Hé lộ nguyên nhân môi giới tay ngang găm hàng, thổi giá

29/06/2021 11:16

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), đã nêu tình trạng môi giới hành nghề kém chất lượng, có hành vi găm hàng, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng đoạn thị trường bất động sản thời gian qua.

he-lo-nguyen-nhan-moi-gioi-tay-ngang-gam-hang-thoi-gia-1624957683-1624940150.jpg
Lực lượng môi giới có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm nghề.

Tuân thủ pháp luật chỉ chiếm 10%

Ông Đính cho biết, lực lượng hành nghề môi giới bất động sản hiện có khoảng 300.000 người tham gia, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn trong số đó đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật.

Trong số 300.000 môi giới đó, không ít hành nghề tay ngang, chớp nhoáng, chộp giật.

Theo ông Đính, nếu so sánh với thế giới, môi giới bất động sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và đạt trình độ kém.

“Môi giới tay ngang còn lại có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng đoạn thị trường, làm thị trường suy yếu đổ vỡ”, ông Đính cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng dự án ma, ảo, bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt. Điều này gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đính xuất phát từ 3 yếu tố.

Thứ nhất, về môi giới bất động sản, luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, khi hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng không cần phải qua đào tạo.

Đây là nguyên nhân bất cập rất lớn, khiến cho lực lượng môi giới có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm nghề.

“Đặc biệt, ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và thị trường của môi giới bất động sản là rất thấp. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu”, ông Đính nhấn mạnh.

Lãnh đạo VaRS cho hay, ở một số địa phương không quan tâm thực hiện chức năng này. Một số địa phương khác có tổ chức cũng chỉ là cho có. Dẫn đến hiện nay, chỉ ước đạt 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, kể cả môi giới có chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật thì trình độ và năng lực cũng chỉ đạt để tổ chức thực hiện bán hàng (sale).

Nhân viên môi giới bất động sản Việt Nam đạt trình độ theo chuẩn quốc tế ước khoảng 10%. Nhóm đối tượng này cơ bản được đào tạo qua các khóa học cơ bản, nâng cao hoặc được đào tạo từ nước ngoài.

Một số vấn đề nữa của môi giới bất động sản Việt Nam là hoạt động ở đâu, kinh doanh cái gì đều không bao giờ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước.

Hệ thống pháp luật còn buông lỏng nên khó xử lý. Do vậy, rất dễ tạo điều kiện để những người này lừa dối, thậm chí lừa đảo khách hàng.

Thứ hai, về sàn giao dịch bất động sản, theo ông Đính, quy định pháp luật không bắt buộc các dự án bất động sản phải niêm yết công khai, phải giao dịch qua sàn giao dịch.

Do đó, việc thực thi thẩm tra đối với pháp lý, chất lượng của bất động sản nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng bị xem nhẹ và đùn đẩy trách nhiệm.

Rất nhiều trường hợp chủ đầu tư tự ý hoặc tự lập sàn để trực tiếp bán hàng không đúng quy định của pháp luật, thậm chí tạo các dự án ma như trường hợp Alibaba.

Mặt khác, rất nhiều sàn giao dịch bất động sản khi hoạt động đã không tuân thủ quy định phải đăng ký, phải báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan quản lý thị trường bất động sản địa phương.

Nhiều sàn giao dịch đã trở thành đối tượng chính tạo ra sốt đất, lũng đoạn thị trường bất động sản ở nhiều nơi, gây hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của thị trường nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.

Cũng như môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản thực sự chuyên nghiệp hiệu quả ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10%.

Thứ ba, về hành vi thị trường, khách hàng, người tiêu dùng chưa thật sự coi trọng môi giới bất động sản mà chỉ coi họ là người có thông tin, giới thiệu và chỉ trỏ.

Rất ít khách hàng có khái niệm môi giới bất động sản là người được giao làm đại diện ủy thác của họ để thực hiện tác nghiệp tìm kiếm sản phẩm bất động sản phù hợp, đánh giá, định giá pháp lý, chất lượng, giá trị thương thảo và hoàn tất mọi thủ tục giao dịch đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho mình.

Người bán nhà, chủ đầu tư dự án bất động sản thì coi môi giới bất động sản là đối tượng được thuê đi bán hàng, chứ không phải là người đại diện cho mình.

Chủ đầu tư không coi họ là người có trách nhiệm thực hiện hoàn tất hồ sơ bàn hàng, định vị sản phẩm, đánh giá phù hợp thị trường kết hợp hiệu quả, truyền thông, quảng cáo bán hàng, tư vấn các giải pháp dịch vụ trước, trong, sau bán hàng cho khách hàng nhằm giữ gìn uy tín và nâng cao hình ảnh cho bên bán.

Theo ông Đính, từ quan điểm môi giới chỉ là bên bán thuê, cần việc, nên họ thường chèn ép môi giới, bắt môi giới phải ký cược tiền chiếm dụng vốn, đôi khi lên đến cả trăm tỉ mới cho bán hàng, thậm chí còn ép môi giới phải tiếp tay làm trái quy định pháp luật.

“Vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực vừa nêu, nên cộng đồng, xã hội coi môi giới bất động sản chỉ là cò mồi và không được trân trọng”, ông Đính cho biết.

Cách nào để chuyên nghiệp?

Trước sự vận động không ngừng của xã hội, kinh tế và công nghệ, môi giới bất động sản cần phải tạo ra giá trị cao hơn, vai trò phải thực sự quan trọng đối với nền kinh tế, với thị trường bất động sản và với xã hội.

Để làm được điều đó, lãnh đạo VaRS cho rằng, trước hết cần điều chỉnh luật kinh doanh bất động sản theo hướng mọi giao dịch bất động sản đều phải qua sàn giao dịch.

Sàn giao dịch phải là cơ sở thẩm định, thẩm tra về bất động sản, phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước quyền lợi của khách hàng và pháp luật.

Môi giới bất động sản trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, buộc phải đào tạo để có đủ kiến thức và hiểu rõ về vai trò của môi giới bất động sản.

Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, sẽ được cấp mã số công nghệ. Quản lý môi giới và hoạt động của môi giới sẽ được ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch bất động sản phải là tổ chức hoạt động có điều kiện, đủ năng lực tham gia thẩm tra, thẩm định bất động sản khi tham gia trị trường có tài chính để đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối tác và khách hàng khi để xảy ra sai sót.

Tiếp đó, môi giới bất động sản phải nâng cao hơn vai trò của họ đối với xã hội, thị trường và người tiêu dùng. Họ phải là chỗ dựa vững chắc cho khách hàng, bảo vệ lợi ích cho khách hàng và thậm chí cả chủ đầu tư bất động sản.

Cuối cùng, sàn giao dịch bất động sản phải thực sự trở thành nơi giao dịch bắt buộc và tập trung, là trung tâm thương mại chuyên biệt cho hàng hóa bất động sản.

Đến với sàn giao dịch bất động sản, khách hàng hoàn toàn tin tưởng vì sản phẩm đã được thẩm định, thẩm tra đủ điều kiện pháp lý, thông tin rõ ràng, minh bạch, giá cả phù hợp với thị trường.

Từ đó, khách hàng và cả chủ đầu tư bất động sản đều được bảo vệ quyền và lợi ích. Mọi thủ tục giao dịch, giao nhận, thanh toán và pháp lý, đều được hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ tại sàn.

 

Tâm An/Cafeland