Sinh nhật 10 tuổi Winmart

[Hồ sơ doanh nhân] Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg: Tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất trong lịch sử

19/10/2018 21:52

Thành công ngoài mong đợi của mạng xã hội Facebook đã giúp Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất trong lịch sử ở tuổi 23 tuổi. Hiện Facebook là một trong những công ty giá trị nhất tại Mỹ, với vốn hóa 488 tỷ USD

[Hồ sơ tỷ phú]: Mark Zuckerberg và sứ mệnh giúp ‘thế giới cởi mở và kết nối hơn’

Mark Zuckerberg sinh ngày 14/5/1984 tại thành phố White Plains, bang New York, Mỹ. Anh được sinh ra trong một gia đình khá giả, bố làm nha sĩ và mẹ là nhà tâm lý học. Mark được tiếp xúc máy tính lần đầu khi anh 6 tuổi và lập tức nhận thấy niềm đam mê của cuộc đời mình.

Cha anh là người đầu tiên dạy anh những kiến thức cơ bản về công nghệ, ông còn thuê kỹ sư phần mềm David Newman làm gia sư cho con trai. Sau một thời gian kèm cặp, Newman đã phải thốt lên với cha anh rằng Mark chính là một thần đồng thực sự.

Bắt đầu lập trình máy tính từ năm 12 tuổi, phần lớn kỹ năng và kiến thức là do Mark tự trau dồi. Anh đã sử dụng Atari BASIC để tạo ra một chương trình nhắn tin Zucknet cho phép các máy tính trong nhà và phòng nha khoa của cha kết nối với nhau.

Học phổ thông tại Học viện Phillips Exeter Academy - một trong những ngôi trường nội trú danh giá bậc nhất tại Mỹ, Mark đã xây dựng Synapse Media Player, một nền tảng âm nhạc có khả năng tổng hợp thói quen nghe nhạc của người dùng để gợi ý những bản nhạc mà họ ưa thích.

Phần mềm này lập tức thu hút nhiều người sử dụng và lọt vào mắt xanh của hai ông lớn AOL và Microsoft. Họ đã từng ngỏ ý muốn mua Synapse Media Player và thuê Mark cùng các bạn vào làm nhưng anh từ chối.

Năm 2002, Mark ghi danh vào Đại học Harvard danh tiếng. Tại đây, anh đã cho ra đời nhiều ý tưởng công nghệ tuyệt vời và được các bạn gọi là "thần đồng lập trình".

Năm thứ hai đại học, Mark viết chương trình CourseMatch cho phép người dùng chọn môn học dựa trên lựa chọn của sinh viên khác và giúp họ lập nhóm học tập.

Một thời gian ngắn sau đó anh tạo ra chương trình Facemash, trang mạng bầu chọn "hot girl" trong giới sinh viên Harvard dựa trên những tấm ảnh mà anh hack được từ dữ liệu của trường. Trang mạng này đã làm sập server của trường và bị đóng cửa một thời gian ngắn sau đó vì bị xem là vi phạm đời tư cá nhân của người khác.

Thành lập Facebook để giúp thế giới kết nối và cởi mở

Ngày 4/2/2004, Mark cho ra đời trang mạng TheFacebook.com với một vài người bạn ngay trong phòng ký túc xá. Trang mạng xã hội này cho phép người sử dụng tạo ra hồ sơ riêng, tải ảnh lên và giao tiếp với nhiều người khác. Mục tiêu của anh là "khiến thế giới cởi mở và kết nối hơn".

Chỉ trong một tháng, một nửa số sinh viên Harvard đã tham gia TheFacebook. Một thời gian ngắn sau đó, sinh viên ở các trường đại học khác như Yale, Columbia và Stanford đã bị hấp dẫn và "nghiện" trang mạng xã hội này.

Cùng những người bạn học của mình, Mark quyết định phát triển trang mạng xã hội theo hướng kinh doanh. Vài tháng sau đó, TheFacebook bắt đầu xuất hiện quảng cáo nhằm chi trả cho các chi phí liên quan đến máy chủ, cơ sở dữ liệu của người dùng.

Cũng trong năm 2004, Mark Zuckerberg bỏ học tại Harvard tới Thung lũng Silicon để tập trung phát triển trang mạng xã hội của mình và đổi tên nó thành Facebook.

