Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Hiểm họa từ những “Room VIP” chứng khoán

13/08/2021 18:57

Khi tham gia bất kỳ room tư vấn nào, nhà đầu tư (NĐT) cần hết sức lưu ý các room chứng khoán hầu hết đều hoạt động với cơ chế “lời ăn lỗ chịu”, chỉ khuyến nghị chứ không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của NĐT.

Hiểm họa từ room tư vấn “đen”

Gần đây, các diễn đàn về chứng khoán lan truyền loạt bài tố cáo một môi giới của công ty chứng khoán top thị phần vì lý do "chăn dắt F0, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng". Theo lời tố cáo, môi giới này mở lớp dạy online thu học phí 8 triệu đồng/6 buổi/người, với số lượng hơn 200 học viên mỗi khoá, số tiền học phí thu về lên đến hàng tỷ đồng, nhưng gần như kiến thức toàn nói suông. Nhiều học viên phản ứng với cách dạy thì nhận được cam kết học xong chỉ cần vào “Room VIP” nghe hô lệnh, đánh rất nhàn. Bên cạnh đó là lôi kéo vào Room VIP với NAV (giá trị tài sản) nhỏ nhất là 100 triệu đồng mới được tham gia. Nhưng khi thua lỗ, NĐT sẽ bị cho ra khỏi nhóm, môi giới phủi bỏ trách nhiệm với khách hàng.

Thực hư câu chuyện trên tuy vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng xét thấy đây vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng các room tư vấn chứng khoán trên thị trường hiện nay.

Việc các nhóm môi giới mở các chat room tư vấn để NĐT tham gia không phải là mới. Nhiều room tư vấn chứng khoán miễn phí được lập ra là nơi trao đổi thông tin, cập nhật tình hình thị trường của NĐT. Nhóm miễn phí được lập ra với mục tiêu gom được càng nhiều người tham gia lấy tương tác càng tốt, sau quá trình sàng lọc sẽ tìm được những tay chơi VIP và chuyển qua những nhóm chat NĐT phải bỏ tiền triệu mỗi tháng, cả năm 10-15 triệu để được tham gia với lời hứa hẹn về những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Cùng với "cơn sốt F0", thị trường sôi động với mỗi phiên giao dịch lên đến tỷ đô, nhu cầu thông tin của NĐT rất lớn. Những room chứng khoán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng rầm rộ xuất hiện thu hút những NĐT cả cũ và mới đang sốt sắng tìm kiếm cơ hội kiếm lời.

moi-gioi-room-moi-gioi-1628855649.png

Hội thoại chủ yếu trong ngày thông thường là đội ngũ quản lý (admin) đưa ra diễn biến thị trường, và khuyến nghị danh mục mã cổ phiếu mua bán ở vùng giá hấp dẫn, hoặc phím kiểu theo “lái”, đánh theo “game”. Thỉnh thoảng, nhằm tạo sức hút admin hoặc thành viên nào đó sẽ khoe lãi tiền tỷ của mình cho các thành viên khác.

Nghe qua thì hấp dẫn nhưng không ít trường hợp NĐT nghe theo lời “phím hàng” và thua lỗ. Dù bỏ tiền để tham gia các Room VIP, NĐT vẫn có nguy cơ phải ngậm trái đắng.

Bởi vậy, NĐT cần phải hết sức lưu ý khi tham gia bất kỳ room tư vấn nào vì hầu hết đều hoạt động với cơ chế “lời ăn lỗ chịu”, chỉ khuyến nghị chứ không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của NĐT.

Bên cạnh đó, không ít room tư vấn được lập ra nhằm “lùa gà”, gom NĐT lại để hô hào đánh lên cổ phiếu rồi xả hàng khiến cổ phiếu giảm mạnh, NĐT không thoát kịp chỉ còn cách chịu lỗ. Nhiều room khuyến khích mua bán liên tục để tăng doanh thu cho môi giới mà không quan tâm đến lời lỗ của NĐT.

