Tòa lâu đài nguy nga tráng lệ gây sốt trên đỉnh núi Tam Đảo là công trình của Công ty Lạc Hồng do đại gia Lê Xuân Trường làm Chủ tịch HĐQT.
Dư luận đang xôn xao trước tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Theo tìm hiểu, đây là một phần trong dự án khu du lịch Tam Đảo của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, với tên gọi Khách sạn Lâu đài Tam Đảo với giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của Lạc Hồng, dự án được xây dựng ở đồi toàn quyền, trên nền cũ của Dinh Toàn quyền Pháp, có thể nhìn thấy từ cung đường phía dưới đi lên thị trấn Tam Đảo. Khách sạn Lâu đài Tam Đảo có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo-Gothic và Phục Hưng, được lấy cảm hứng từ lâu đài Peles (Rumania) và Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức), với những bức tường viền gỗ sẫm màu và mái nhọn lợp đá Ardoise. Hiện, Khách sạn Lâu đài đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác vào năm 2019.
Về phần Công ty Lạc Hồng, đơn vị này được thành lập ngày 15/9/2003, có địa chỉ tại số nhà 85 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội do ông Lê Xuân Trường làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trường nắm giữ 52,14% vốn điều lệ, còn ông Nguyễn Văn Nghĩa (nắm 10% vốn) và Nguyễn Duy Đôn (nắm 1,11%) là đồng Ủy viên HĐQT, các cổ đông khác nắm 36,75%.
Phối cảnh và thực trạng tòa lâu đài tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo. Ảnh: Lạc Hồng
Công ty có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng.
Ngoài tòa lâu đài, Lạc Hồng còn đang đầu tư khu tổ hợp dịch vụ cao cấp 200 phòng khách sạn hạng 4 sao có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng, khu ẩm thực có giá trị đầu tư 70 tỷ, nhà dịch vụ có giá trị đầu tư 33 tỷ đồng, khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, Dự án Belvedere Resort Tam Đảo 270 tỷ đồng...
Trước đó, công ty này cũng đã đầu tư nhiều công trình có tiếng ở Tam Đảo như khu công viên trung tâm thị trấn Tam Đảo, Rock Café Tam Đảo, Quán Gió… Không chỉ vậy, Lạc Hồng cũng tham gia vào hàng trăm dự án có quy mô lớn, chất lượng cao tại Hà Nội.
Các dự án khác có thể kể đến như dự án Cáp treo Tây Thiên, Belvedere Resort, Khu đô thị Chùa Hà Tiên, Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, Chung cư cao cấp No.01 – T1 Khu ngoại giao đoàn, Khu khoáng nóng Kim Bôi, Tòa nhà văn phòng Lạc Hồng, Tòa nhà văn phòng Vacvina….
Về tình hình kinh doanh của công ty, hiện trên website của doanh nghiệp mới chỉ ghi nhận Báo cáo tài chính sau kiểm toán đến năm 2015. Theo đó, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, tổng tài sản 1.979 tỷ, nợ phải trả là 1.867 tỷ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 11,491 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 2015 cũng ghi nhận Lạc Hồng còn nợ tiền bảo hiểm xã hội 1,6 tỷ đồng. Được biết, đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này tiếp tục bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội nhắc nhở một lần nữa vì nợ tiền BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động 2,74 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ chỉ 81 tỷ đồng song Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng lại sở hữu rất nhiều dự án "khủng" tại những vị trí đắc địa hiện là một dấu chấm hỏi đối với những người quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Lâm Anh
Theo VietQ