Joseph Chamberlain Wilson (1909-1971) là một doanh nhân người Mỹ với tầm nhìn chiến lược, óc sáng tạo tuyệt vời và một sự kiên trì hiếm có để theo đuổi những công nghệ đi trước thời dại, Wilson có công lớn trong việc tái cấu trúc công ty Haloid thành Xerox và làm tên tuổi của công ty “gắn liền với ngành công nghiệp in ấn”.
Sinh năm 1909 tại Rochester, New York, ông từng theo học tại trường đại học Rochester và sau này là trường Harvard danh tiếng với chuyên ngành kinh tế học. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm cho công ty Haloid của gia đình, chuyên về sản xuất giấy in. Sau cuộc đại khủng hoảng 1929-1933, tuy công ty vẫn tồn tại và làm ăn có lãi, nhưng thị phần của công ty có xu hướng giảm dần. Thực tế đó đòi hỏi Wilson phải tìm tòi một công nghệ mới để đầu tư nhằm khôi phục và phát triển thị phần, và ông nhanh chóng bị thu hút bởi công nghệ xerography (hay còn được biết tới với tên gọi kỹ thuật in chụp khô), công nghệ cho phép in hình ảnh và văn bản trên giấy phẳng (không nhất thiết phải dùng giấy than, vừa lâu vừa tốn kém lại không thật sự thẩm mỹ). Wilson quyết định đặt cược vận mệnh của công ty vào công nghệ này bằng việc ký hợp đồng độc quyền với Carlson, bao gồm cả tác quyền với các máy móc áp dụng công nghệ Xero.
Công nghệ in roneo và công nghệ sao chụp đã tồn tại từ lâu nhưng chúng khá tốn kém và tốn thời gian hoàn thiện dù chỉ 1 bản in. Tuy nhiên kể từ khi máy in Haloid Mẫu A, mẫu máy in thương mại đầu tiên áp dụng công nghệ in chụp khô ra mắt thị trường, vấn đề chi phí và thời gian đã cơ bản được giải quyết cho dù nếu so với các máy in hiện đại ngày nay, máy in Haloid mẫu A vẫn còn “khá chậm chạp và cho ra những tờ giấy in không hoàn hảo như mong đợi” nhưng ở thời điểm đó, nó thật sự là một cuộc cách mạng và là lựa chọn hoàn hảo cho các công ty, văn phòng những nơi luôn yêu cầu một máy in “nhanh tức thì với số lượng lớn”. Năm 1959, công nghệ này được nâng cấp một lần nữa nhằm tạo ra một kiểu máy in mới nhanh hơn, tiện lợi hơn và chi phí thấp hơn với tên gọi 914, tên gọi phỏng theo kích thước giấy in có thể sử dụng- từ 9 inches lên 14 inches, tức từ 22.86 cm lên 35.56 cm- hai năm sau, năm 1961, công ty quyết định đổi tên thành Xerox, theo tên công nghệ đã làm nên danh tiếng của công ty- công nghệ in khô xerography
Tập đoàn Xerox nhanh chóng phát triển thành một tập đoàn có trị giá hàng tỷ USD, với danh mục sản phẩm mở rộng ra các sản phẩm vi tính, tin học và xuất bản phẩm. Công ty còn cho thành lập trung tâm nghiên cứu Palo Alto (Palo Alto Research Centre- PARC) chuyên nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên phong trong ngành IT. Trung tâm này từng cho ra đời mô hình đầu tiên của máy PC, máy in Laser, con chuột vi tính và hệ thống mạng Ethernet (cơ sở mạng internet sau này). Và mặc dù Wilson đã qua đời từ năm 1971 nhưng những cống hiến, tầm nhìn của ông đã trở thành kim chỉ nam cho công ty cho đến tận ngày nay.
Ý Nhi