nhang, uống vội một ngụm trà, dúi vào tay chị dâu một ít tiền phúng điếu rồi vội vã bước lên xe ra về không khác gì một người dưng. Nét mặt cô như một tảng nước đá, không buồn cũng chẳng vui. Ngày hạ huyệt anh ruột, cô Quýt cũng không thèm có mặt. Lúc ấy, trí óc non nớt của Năm Cam chưa hiểu rằng người cô cư xử như vậy hết sức tồi tệ với gia đình mình. Sau này, khi đã chớm hiểu cuộc đời, Năm Cam nhận ra một điều rất đơn giản nhưng cũng là nỗi ám ảnh suốt một đời phải giàu có dù bằng bất cứ cách nào. Nếu nghèo khó, những điều đơn giản và dễ hiểu nhất như tình thân bằng quyến cũng không có.

Bài học càng rõ nét hơn khi mẹ y vì quá bế tắc, dắt y đến tìm đứa con trai đầu của cô Quýt tên là Sang (nghe đâu rất khá giả) để cậy nhờ. Hai mẹ con cùng đi chân đất, đầu trần giữa buổi trưa Sài Gòn đầy nắng và bụi, đứng tần ngần trước cửa hàng tạp hoá bề thế của Sang. Anh ta thờ ơ theo kiểu con buôn, lạnh lùng nói: “Xin lỗi, tôi không có người bà con nào, nếu có hẳn mẹ tôi nói cho chúng tôi biết rồi!”

Bà Bưởi tủi thân bật khóc rồi dắt Nam Cam quay về. Cuộc sống nghèo khó trên vùng đất dữ đầy u tối và tủi nhục. Để duy trì cuộc sống, mỗi buổi sáng, bà Bưởi lọ mọ mua về ít khoai, bắp bên vựa, luộc chín bán quẩn quanh trong xóm cho lũ trẻ con. Năm Cam, dù mới chỉ 12-13 tuổi cũng biết cùng trang lứa đá cá lăn dưa qua khu chợ cá Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối để nhặt từng con cá, củ khoai về giúp mẹ. Đối với những cư dân làng Khánh Hội (quận 4) lúc bấy giờ, đó là lẽ tất nhiên, chẳng có gì là lạ. Sống tươm tất, đó mới là chuyện đáng lưu ý.

Mối quan hệ bà con duy nhất giữa gia đình Năm Cam và nhà cô Quýt dạy gã bài học đầy chua xót, thế giới quan khắc nghiệt định hình dần bản chất thù đời, hận người của Năm Cam.

Vào đời...

Trong xóm nghèo của gia đình Năm Cam có chàng ca sĩ Bảy Xi, không đẹp trai, chân bị khập khiểng, bù lại có giọng ca khá mượt đủ làm xiêu đổ trái tim các cô gái lối xóm. Bằng giọng ca trời phú, mỗi ngày Bảy Xi hát tân cổ thời thượng đi bán khắp các hóc hẻm Sài Gòn. Tất nhiên, muốn bán được một cách dễ dàng với số lượng nhiều, Bảy Xi phải ca thử, ca hết sức ai oán mùi mẫn. Tư Xẩm (chị gái Năm Cam) nghe Bảy Xi hát đâm ghiền rồi yêu tự lúc nào chẳng hay. Như bất kỳ một cuộc tình nào khác diễn ra ở một vùng đất nghèo khổ, Bảy Xi yêu và cưới Tư Xẩm gọn gàng bởi một mâm cơm với chỉ 1 khách mời duy nhất. Tư Xẩm chóng vánh làm vợ khi chớm bước qua tuổi 18, tình nghèo thuở ấy như vậy còn mong gì hơn.

Bảy Xi sống bên vợ ở căn nhà rách nát trong xóm nghèo một thời gian ngắn, trước khi đưa vợ về ở chung cùng cha mẹ mình. Rồi Bảy Xi tiếp tục kiếm tiền nuôi vợ bằng xấp bài ca tân cổ thời thượng và tiếng hát mùi mẫn của mình. Từ đây, Năm Cam theo chân anh rể và bắt đầu biết đến một Sài Gòn khác hẳn vùng Khánh Hội bên quận 4. Sài Gòn với những đường phố rộng thênh thang, nhà cửa nguy nga tráng lệ, người mua kẻ bán tấp nập với trò lừa lọc và lối cư xử tàn nhẫn là môi trường hình thành nên nhân cách, đủ sự ma mọi của ông trùm đầy xảo quyệt sau này.

