Hé mở về hệ sinh thái Sông Hồng Thủ Đô của doanh nhân Nguyễn Văn Niên

28/08/2021 09:13

Là tập đoàn tư nhân hàng đầu khu vực Phú Thọ - Vĩnh Phúc, song Sông Hồng Thủ Đô cùng doanh nhân Nguyễn Văn Niên nhìn chung còn là cái tên còn nhiều xa lạ với đa phần công chúng.

NDT - bac dam vac

Phối cảnh dự án Khu đô thị Bắc Đầm Vạc của Sông Hồng Thủ Đô. Ảnh: SHTĐ

CTCP Sông Hồng Hoàng Gia (trụ sở chính số nhà 189, đường Lam Sơn, phường Tích Sơn, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vừa công bố kết quả đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện vào ngày 18/6/2021.

Theo đó, trong 1.179,4 tỷ đồng chào bán, Sông Hồng Hoàng Gia phát hành thành công 488 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 41% cho 1 tổ chức tín dụng. Tổ chức thu xếp là CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Lô trái phiếu có lãi suất 10,15%/ năm, kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày 27/10/2020.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là toàn bộ lợi ích tại dự án khu đô thị Bắc Đầm Vạc tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (không bao gồm khu cao tầng) theo Quyết định chấp thuận đầu tư số 3318/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 cùng 100 triệu cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia. 

Công ty cho biết, số tiền thu được từ lô trái phiếu kể trên được dùng để đầu tư và phát triển dự án Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc.

Sông Hồng Hoàng Gia là công ty con thuộc Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô của ông Nguyễn Văn Niên.

Hệ sinh thái kín tiếng của doanh nhân Nguyễn Văn Niên

Ông Nguyễn Văn Niên sinh năm 1957, quê quán tại Từ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ. Vị doanh nhân tuổi Đinh Dậu bén duyên với nghiệp kinh doanh ở nơi đất khách quê người. Trong giai đoạn 1993 – 1996, ông là 1 trong 2 người thành lập và đồng thời là Tổng giám đốc Tổng Công ty Bến Thành – Matxcova; từ năm 1996 – 2004, ông thành lập và là Chủ tịch trung tâm thương mại Sông Hồng – Matxcova.

Việc thành lập CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô trong năm 2004 đánh dấu chuyến hồi hương của vị doanh nhân họ Nguyễn. Hiện tại, ngoài công việc điều hành tại Sông Hồng Thủ Đô, ông cũng đang là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh Vĩnh Phúc.

Sông Hồng Thủ Đô là một doanh nghiệp gia đình khi quyền chi phối nằm trong tay ông Nguyễn Văn Nên và các thành viên. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, ông Niên cùng vợ là bà Trần Diệu Hà (SN 1960) nắm giữ tới 160,7 triệu cổ phần, tương đương 99,81% vốn của Sông Hồng Thủ Đô. Phần 0,19% vốn còn lại do người con trai Nguyễn Trần Nam (SN 1995) đứng tên.

3 cổ đông kể trên cũng đồng thời là các thành viên HĐQT Sông Hồng Thủ Đô, trong đó ông Nguyễn Văn Niên là Chủ tịch HĐQT, bà Trần Diệu Hà là Phó Chủ tịch HĐQT.

Thành viên HĐQT trẻ nhất – Nguyễn Trần Nam mới đảm nhiệm vị trí này từ tháng 11/2020. Trước đó, trong giai đoạn 2017-2020, ông từng là trợ lý Chủ tịch HĐQT Sông Hồng Thủ Đô. Ngoài ra, trong năm 2017, ông Nam cùng Phó Tổng giám đốc Phạm Trường Minh góp vốn sáng lập tại một loạt doanh nghiệp với tỷ lệ 51:49 như: Công ty TNHH Dược Sông Hồng; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn; ngoài ra vào năm 2018, ông Nam, ông Minh và bà Trần Diệu Hà góp vốn sáng lập CTCP Tư vấn và Khảo sát Vĩnh Phúc với tỷ lệ 60:20:20...

Trở lại với Sông Hồng Thủ Đô, công ty này cho biết hiện đang hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: Thi công xây lắp, bất động sản, và kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn.