Cần kỹ lưỡng chọn room tư vấn

Không đánh đồng tất cả những room chứng khoán đều tiêu cực bởi có những room do những môi giới chuyên nghiệp, lành nghề lập ra để kết nối và mang lại lợi ích cho NĐT. Càng không thể đổ tội lên các room hay người thành lập bởi việc tham gia là tự nguyện của NĐT cá nhân, không ai bắt ép. Bởi vậy, khi tham gia các room chứng khoán, NĐT cần hết sức tỉnh táo và cân nhắc cẩn thận khi tiếp cận thông tin.

Chia sẻ với người viết về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Chi – Sáng lập Hệ thống tư vấn đầu tư Hello Stock chỉ ra các dấu hiệu room tư vấn kém chất lượng, hoặc có dấu hiệu lừa đảo: Room hầu như chỉ hô hào đánh 1-2 cổ phiếu, mục đích nhằm tạo cầu đẩy giá hoặc là nơi để xả hàng. Room tư vấn hô hào mua bán liên tục nhằm tạo vòng quay lớn để nhắm vào doanh thu phí giao dịch hoặc thị phần giao dịch.

room-moi-gioi-1-2-1628855649.png

Một dấu hiệu khác là kiểu hô hào nước lên thuyền lên, trong một thị trường sôi động các room chỉ chăm chăm tư vấn mua mà không có điểm thoát khỏi thị trường.

Theo ông Chi, khi tham gia các room chứng khoán, các NĐT dễ dàng sa vào cảm xúc đám đông, rơi vào bẫy của một ai đó có ý đồ của riêng họ, ban đầu được “ăn” rồi khi âm thầm bị đánh úp cũng không biết.

Mặt khác, NĐT tham gia nhiều room dễ dẫn đến “loạn chưởng” – đúng đúng sai sai, các room hoàn toàn nói ngược nhau có nơi nhận định thị trương lên có nơi nhận định thị trường xuống, làm bấn loạn tâm lý NĐT, đây là việc có hại hơn nhiều có lợi, hậu quả mất tiền và mất niềm tin. Vậy nên NĐT cần sàng lọc chọn lựa room chất lượng và nhất quán theo đuổi.

Vậy làm sao để nhận được thông tin hữu ích từ các room tư vấn? Ông Chi cho rằng đặc điểm các thông tin hữu ích luôn được trình bày rõ ràng đầy đủ, phân tích kỹ lưỡng. Điều đó thể hiện mỗi tư vấn được đưa ra là có quy trình và quá trình.

Một yếu tố khác cần chú ý là nguồn thông tin, đây là yếu tố quan trọng, nếu nguồn thông tin cung cấp từ những nơi có uy tín/chất lượng, thì trong các room đội ngũ quản lý là yếu tố then chốt, vì họ chính là bộ lọc và xử lý thông tin minh bạch thay cho các NĐT.

Trong trường hợp tham gia room thu phí, NĐT không phải quá coi nặng việc phí bao nhiêu mà điều cần quan tâm là chất lượng của room. Chất lượng sẽ thể hiện qua các khía cạnh như sau: Công bố được danh mục và tỷ suất sinh lợi trong quá trình đầu tư, ít nhất là 6 tháng. Một khuyến nghị luôn có phân tích luận điểm đầu tư rõ ràng, phân tích doanh nghiệp và phân tích kỹ thuật có điểm mua bán, thông tin chỉ là phụ trợ.

Cũng theo ông Chi, độ chuyên nghiệp thể hiện ở việc room đó có công cụ hỗ trợ bài bản, các gói dữ liệu cần đầu tư số tiền lớn, đặc biệt là những room thường xuyên có cảnh báo, đưa ra các giải pháp quản trị rủi ro, thận trọng trong đầu tư.

Theo Chí Kiên/Vietstock
Bạn đang đọc bài viết "Hiểm họa từ những “Room VIP” chứng khoán" tại chuyên mục Tài chính.