Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hãy tỉnh táo chuẩn bị sẵn 3 thứ này để không gục ngã trước mọi biến cố: Muốn tránh mất tiền oan, người khôn ngoan sẽ đi trước nhiều bước!

29/04/2019 22:15

Hầu hết mọi người đều không làm những việc này cho tới khi biến cố xảy ra.

Chanel Reynolds nhận được một cuộc gọi không mong muốn.

Chồng cô - anh Joe - đã gặp tai nạn kinh hoàng và giờ đang ở trong phòng hồi sức tích cực. Sau 1 tuần sống trong cảnh thực vật, anh được rút máy thở và qua đời. Khi ấy, Reynolds mới nhận ra họ có di chúc, nhưng chưa ký hay công chứng. Bà không rõ về các điều khoản, cũng như không biết số điện thoại công ty bảo hiểm.

Vốn là một quản lý dự án với phong cách làm việc quy củ, Reynolds giờ đây cảm thấy “bẽ mặt vì quá bối rối và bất lực.” Hàng loạt email được gửi đến nhưng bà chỉ biết nhìn chằm chằm vào chúng.

Sau biến cố bất ngờ này, Reynolds đã tạo ra trang web GYST.com vào năm 2013 để chia sẻ những bài học của mình. “Chỉ cần chúng ta làm những việc này, cuộc sống sẽ dễ thở hơn khi bất trắc xảy ra,” bà nói.

Theo Reynolds, có 3 thứ bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày đen tối” nhất đời mình, đó là di chúc, kế hoạch dự phòng  quỹ tiền khẩn cấp.

Đề phòng bất trắc

Mọi người thường hào hứng và dễ dàng chuẩn bị cho một sự kiện vui vẻ nào đó: đám cưới, sinh con, mua nhà, thừa kế...

Tuy nhiên, những biến cố bất ngờ như mắc bệnh hiểm nghèo, tàn tật và thảm họa đột ngột lại chẳng khác nào cái tát vào mặt ta.

Khi mọi thứ rối bời, bạn thường không biết phải làm gì. Mỗi người trung bình sẽ có vài tài khoản ngân hàng và các loại bảo hiểm khác nhau. Thế nhưng, không phải ai cũng nhớ ra chúng trong giờ phút nguy cấp.

Để chuẩn bị cho những điều bất trắc, bạn cần có di chúc, quỹ khẩn cấp và một cuốn sổ nhỏ khi lại tình hình tài chính của vợ chồng bạn.

Hãy viết mật khẩu và các thông tin liên quan tới tài khoản của bạn, cũng như các số điện thoại khẩn cấp. Đừng cảm thấy tồi tệ nếu bạn chưa làm những việc này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi chuyện có thể xấu đi bất cứ lúc nào. Điều tốt nhất bạn có thể làm là bắt đầu từ bây giờ. Hãy tạo một quỹ khẩn cấp cho mình. Nếu chưa có di chúc, bạn cũng nên lập từ hôm nay.Chanel Reynolds

Chanel Reynolds khuyên mọi người nên có kế hoạch đề phòng mọi trường hợp bất trắc.

Chuẩn bị cho mọi thứ tồi tệ sẽ xảy ra

Giống như nhiều người khác trong độ tuổi 30, cả Liz Gendreau - một quản lý phần mềm IT - và chồng cô đều không có di chúc. Họ nghĩ rằng mình còn quá nhiều thời gian để làm.

Tuy nhiên, 7 năm trước, ca phẫu thuật của chồng Gendreau - anh Todd Gwiazdowski - xảy ra biến chứng, khiến anh phải nằm viện trong một thời gian dài. Khi ấy, Gwiazdowski phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp, vì anh mất việc và không thể kiếm được một công việc khác. Gánh nặng chi phí dồn cả vào Gendreau bởi cô còn phải lo cho con trai hai người.

Chi phí này còn lớn hơn nhiều so với chi phí y tế.

“Cuộc sống có cả tấn các chi phí mà chưa ai từng nghĩ tới,” Gendreau cho biết. “Thức ăn chuyên dụng, tay vịn cầu thang trong nhà, quần áo đặc biệt.” Một số không được bảo hiểm y tế chi trả. May thay, anh Gwiazdowski đã hồi phục.

Cho tới khi anh ở trong bệnh viện đủ lâu để được giảm viện phí, Gendreau phải trả cả tiền đỗ xe. “Bạn không có thời gian nấu nướng,” cô cho biết. Vì thế, cô cũng phải bỏ tiền ra ăn ngoài. Bên cạnh đó, còn nhiều loại chi phí khác ập đến cùng một lúc. Trong khi thu nhập giảm thì chi phí lại gia tăng chóng mặt.

Đây là lúc mà quỹ tiền khẩn cấp nên được sử dụng. Chiến lược của Gendreau là phân bổ lại chi tiêu của mình. “Vì luôn dành dụm một khoản cho việc học đại học của con cái cũng như việc nghỉ hưu của bản thân, chỉ cần ngừng tiết kiệm là tôi có thêm tiền,” cô nói.

Liz Gendreau và Todd Gwiazdowski phát hiện ra còn có nhiều thứ nguy cấp phải lo hơn là mất việc.

Tự đặt câu hỏi “nếu… thì sao?”

Gendreau gợi ý rằng bạn nên mường tượng mình sẽ ứng phó ra sao trong các tình huống khẩn cấp khác nhau.

Thử xem nếu phải chuyển nhà sau vụ cháy hoặc lũ lụt, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ lấy tiền ở đâu ra? Sẽ ra sao nếu bạn tiêu sạch tiền của 3 tháng? Nếu có con, bạn sẽ muốn lên kế hoạch dự phòng trong trường hợp không ai trong số vợ chồng bạn có thể chăm sóc con. Bạn sẽ nhờ gia đình hay bạn bè? Họ có ở gần không?

Theo Reynolds, hãy dùng trò “nếu...thì sao?” để xác định đâu là điểm mà gia đình bạn cần phải đề phòng nhất. Đối với Reynolds, việc không có quỹ khẩn cấp thực sự rất tồi tệ. Chồng bà không có bảo hiểm tàn tật, mà ông lại mất khả năng phục hồi. Mất lương, cộng với quá trình chăm sóc người bệnh lâu dài có thể khiến cho một gia đình phá sản.

“Hãy nghĩ đến những điều bất trắc có thể xảy ra,” Reynolds nói. “Hãy nghĩ đến những điều quan trọng nhất. Tôi sẽ ngủ ngon hơn nếu biết mình đã lo xong những thứ cơ bản nhất.”

Kiểm tra thường xuyên

Kế hoạch dự phòng không phải là thứ bạn chỉ làm một lần rồi xong. Bạn phải thường xuyên xem lại và điều chỉnh nó. Năm nào Reynolds cũng kiểm tra kế hoạch vào sinh nhật mình, bởi đây là cách dễ nhất để ghi nhớ điều quan trọng. Khi đó, bà sẽ xem lại bảo hiểm và các giấy tờ khác.

Khi biến cố xảy ra, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. Reynolds chia sẻ: “Nó đi ngược mọi thứ mà bạn cần làm. Đây chính là hiệu ứng domino.”

Những khó khăn ập tới liên tiếp khiến mọi người bị choáng ngợp, bởi họ thường không có kế hoạch cụ thể trong trường hợp khẩn cấp. “Việc hy vọng những điều tốt nhất là nên, nhưng đó không phải là kế hoạch”, Reynolds khẳng định.

theo CNBC