Thời tiết nắng nóng ở miền Nam, cùng việc người dân ở nhà nhiều hơn để chống dịch khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 3.
Những ngày này, nhiều người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3. Trong bối cảnh dịch Covid-19, hầu hết người dân phải ở nhà nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng. Từ đó, làm thay đổi bậc tính giá, dẫn đến số tiền phải trả lớn hơn.
Hiện tại, việc quyết định giảm tiền điện trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được Chính phủ quyết định.
Nhảy bậc giá
Gia đình anh Lê Văn Toàn gồm 4 thành viên (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sống trong căn hộ 90 m2 thường sử dụng gần 400 kWh điện mỗi tháng. Như vậy, với cách tính giá điện từ bậc 5 (301-400 kWh) trở xuống, số tiền nhà anh trả khoảng 850.000 đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 đứa con của anh Toàn nghỉ học ở nhà, vợ chồng cũng làm việc online từ xa khiến chỉ số giá điện tăng cao. Tháng 3, chỉ số điện gia đình anh Toàn dùng tăng 40%, lên tới 560 kWh. Tổng tiền điện thanh toán vọt lên 1,3 triệu đồng (đã tính giá theo bậc cao nhất).
Nhiều hộ dân cho biết hóa đơn tiền điện tháng 3 đang tăng vọt sau khi phải ở nhà tránh dịch. Ảnh: Huy Hải. |
Tương tự, chị Lê Thị Hồng (quận 2, TP.HCM) cũng bất ngờ với hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 vì các thành viên ở nhà thường xuyên. Hơn nữa, thời tiết Nam bộ tháng 3 vào giai đoạn nắng nóng nhất năm nên nhu cầu dùng điều hòa thường xuyên.
Chị Hòa nhận hóa đơn tiền điện là 1,1 triệu đồng, tương ứng mức tiêu thụ 500 kWh, trong khi tháng trước đó là 350 kWh (712.000 đồng).
“Tôi cũng muốn tiết kiệm điện, nhưng các cháu phải nghỉ ở nhà, vợ chồng cũng phải làm việc từ xa nên không thể không sử dụng”, chị chia sẻ.
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM), trong tháng 3 vừa qua, lượng tiêu thụ điện của nhóm hộ gia đình tăng 7,51%. Trong khi đó, nhóm sản xuất và kinh doanh dịch vụ giảm lần lượt 7,3% và 2,75%.
EVNHCM nhận định do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng (có tính quy luật hàng năm), cộng hưởng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động lên việc sử dụng điện của khách hàng. Việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà để phòng chống dịch đã làm tăng nhu cầu sử dụng điện của nhóm khách hàng sử dụng hiện cho mục đích sinh hoạt.
Tương tự, Điện lực Hà Nội cho biết lượng điện sản xuất giảm xuống, nhưng điện sinh hoạt tăng lên. Tổng sản lượng điện thương phẩm quý I tại Hà Nội đạt 4.128,56 triệu kWh, tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2019.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong quý I, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 49,4 tỷ kWh, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do biểu giá điện đã lỗi thời?
Theo một số chuyên gia, việc tăng nhu cầu sử dụng điện sẽ khiến tăng bậc giá, khiến tiền điện dễ vọt lên cao. Ví dụ, một hộ gia đình dùng trung bình 400 kWh/tháng, nghĩa là tính giá bậc 5 trở xuống. Số tiền trung bình là 850.000 đồng/tháng. Nếu gia đình này tăng nhu cầu sử dụng điện 30%, nghĩa là lên mức 520 kWh/tháng, thì tiền điện đã nhảy lên mức tính giá bậc 6. Số tiền điện là 1,2 triệu đồng.
Nhu cầu sử dụng điện tăng 30%, nhưng số tiền phải trả đã tăng 40% (1,2 triệu đồng so với 850.000 đồng). Như vậy, hoàn toàn có thể dẫn đến những bất ngờ.
Tương tự, với những hộ sử dụng điện ít, việc tăng nhu cầu sử dụng điện lại không gây quá nhiều thay đổi. Ví dụ, một hộ dân dùng trung bình 200 kWh/tháng thì số tiền phải trả là 358.000 đồng/tháng. Nếu nhu cầu tăng 30%, lên mức 260 kWh/tháng, số tiền phải trả là 484.000 đồng. Như vậy, số tiền phải trả tăng thêm 35%.
Chênh lệch giữa các bậc giá điện. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng cục Thẩm định giá (Bộ Tài chính), cho rằng việc tăng nhu cầu sử dụng điện, trong khi khoảng cách các bậc thang về giá điện quá hẹp, dễ dẫn đến việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Ông nhấn mạnh rất dễ nhảy lên bậc giá cao hơn nếu người dùng không tiết kiệm. Do đó, cần cải tiến bậc giá điện và người dân cũng nên tiết kiệm trong sử dụng.
Ông Thỏa cũng thông tin, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về việc cải tiến bậc giá điện mới với nhiều đề xuất khác nhau.
Trong đó, đáng lưu ý có phương án cơ cấu biểu giá điện 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện hành), trong đó giá điện bậc 1 từ 0-100 kWh, bậc 2 từ 101-400 kWh, bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 45.000 đến 62.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi hộ dùng 0-300 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 4.000 đến 30.000 đồng/hộ/tháng.
Ngoài ra còn biểu giá điện sinh hoạt gồm 4 bậc: Bậc 1 từ 0-100 kWh, bậc 2 từ 101-300 kWh, bậc 3 từ 301-600 kWh, bậc 4 từ 601 kWh trở lên. Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301-400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 267 đến 32.000 đồng/hộ/tháng.
Cân đối tài chính khi giảm giá
Trong khi đó, Bộ Công Thương đang đề xuất giảm 10% cho khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6). Trị giá gói này khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nên áp dụng sớm từ tháng 3. Ngoài ra, mức giảm 10% vẫn còn thấp so với mức tăng tiêu thụ của người dân.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cơ quan này đồng ý với đề xuất giảm giá điện. Tuy nhiên, các mức đề xuất lần này giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, như vậy sẽ làm giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này so với kế hoạch.
Vì thế, Bộ trưởng Tài chính lưu ý EVN phải cân đối, không để lỗ treo, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.
Hiện Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc giảm giá điện.
Theo EVN, trong quý I, tuy giá dầu có giảm nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn chạy dầu vẫn rất cao so với giá bán lẻ điện hiện nay. Do nước về các hồ thuỷ điện rất thấp (tương ứng thiếu khoảng hơn 5 tỷ kWh từ thuỷ điện) nên EVN vẫn phải huy động sản lượng lớn bù lại từ nguồn chạy dầu để đảm bảo yêu cầu vận hành đối với các nguồn thuỷ điện từ nay cho đến hết mùa khô 2020.
“Dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2020 và giá bán điện bình quân sẽ giảm, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính EVN và các tổng công ty điện lực”, doanh nghiệp này lo ngại.
Hiếu Công/Zing