Vụ tiếp quản ngân hàng tư nhân đầu tiên trong 20 năm trở lại đây sẽ khiến hệ thống ngân hàng của Trung Quốc trải qua nhiều thay đổi.
2 tháng sau khi Chính phủ Trung Quốc khiến các nhà đầu tư bị sốc với vụ tiếp quản 1 ngân hàng tư nhân lần đầu tiên trong 20 năm trở lại đây, niềm tin mà thị trường dành cho các ngân hàng nhỏ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Nhưng có lẽ đó lại là thứ mà hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang rất cần đến lúc này.
Khi tiếp quản ngân hàng Baoshang hôm 24/5 và khiến một số chủ nợ của ngân hàng này mất tiền, Chính phủ Trung Quốc đã gián tiếp gạt bỏ 1 quy định ngầm được duy trì bấy lâu nay: các ngân hàng sẽ luôn luôn được hậu thuẫn và không thể phá sản.
Động thái này dẫn đến kết quả là thị trường đang định giá lại rủi ro của toàn bộ hệ thống, ngoại trừ các ngân hàng lớn nhất – điều mà giới phân tích cho là tất yếu trong bối cảnh môi trường kinh doanh và đầu tư của Trung Quốc có rủi ro đạo đức khá cao. Vụ việc cũng nhấn mạnh thêm sự mong manh của các ngân hàng nhỏ và gieo những "làn gió ngược" vào nền kinh tế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống ngân hàng trị giá 40.000 tỷ USD của Trung Quốc được cho là sẽ bước vào một con đường bền vững hơn bởi giờ đây thị trường sẽ có sự phân biệt rõ ràng giữa các ngân hàng yếu và ngân hàng khỏe mạnh.
"Thực ra những tác động về dài hạn lại là rất tích cực", theo nhận định của Jasson Bedford – chuyên gia phân tích tại UBS và là một trong những người đầu tiên cảnh báo về rắc rối của Baoshang từ năm 2017.
Trước vụ Baoshang, ở Trung Quốc chi phí huy động vốn của các ngân hàng vừa và nhỏ ở mức tương đương với những ngân hàng lớn, ví dụ như ICBC – ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo tổng tài sản. Lý do khá đơn giản: khi khó khăn ập đến thì giới chức thường sẽ đảm bảo rằng kể cả những ngân hàng nhỏ nhất cũng sẽ hoàn thành nghĩa vụ đối với người gửi tiền cũng như các chủ nợ khác. Quy tắc ngầm này khiến tiền tiếp tục chảy vào các ngân hàng yếu kém dù đã có nhiều cảnh báo rằng chính điều này cũng sẽ gây nên tâm lý lạm dụng rủi ro và khiến nợ xấu tích tụ.
Nhưng sau vụ Baoshang thì quy tắc ngầm này không còn đúng nữa. Mặc dù thông tin cho thấy Baoshang vẫn thực hiện gần như đầy đủ các nghĩa vụ, rõ ràng không thể khẳng định chắc chắn chính phủ sẽ ra tay cứu giúp. Dù Chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ dành một sự hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng (trong đó có cả những ngân hàng nhỏ), cách tiếp cận giờ đã khác.
Vì thiếu vắng thông tin trong giai đoạn đầu, vụ tiếp quản này khiến một số nhà đầu tư có ấn tượng rằng thái độ của Chính phủ là khá cứng rắn. Thị trường cũng phải đoán già đoán non về khoản lỗ mà các chủ nợ của Baoshang phải chịu, do đó một số nhà đầu tư đã mạnh tay cắt giảm dòng tiền đầu tư vào các ngân hàng nhỏ khác.
Trên thị trường liên ngân hàng, một số ngân hàng khỏe mạnh bắt đầu từ chối và chỉ chấp nhận tài sản đảm bảo của những đối tác có mức độ tín nhiệm cao nhất. Khối lượng mua lại sụt giảm 43% trong 1 tuần, theo số liệu từ JPMorgan Chase.
Thị trường chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng cũng xuất hiện một số căng thẳng, với mức chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng được xếp hạng AAA và nhóm có mức xếp hạng thấp hơn tăng lên cao nhất kể từ năm 2015.
Các nhà quản lý đã cố gắng xoa dịu nỗi lo về kịch bản chính phủ đột ngột cắt giảm hỗ trợ, nhấn mạnh mối quan hệ giữa Baoshang với Tomorrow Group và khẳng định đây chỉ là vụ việc đơn lẻ. Họ cũng bơm tiền mặt vào thị trường tiền tệ để giảm chi phí đi vay. Chỉ trong ngày 29/5 NHTW Trung Quốc đã bơm ròng 250 tỷ nhân dân tệ (tương đương 36 tỷ USD).
Ngoài ra 1 ngân hàng cỡ trung cũng được hỗ trợ để bán trái phiếu hồi tháng 6, bằng cách yêu cầu 1 công ty bảo hiểm quốc doanh cung cấp bảo lãnh tín dụng cho vụ phát hành này.
Tuy nhiên có vẻ như thị trường vẫn chưa thể yên tâm. Hiện chênh lệch lợi suất giữa các chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng phát hành bởi các ngân hàng có mức xếp hạng tín dụng cao và nhóm bị xếp hạng thấp vẫn cao gấp 4 lần so với thời điểm trước khi Baoshang bị tiếp quản.
Theo Thu Hương
Trí thức trẻ/Bloomberg