Tại đây, anh nhận được khoản đầu tư lớn đầu tiên 500.000 USD từ Peter Thiel và Elon Musk, hai cựu điều hành của PayPal. Tháng 5/2005, Facebook gây quỹ đầu tư được 13,7 triệu USD.

Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Mark Zuckerberg là "Nhân vật của năm 2010".)

Năm 2010, Facebook vượt qua Google trở thành trang web được truy cập nhiều nhất ở Mỹ với 1 tỷ lượt truy cập mỗi tháng. Cũng trong năm này, Mark Zuckerberg lọt vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại thông tin và được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm.

Ngày 18/5/2012, Facebook lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng. Sự kiện IPO của mạng xã hội này đã nhận được 16 tỷ USD đầu tư và trở thành lần IPO lớn nhất trong lịch sử của các hãng công nghệ cho tới thời điểm đó.

Hầu hết số tiền của Mark được dùng để đầu tư vào các thương vụ lớn như mua lại Instagram (giá 1 tỷ USD), WhatsApp (giá 19 tỷ USD) và Oculus (giá 2 tỷ USD).

Quyên tặng 99% cổ phần Facebook để làm từ thiện

Mark Zuckerberg gặp vợ anh là Priscilla Chan lần đầu vào năm 2003, trong một bữa tiệc tại trường Havard và họ đã kết hôn 9 năm sau đó.

Họ đã thành lập quỹ Chan Zuckerberg Initiative mới mục tiêu cải thiện chất lượng sống của con người trên khắp thế giới, cam kết sẽ dành 3 tỷ USD trong 10 năm để nghiên cứu và phát triển các giải pháp chữa bệnh.

Sau khi sinh con gái đầu lòng, Zuckerberg và Chan tuyên bố họ sẽ hiến tặng 99% cổ phần Facebook cho hoạt động từ thiện trong phần còn lại của cuộc đời, hướng tới các hoạt động thúc đẩy bình đẳng và chữa bệnh.

Mark từng góp 992 triệu USD vào Quỹ Cộng đồng Silicon Valley và 75 triệu USD cho Bệnh viện San Francisco General vào năm 2013 và 2014.

Anh cũng có tên trong quỹ "The Giving Pledge" với cam kết đóng góp ít nhất một nửa số tài sản cho hoạt động từ thiện.

Khủng hoảng Cambridge Analytica, vụ bê bối lớn nhất của Zuckerberg

Scandal bùng phát vào giữa tháng 3, khi New York Times và truyền thông Anh đưa tin Cambridge Analytica cố tác động lên cử tri Mỹ bằng việc dùng thông tin lấy được của 50 triệu người dùng Facebook. Facebook thì cho biết số dữ liệu này đã được thu thập từ vài năm trước, một cách hợp pháp, bởi giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan.

Sự việc đã khiến Facebook chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang đối mặt với sự dò xét và ngờ vực từ các nhà làm luật cũng như công chúng thế giới. Chính trị gia tại cả Mỹ, Anh và EU đều đang kêu gọi Facebook cùng CEO Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi liên quan đến Cambridge Analytica. Các chuyên gia nhận định, công ty này sẽ chẳng thể làm được gì nếu như bản thân Facebook không "bật đèn xanh" hoặc không thực sự mạnh tay trước những thương vụ chính trị như vậy.

Trong giai đoạn khủng hoảng, cổ phiếu Facebook đã giảm từ 185 USD xuống 165 USD, khiến vốn hóa mất hơn 60 tỷ USD. Sự cố này cũng khiến nhiều người dùng Facebook dứt áo ra đi. Teo như bản báo cáo tài chính quý 2 của công ty, lần đầu tiên trong lịch sử, lượng người dùng tích cực hàng tháng của Facebook đã bị sụt giảm.

Bản thân CEO Mark Zuckerberg cũng bị chỉ trích vì kỹ năng lãnh đạo kém trong sự việc này. Nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Jason Calacanis cho rằng khả năng ứng phó khủng hoảng của Zuckerberg là "rất tệ" và nên "từ chức CEO để COO Sheryl Sandberg lên thay".

Ý Nhi