Đây là số liệu lấy từ kết quả nghiên cứu của World Data Lab. Nghiên cứu cho thấy thế giới hiện nay có khoảng 3,75 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu. Đây là những người có mức chi tiêu bình quân đầu người dao động từ 11-110 USD/ngày.
Trong 9 năm tới, Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ có thêm khoảng 750 triệu người trung lưu. Indonesia được dự báo sẽ là nước có tầng lớp trung lưu lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, vượt qua Ấn Độ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bangladesh, một quốc gia có mật độ dân số dày, là nơi được dự báo sẽ có số người trung lưu tăng nhanh nhất trong khu vực. Hiện nay, Bangladesh đang xếp ở vị trí 28 và dự kiến sẽ vươn lên vị trí thứ 11 nhờ tăng thêm 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.
Các số liệu cho thấy châu Á hiện chiếm hơn một nửa dân số trung lưu của thế giới, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 41% tiêu dùng của tầng lớp trung lưu toàn cầu. Tỷ trọng này được dự báo vượt mức 50% vào năm 2032.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục nắm giữ top 3 của xếp hạng về số dân thuộc tầng lớp trung lưu trên toàn cầu. Tăng trưởng dân số thấp hoặc thậm chí âm ở một số nền kinh tế phát triển sẽ dẫn tới sự suy giảm dân số trung lưu ở những nước như Nhật Bản, Đức, Italy và Ba Lan, theo báo cáo của World Data Lab.
Mới đây, một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển trong khu vực sẽ phục hồi ở mức 7,3% trong năm nay, sau khi âm 0,2% trong năm ngoái, nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh của nền kinh tế toàn cầu và những tiến bộ ban đầu của vaccine.
Theo BLOOMBERG