Tư Xẩm buôn bán nồi niêu xoong chảo nhôm, chuẩn bị cho đứa con đầu lòng chào đời. Bảy Xi đưa vợ về hẻm 148 đường Tôn Đản thuê nhà ở. Hẻm này người ta gọi là hẻm Sáu Căn. Đúng với tên gọi của nó, hẻm 148  bấy giờ chỉ lèo tèo vài căn nhà nằm lọt thỏm giữa một bãi tha ma tiêu điều quạnh vắng. Lý do gia đình Năm Cam thuê nhà tại đây vì Bảy Xi được tay kỳ bẽo (tức là chỉ những kẻ chuyên chơi trò cờ bạc bịp, cò con) có tầm cỡ nhất nhì Sài Gòn nhưng nghèo rớt mồng tơi là Bảy Huê Kỳ rủ về.

Sau này, chính Bảy Huê Kỳ là thầy dạy chơi những ngón nghề cờ bạc bịp cho Năm Cam. Đã có thời gian, Năm Cam sử dụng những ngón nghề này vào sòng đỏ đen để kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình cả thảy có cả gần chục đứa con. Có “tay nghề” giỏi nhưng vẫn có thể chết đói nếu không biết liên kết bè đảng, Năm Cam nghiệm ra được như vậy ở tấm gương Bảy Huê Kỳ.

Bảy Xi tất bật đi bán bài nhạc tân cổ một cách lương thiện. Thọ (sau này có biệt danh là Thọ “Đại úy”) là con trai đầu của Bảy Xi và Tư Xẩm, ra đời trong căn nhà mái lá, vách phên tre năm 1957. Vài năm sau khi về ở hẻm Sáu Căn, Bảy Xi sinh tật có thêm vợ bé. Dù vậy, anh ta vẫn quan tâm đến Tư Xẩm và đứa con mới chập chững biết đi. Hai mẹ con Năm Cam ở căn nhà phía ngoài, còn Tư Xẩm ở trong sâu. Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt về việc vợ bé của Bảy Xi. Tư Xẩm dứt khoát bảo: “Hoặc thôi vợ bé, hoặc đi luôn!”. Bảy Xi bỏ đi. Tư Xẩm bồng đứa con trai về với mẹ trong căn nhà tồi tàn rách nát cách đó không xa.

Năm Cam theo bạn bè gia nhập đội ngũ bán xà bông bột quanh chợ Bến Thành cho mẹ bớt cực. Mỗi bịch xà bông bán được chỉ đem đến 10 xu lãi nhưng nếu mỗi ngày chịu khó đi cho đến cặp chân mõi rũ rượi, Năm Cam cũng có thể mang về nhà được hơn chục đồng bạc. Năm Cam có một người bạn thân mồ côi cha mẹ cũng làm nghề đi bán dạo xà bông tên Bé Tám. Bé Tám ở chung nhà với anh chị nhưng cũng được giành cho một không gian riêng biệt phía sau và thường rủ Năm Cam về ngủ qua đêm trên chiếc ghế bố hẹp bốc mùi nước tiểu ngai ngái.

Tuy là đứa trẻ con loắt choắt vì thiếu ăn và phải bươn chải nhưng Năm Cam thực sự “trưởng thành” theo cách nhìn của bọn giang hồ lưu manh từ năm 14 tuổi. Y theo chân các “ông anh trời ơi” ở khu Cống Lấp, đón xe buýt lên ngã ba Chú Ía để trở thành đàn ông. Tay Năm Cam cầm chặt tờ giấy bạc hai mươi đồng đứng thập thò sau lưng gã anh chị mặt mũi cô hồn, người xăm chằng chịt. Cô gái mặt bự phấn cười rũ rượi hỏi: “Nó à?”. Sau lần nếm mùi đàn bà đầu tiên trong đời, Năm Cam trở nên dạn dĩ, y sẵn sàng đi một mình khi thấy rủng rỉnh ít tiền trong túi. Tệ hại hơn, như những hạt cỏ dại khác mọc xô bồ ở mảnh đất phức tạp ở quận 4, y cũng tham gia hầu hết các trò đồi bại của bọn trẻ con quỉ quái. Y thường bơi dọc theo bờ kênh để rình rập những phụ nữ trong lúc tắm táp để thỏa mãn trí tưởng tượng hết sức phong phú về tình dục của tuổi mới lớn./.

>> Đón đọc chuỗi bài về Năm Cam tại đây: https://thuongtruong24h.vn/tag/nam-cam

Nguồn Pháp luật VN: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ky-1-hanh-trinh-tro-thanh-ong-trum-giang-ho-sai-gon-cua-nam-cam-d125821.html