Trong lĩnh vực thi công xây lắp, Sông Hồng Thủ Đô là đơn vị thi công loạt công trình như: Gói thầu số 3 thi công xây dựng công trình thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 324B (đoạn từ Km0-Km3 và đường nối từ đường tỉnh 324B với quốc lộ 2D), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; đường nối từ Tây Thiên đến khu du lịch Bến Tắm tại tỉnh Vĩnh Phúc; thi công gói thầu xây lắp đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành Km0+000 đến Km0+550,95 thuộc dự án đường song song đường sắt đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường Kim Ngọc, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tuyến phía Bắc); dự án Đường từ nút giao thông nhà thi đấu TP. Vĩnh Yên vào KĐT mới Nam Vĩnh Yên, Khu công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc...

Bên cạnh đó, Sông Hồng Thủ Đô cho biết tới gian tới dự kiến triển khai một số công trình theo hình thức BT và BOT như: Dự án đường cầu Đồng Quang đến Quốc lộ 32 theo hình thức BOT – vườn quốc gia Xuân Sơn (giá trị dự kiến 1.200 tỷ đồng), Công trình phố đi bộ phường Tiên Cát – TP. Việt Trì theo hình thức BT (giá trị dự kiến 2.100 tỷ đồng). Đây là 2 dự án có giá trị lớn và trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.

Ở lĩnh vực địa ốc, công ty này đang liên kết với một tập đoàn bất động sản thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II (thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ. Trong đó, Sông Hồng Thủ Đô sở hữu 20% vốn của doanh nghiệp dự án. Hiện, dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và thi công.

Danh mục các dự án của Sông Hồng Thủ Đô còn bao gồm: Khu đô thị sinh thái Sông Hồng – Nam Đầm Vạc (tỉnh Vĩnh Phúc) với quy mô diện tích 39,5ha, tổng mức đầu tư 529 tỷ đồng; khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (tỉnh Vĩnh Phúc) quy mô hơn 54ha, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; Dự án khu dân cư nông thôn mới (tỉnh Phú Thọ) tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.

Sông Hồng Thủ Đô cho biết trong thời gian tới sẽ thực hiện một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cụ thể: Dự án Khu dân cư nông thôn xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa (giá trị dự kiến 294 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư nông thôn xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa (giá trị dự kiến 1.200 tỷ đồng)…

Tập đoàn của ông Nguyễn Văn Niên từng là chủ đầu tư khu dịch vụ du lịch hồ Gia Sàng tại phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên. Tuy vậy, dự án này đã bị thu hồi vào năm 2015 do chưa được tiến hành đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư (hoàn thành đưa vào sử dụng quý III/2013). 

Đối với lĩnh vực nhà hàng khách sạn và resort, công ty đang khai thác và vận hành khu khách sạn Sông Hồng Resort với quy mô 10ha tại hồ Bắc Đầm Vạc.

Ngoài ra, một đơn vị liên hệ đến Sông Hồng Thủ Đô là Công ty TNHH MTV Sông Hồng Thủ Đô hiện là chủ đầu tư dự án xây dựng trụ sở công ty và showroom ô tô với quy mô diện tích 1.985m2 tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Sông Hồng Thủ Đô được thành lập vào năm 2015, chủ sở hữu là ông Tạ Đức Cường (SN 1980) – Phó Tổng giám đốc Sông Hồng Thủ Đô.

Tại Phú Thọ, mối quan hệ khăng khít giữa Sông Hồng Thủ Đô và Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập là một chi tiết thú vị, khi 2 doanh nghiệp này cùng liên danh để trúng nhiều dự án, thậm chí có dự án còn "cạnh tranh" với nhau.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 8/2021, liên danh Sông Hồng Thủ Đô - Xây dựng Tự Lập trúng thầu dự án Khu đô thị mới Đông Nam, TP. Việt Trì có diện tích 63,53ha, vốn đầu tư 4.680 tỷ đồng; trước đó, 2 doanh nghiệp này vào tháng 4/2021 nằm trong liên danh cùng CTCP Phát triển đô thị Đất Việt trúng thầu dự án Khu đô thị mới Thanh Minh, thị xã Phú Thọ có diện tích 92,34ha, vốn đầu tư dự kiến gần 4.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sông Hồng Thủ Đô còn “đối đầu” với Tự Lập khi là 2 nhà đầu tư duy nhất đang cạnh tranh tại dự án khu nhà ở đô thị phía Nam thị trấn Hạ Hoà có diện tích 12,1ha, vốn đầu tư 780 tỷ đồng tại huyện Hạ Hoà (Phú Thọ).

Hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Văn Niên còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1969) – một lãnh đạo cấp cao của Sông Hồng Thủ Đô, tính đến tháng 10/2020 nắm 55,9% vốn (tương đương giá trị vốn góp 380 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Bình Minh Lai Châu.

Bình Minh Lai Châu hiện là chủ đầu tư dự án Thủy điện Mường Kim 3 tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; ngoài ra công ty còn thuộc liên danh cùng CTCP Mặt trời Sông Hàn, Công ty TNHH Mặt trời Tây Ninh, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam, CTCP Địa cầu là chủ đầu tư Nhà máy điện gió số 10 (tỉnh Sóc Trăng). Dự án này có quy mô 150MW, diện tích 3.800ha và được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020.

Bên cạnh đó, Bình Minh Lai Châu năm 2020 được UBND tỉnh Lai Châu bàn giao 112.789,1m2 đất để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nông thôn mới xã Mường Than; chỉnh trang đô thị tạo quỹ đất đấu giá, tái định cư và phát triển kinh tế xã hội khu 8, thị trấn Than Uyên.  

“Dùng tiền” lạ như Sông Hồng Thủ Đô

Kể từ khi thành lập vào năm 2004, Sông Hồng Thủ Đô đã tăng vốn điều lệ 7 lần, qua đó nâng vốn từ 15 tỷ đồng lên mức 1.610 tỷ đồng. Nguồn vốn góp từ các chủ sở hữu là cơ sở để Sông Hồng Thủ Đô tiếp tục tham vọng mở rộng sản xuất, hiện thực hóa các dự án.

Dù vậy, tại ngày hoàn tất việc tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.610 tỷ đồng (13/9/2019), Sông Hồng Thủ Đô ngay lập tức cho ông Nguyễn Văn Niên (Chủ tịch HĐQT), bà Trần Diệu Hà (Phó Chủ tịch HĐQT) vay 886,5 tỷ đồng. Lý giải về quyết định này, công ty cho biết, do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, công ty dùng nguồn tiền nhàn rỗi cho các cá nhân vay linh hoạt với lãi suất rất thấp, dưới 1 tháng là 1,2%/năm, trên 1 tháng là 1,65%/năm.

Tính đến hết năm 2020, dư nợ cho vay của Sông Hồng Thủ Đô với 2 cá nhân trên vẫn còn 365 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty cũng phát sinh mới khoản cho vay 8,5 tỷ đồng với ông Trần Đại Thắng.  

NDT - cac khoan vay cua Tap doan Song Hong

Việc sử dụng nguồn tiền hàng trăm tỷ đồng kể trên không khỏi mang tới nhiều băn khoăn về chất lượng nguồn vốn, tài sản của Sông Hồng Thủ Đô, đặc biệt trong bối cảnh công ty con – Sông Hồng Hoàng Gia, vừa phải phát hành lô trái phiếu trị giá 488 tỷ đồng với lãi suất hơn 10%, chưa kể phí phát hành.

Lưu ý rằng, các đợt tăng vốn mạnh kể trên đã giúp BCTC của Sông Hồng Thủ Đô “đẹp” hơn rất nhiều. Có thể thấy, các chỉ số hệ số nợ/tổng tài sản và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Sông Hồng Thủ Đô lần lượt là 0,28 lần và 0,38 lần – mức thấp nhất xét trong giai đoạn 2018 – 2020.

NDT - KQKD Song Hong Thu Do

Về tình hình KQKD, tính riêng năm 2020, doanh thu hợp nhất Sông Hồng Thủ Đô đạt 231,8 tỷ đồng, giảm 48,5% so với năm 2019. Hiệu quả kinh doanh đạt từ 3-4 tỷ đồng mỗi năm trong 3 năm qua, với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2020 chỉ là 0,2%.

Trong khi đó, các đơn vị thành viên và có liên hệ đến Sông Hồng Thủ Đô (BCTC riêng) cũng có kết quả kinh doanh không mấy nổi bật. Tính riêng năm 2019, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Sông Hồng lỗ 1,9 triệu đồng; Sông Hồng Hoàng Gia lỗ hơn 1 tỷ đồng; Sông Hồng – Bắc Thăng Long lỗ thuần hơn 3,2 triệu đồng; Công ty TNHH Mặt trời Tam Đảo lãi 882,3 triệu đồng; Bình Minh Lai Châu lỗ 823 triệu đồng...

Theo Hóa Khoa/Nhà đầu tư