HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Virus có lây lan qua hệ thống thông gió chung cư không?

11/08/2021 22:47

Nhiều người dân sống tại chung cư có một số ca mắc COVID-19 lo ngại liệu các căn hộ còn lại có khả năng bị lây nhiễm COVID-19 theo hệ thống thông gió không? Hoặc có nên đóng kín cửa chính của các căn hộ không?

Ông P.M.D.T. - trưởng Ban quản trị cụm nhà chung cư Tam Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết, thời gian gần đây, chung cư tại đó có ghi nhận một số ca COVID-19. Đáng chú ý là nhiều trường hợp các căn hộ có người dương tính ở trên cùng một trục đứng của một block chung cư.

Các căn hộ cùng block, cùng trục đứng cùng có người mắc COVID-19 điển hình như các căn 06.34 (căn hộ số 34 tầng 6), 15.34, 16.34, 19.34 của block A3, hoặc các căn hộ 13.12, 15.12 của block A3, các căn 01.07 và 04.07 của block A1. Nhóm căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Người dân cho rằng virus SARS-CoV-2 đã lây qua đường không khí, theo vô nhà từ quạt thông gió ở các nhà vệ sinh của căn hộ hoặc từ cống thoát nước, nên họ tự ý tắt quạt thông gió, bít kín lại, hoặc bịt luôn đường thoát nước ở nhà vệ sinh khi không sử dụng. Một số hộ còn khuyên nhau hạn chế vô nhà vệ sinh.

Ông D.T. nêu ra các câu hỏi: "Tôi nghe các chuyên gia nói COVID-19 có lây qua đường không khí. Nếu như lây vào các căn hộ cùng một hệ thống thông gió, cùng luồng khí như vậy thì có nên bít lỗ thông gió của căn hộ để tránh bị lây nhiễm qua đường không khí hay không?

Khi chung cư có ca COVID-19, có nên đóng kín cửa chính của các căn hộ (cửa đi ra hành lang chung) hay không? Cách phòng lây nhiễm qua không khí ở chung cư như thế nào cho đúng và khoa học?".

228698444355057382734359493213647285909112n-16286856798511008943054-1628687646303569366212-1628696769.png
Người dân bịt máy lạnh tại chung cư không sử dụng vì sợ lây lan virus COVID-19 - Ảnh: NGỌC HÀ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết việc lây lan virus còn tùy thuộc vào luồng gió và chúng ta chưa thể chứng minh được các căn hộ trong chung cư có thể lây chéo COVID-19 cho nhau do hệ thống thông gió.

Những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nhau mới có thể dẫn đến lây lan virus. Ví dụ 2 phòng trong đó có một phòng cách ly F0, nhưng cửa chung thì việc lây lan virus có thể xảy ra vì bầu không khí thông với nhau, virus có thể đi theo không khí, theo các luồng gió kéo theo vẫn có thể lây được.

Do vậy việc lây lan COVID-19 còn phụ thuộc vào thiết kế của chung cư ra sao.

Khi ở ngoài trời, lượng không khí di chuyển rất nhiều nên sẽ không đủ tải lượng virus để lây lan. Việc tồn tại của virus còn tùy thuộc vào môi trường, như vùng ẩm thấp, sương mù, nhiệt độ quá cao virus không sống được.

Ở chung cư có ca F0 cách ly tại nhà, các cửa chính ra hành lang chung cư của căn hộ này, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ có hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện của căn hộ này cần đóng chặt.

Trường hợp chung cư có F0, các cửa sổ thoáng hướng ra trời có ánh sáng, có khoảng không gian rộng thì nên mở thường xuyên để lấy đủ oxy cho F0 trong phòng có thể thở được, đồng thời giúp làm loãng tải lượng virus trong phòng.

Bác sĩ Hùng cho biết theo nghiên cứu của các cơ quan y tế thế giới, tải lượng virus khi đẩy ra không khí ngoài trời sẽ không đủ để lây nhiễm, virus bị nắng diệt khuẩn một cách tự nhiên sau một thời gian.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở các chung cư, F0 cách ly tại nhà cần mở cửa sổ thường xuyên, hạn chế sử dụng máy lạnh, các hộ dân trong chung cư cũng thực hiện tương tự.

Ngọc Hà - Thu Hiền/Tuổi trẻ