Hòa Phát cũng không thể là ngoại lệ!

15/09/2018 09:44

Tỉ phú dollar Trần Đình Long từng kỳ vọng nếu hoàn thành dự án thép Dung Quất, Hòa Phát của ông 'từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4'. Và giờ đây, Quảng Ngãi đang xin Thủ tướng 'giao khu vực biển' để nhà tỉ phú nhận chìm hơn 15 triệu m3 'vật chất'.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang gấp rút thi công, trong đó có phần cảng chuyên dụng. Ảnh: Người lao động.

Sự lạ đã trở thành bình thường, thành danh chính ngôn thuận khi Quảng Ngãi vừa gửi văn bản xin “cấp phép nhận chìm vật chất ở biển và giao khu vực biển cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo báo cáo của Cty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, khối lượng vật chất nạo vét là khoảng 15,5 triệu m3. Và “Nhà đầu tư đang gặp khó trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời, cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng. Trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét cũng gặp nhiều khó khăn....” - ngoặc kép là văn bản Quảng Ngãi.

Rất rõ ràng, Hòa Phát và Quảng Ngãi muốn đổ “vật chất” ra biển vì khó đưa vào bờ tích trữ, vì chưa thể bán cho ai, lại càng không thể... xuất khẩu.

Nói thêm, để chính thức hóa việc nhận chìm vật chất, nhà đầu tư cũng đã kịp “bổ sung” báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Một câu chuyện buồn lại sắp diễn ra nếu đề nghị này được chấp nhận. Với mức thu nội địa 2017 chỉ đạt 13,9 nghìn tỉ đồng, trong đó riêng thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chiếm hơn 9,2 nghìn tỉ, Quảng Ngãi đang rất kỳ vọng vào dự án tỉ đô này như một nguồn thu bền vững ổn định.

Với Dung Quất, Hòa Phát của tỉ phú dollar sẽ có một cứ điểm để “tấn công mạnh vào thị trường miền Trung và miền Nam, nhờ lợi thế về vị trí địa lý” - lời ông Trần Đình Long.

Nhưng tiền thuế mà địa phương thu được, nhưng cái dự án hoành tráng mà vị tỉ phú đang kỳ vọng làm sao có thể dựa trên việc nhận chìm vật chất ngay tại biển miền Trung cho dù kiểu gì thì báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng khẳng định không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng môi trường biển.

Hồi tháng 8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từ chối, chưa chấp thuận cho phép Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch nhận chìm 2,5 triệu mét khối vật, chất nạo vét xuống biển. Một hành động mà dư luận ủng hộ nhiệt thành.

Hòa Phát cũng không thể là một ngoại lệ! Và có lẽ, chúng ta phải suy tính đến cả việc bỏ luôn việc cấp phép nhận chìm vật chất xuống biển, bỏ luôn bài toán lợi ích giữa tăng trưởng và môi trường.

Đào Tuấn/Lao Động

Bạn đang đọc bài viết "Hòa Phát cũng không thể là ngoại lệ!" tại chuyên mục Tiêu điểm.