[Hồ sơ doanh nhân] Yano Tsuneta – Một đời vì ngành bảo hiểm nhân thọ

26/10/2018 14:57

Ông Yano Tsuneta (sinh năm 1865) - người sáng lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ tương hỗ Dai-ichi (Dai-ichi Life) tại Nhật Bản sinh ra trong một gia đình có hơn 350 năm làm nghề y. Ông kế tục truyền thống gia đình, tốt nghiệp ngành y khi mới 23 tuổi. Tuy nhiên, Yano không muốn kế thừa phòng khám của gia đình mà xin vào làm trong bệnh viện của thầy giáo mình. Tại đây, ông đã tiếp xúc với bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khi nghe lời khuyên của thầy xin vào làm bác sĩ bán thời gian cho Công ty BHNT Nippon, lúc đó mới vừa thành lập.

Tuy là một bác sĩ bán thời gian nhưng ở thời điểm đó, Yano cùng với nhân viên đi đến các địa phương để tư vấn bảo hiểm và tham gia khám chữa bệnh. Với tinh thần ham học hỏi, Yano say mê nghiên cứu về bảo hiểm, kế toán, thống kê, kinh tế.

Ông đã gặp “thuyết bảo hiểm” của nhà kinh tế học người Đức Adolf Wagner. Ông được tiếp cận hình thức bảo hiểm tương hỗ không vì mục tiêu lợi nhuận, chia lãi cho khách hàng của công ty. Tháng 11.1893, ông phát hành cuốn “Nguyện vọng xây dựng công ty BHNT với nguyên tắc không mưu lợi”, tổng hợp các thành quả nghiên cứu của mình.

Mùa hè năm 1893, Yano gặp Yasuda Zenjiro – Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm Kyosai. Sau 13 năm thành lập, việc kinh doanh của công ty này đang đi vào tình trạng bế tắc. Ông đưa ra đề xuất phát triển công ty dựa trên toán xác suất thống kê để tính toán mức phí phải đóng sao cho công bằng và hợp lý cho những người tham gia. Tuy nhiên, công việc kinh doanh sau đó đã gặp nhiều trở ngại vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Tháng 5.1895, ông được cử sang châu Âu nghiên cứu về kinh doanh bảo hiểm tương hỗ tại công ty BHNT của Đức.

Tháng 3.1897, Yano trở thành Tổng giám đốc điều hành Kyosai. Gần một năm sau, do một số bất đồng về phương thức kinh doanh với vài lãnh đạo, ông quyết định rời công ty. Yano đã trao đổi với người bạn thân là luật gia Okano Keijiro về những tâm huyết của mình trong lĩnh vực bảo hiểm. Khi đó, Okano đang xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm tại Bộ Nông nghiệp và Thương mại (NN-TM) và ông đã ngay lập tức mời Yano về Bộ NN-TM. Có thể nói, Yano là người đã có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Luật kinh doanh bảo hiểm ở thời kỳ đầu tiên này.

Tháng 5.1898, sau khi trở thành người đầu tiên nhậm chức Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Yano đã đi kiểm tra các công ty bảo hiểm các nơi trong cả nước, sắp xếp lại các công ty bảo hiểm làm ăn bất chính, lập lại trật tự trong ngành.

Khi đã ổn định tình hình và đào tạo xong người kế nhiệm, tháng 12.1901, ông rời Bộ NN-TM, tập trung cho việc thành lập Công ty bảo hiểm tương hỗ Dai-ichi Nhật Bản. Ông đã huy động sự đầu tư của rất nhiều nguồn bằng chính kế hoạch kinh doanh đầy thuyết phục của mình. Và vì là công ty tương hỗ đầu tiên của Nhật Bản nên tên công ty được đặt là Dai-ichi (Dai-ichi trong tiếng Nhật có nghĩa là “đầu tiên”, “thứ nhất”). Với tinh thần phải mang lại lợi ích bền vững cho khách hàng, cổ đông và những người kế nghiệp, ông xây dựng mục tiêu kinh doanh vững chắc, tiết kiệm chi phí tối đa để thực hiện đúng cam kết của mình.

Có thể nói, từ một bác sĩ bình thường, với sự say mê nghề nghiệp và tâm niệm “Khách hàng là trên hết”, ông Yano Tsuneta vượt qua rất nhiều thách thức trong thời kỳ sơ khai nhất của ngành BHNT, đã kiên trì với đường đi của mình để phát triển Dai-ichi Life nói riêng và ngành BHNT nói chung tại xứ mặt trời mọc. Trên con đường ấy, ông và các cộng sự đã song hành cùng những biến động lịch sử, sự khủng hoảng do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh; những thăng trầm của nền kinh tế... để xây nền móng vững vàng cho Dai-ichi Life Nhật Bản trở thành một trong những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như hiện nay.

Ý Nhi