Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó trở thành "SWIFT mới" cho Nga

03/03/2022 07:10

Các nhà phân tích cảnh báo, sự hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các đối tác Nga có thể đe dọa nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang có hàng loạt các mối quan tâm phải đối mặt.

Nga ngày càng bị cô lập

Theo nguồn tin từ Reuters và Bloomberg, các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc khó có khả năng cho phép các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu (SWIFT) sử dụng mạng thanh toán xuyên biên giới của mình để lách lệnh trừng phạt, vì Bắc Kinh khá thận trọng về việc kích động các hành động trừng phạt từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

sw-1646266120.jpeg
Trung Quốc khó có khả năng cho phép các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu (SWIFT) sử dụng mạng thanh toán xuyên biên giới của mình để lách lệnh trừng phạt (ảnh minh hoạ)

Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây cấm Nga tham gia hệ thống SWIFT, có nghĩa là các ngân hàng Nga không còn có thể sử dụng hệ thống này để thu xếp các khoản thanh toán với các tổ chức tài chính nước ngoài. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc có khả năng trở nên quan trọng hơn đối với việc giải quyết thương mại giữa Trung Quốc và Nga. Ngay lập tức, cổ phiếu của các công ty hàng đầu Trung Quốc liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán đã tăng vọt vào đầu tuần này.

Ông Igor Szpotakowski, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Hiệp hội Luật Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẽ cố gắng chính thức duy trì hiện trạng liên quan đến quan hệ thương mại của họ với Nga. Theo chúng tôi biết lúc này, CIPS sẽ là một giải pháp thay thế tạm thời cho SWIFT”.

CIPS dựa trên hệ thống SWIFT để giao dịch xuyên biên giới, nhưng nó có tiềm năng hoạt động độc lập và có đường dây liên lạc trực tiếp riêng giữa các tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, sẽ mất đáng kể thời gian và chi phí để các ngân hàng Nga chuyển sang một hệ thống thay thế như Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) hoặc CIPS của riêng họ, trong bối cảnh cả hai đều có ít tổ chức tài chính sử dụng hơn.

Mới đây, các quan chức Nga và Ukraine đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên tại Belarus. Áp lực từ các nước phương Tây có thể đẩy nhanh sự kết nối giữa các hệ thống thanh toán của Trung Quốc và Nga, nhưng mức độ sẵn sàng hỗ trợ tổng thể của Trung Quốc đối với Nga vẫn chưa rõ ràng.

Theo Bloomberg, hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc đang hạn chế tài trợ cho các mặt hàng của Nga, đặc biệt là bằng đô la Mỹ. “Trung Quốc đang cảnh giác với việc mắc kẹt với nhiều khoản nợ khó đòi của Nga. Đó là lý do để ngừng cung cấp tài chính cho thương mại hàng hóa của Nga. Một khi Nga tìm ra cách để đảm bảo rằng Trung Quốc được thanh toán, chẳng hạn như bằng cách vận chuyển vàng sang Trung Quốc để đảm bảo, tôi nghĩ rằng tài chính sẽ tiếp tục ”, Gary Clyde Hufbauer, thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.

Còn theo Zhao Xijun, giáo sư tài chính tại Đại học Renmin, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đánh giá rủi ro khi giao dịch với khách hàng Nga, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt đang diễn ra. Nhưng cũng có ý kiến nhận định, một số ngân hàng nhỏ của Trung Quốc, với mức độ tiếp xúc quốc tế hạn chế, có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro phá sản.

Vào năm 2012, sau khi Iran bị loại khỏi hệ thống SWIFT, các ngân hàng Iran đã có thể thực hiện và nhận thanh toán bằng cách sử dụng các tổ chức tài chính ở các nước thứ ba, mặc dù nó phải trả một khoản chi phí đáng kể.

Ảnh hưởng vĩ mô toàn cầu

Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua hydrocacbon, ngũ cốc và các mặt hàng khác của Nga. Nhập khẩu công nghệ cao từ Trung Quốc sẽ thay thế một số công nghệ cao trước đây đến từ phương Tây, trong khi lĩnh vực tài chính của Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

t-gia-1646266120.jpeg
Hiện đồng USD đang là xu hướng trú ẩn, vì mọi người sẽ bán bớt các tài sản rủi ro để giữ tiền mặt và ở vị thế của đồng USD sẽ cao hơn, gây ra áp lực đối với tỷ giá VND/USD (ảnh minh hoạ)

Song, vị Trưởng nhóm nghiên cứu tại Hiệp hội Luật Trung Quốc Igor Szpotakowski cũng khuyến cáo: “Sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và đối tác Nga có thể là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Việc mở rộng CIPS của Trung Quốc, ngay cả khi nó trở thành một giải pháp thực sự, chắc chắn sẽ không phải là một quá trình nhanh chóng. Thực tế là Trung Quốc còn nhiều thứ để mất hơn Nga. Sự sụt giảm đột ngột và lớn của đồng Rúp Nga có thể được coi là một bài học về những gì có thể xảy ra với đồng tiền quốc gia do các lệnh trừng phạt quốc tế, và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được điều đó”.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc được cho là sẽ giúp giữ cho nền kinh tế Nga tồn tại, nhưng thực tế, Bắc Kinh đang có hàng loạt các mối quan tâm kinh tế trong nước phải đối mặt. “Đừng quên, Trung Quốc đang có một cuộc khủng hoảng nợ khổng lồ… Họ không thể cứu trợ bất kỳ địa phương nào, ngay cả Evergrande, nơi chiếm khoảng 3% thị trường nhà ở, vậy họ sẽ lấy đâu ra tiền để cứu trợ Nga?” Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập về Trung Quốc đặt ra nghi vấn.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đánh giá, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng rất nhiều đến các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Trước đây, vấn đề về lạm phát hay tăng trưởng, chúng ta vẫn kỳ vọng rằng lạm phát có thể giảm, tăng trưởng có thể dương... Nhưng khi nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới hoàn toàn bị cô lập, thì trong tháng 3 này có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét, như vĩ mô toàn cầu, các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cả Việt Nam. Bởi vì trong ngày 28/2, Việt Nam đã có thêm một yếu tố cần xem xét đó là, lạm phát đã tăng trong 2 tháng đầu năm ở mức 1,45%. Từ đó để thấy rằng, bối cảnh thay đổi liên tục và chúng ta cần phải theo sát những điểm trọng yếu ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Một điều quan trọng nữa là vấn đề tỷ giá VND/USD trong năm 2022 sẽ không được bình ổn và có xu hướng tăng ngay từ nội tại, khi lãi suất của Mỹ tăng, mọi người có xu hướng chuyển dịch dòng tiền.

Trong đó, đồng USD đang là xu hướng trú ẩn, vì mọi người sẽ bán bớt các tài sản rủi ro để giữ tiền mặt và ở vị thế của đồng USD sẽ cao hơn, gây ra áp lực đối với tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên về vấn đề này, cần phân tích kỹ hơn dựa vào các số liệu liên quan tới xuất nhập khẩu, cán cân thương mại và yếu tố đầu tư nước ngoài”, vị CEO cho biết.

Theo Diễm Ngọc/Diễn đàn doanh nghiệp