'Huê Phong, PouYuen cùng cực lắm mới giảm nhiều lao động đến vậy'

21/06/2020 13:54

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết các doanh nghiệp giảm lượng lớn lao động chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng xuất Mỹ, châu Âu. Việc sa thải có thể kéo dài đến hết năm.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết các doanh nghiệp giảm lượng lớn lao động chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng xuất Mỹ, châu Âu. Việc sa thải có thể kéo dài đến hết năm.

Theo thống kê sơ bộ đến ngày 14/4, trên địa bàn TP.HCM có 101.982 người lao động trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước đó, Cục Thống kê TP.HCM cho biết 29,52% lao động trên địa bàn mất việc làm trong quý I. Lao động trong tháng 4 tiếp tục giảm khoảng 36,62%, đưa tỷ lệ lao động bình quân 4 tháng đầu năm còn 67,14% so với cùng kỳ.

Trong các ngành công nghiệp, da giày và dệt may đối mặt với mức cắt giảm lao động cao nhất, lần lượt là 61,92% và 42,6%. Lý do là những doanh nghiệp trong ngành chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng xuất khẩu và vốn sử dụng lượng lao động lớn.

Hết hợp đồng, mỗi doanh nghiệp sa thải cả nghìn lao động

Nhận định về tình trạng này, bà Diệu Thúy cho rằng các doanh nghiệp cắt giảm lượng lớn lao động thời gian qua chủ yếu là những đơn vị chuyên gia công theo đơn đặt hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ, và sử dụng rất nhiều công nhân. Do đó, khi dịch Covid-19 còn chưa được kiềm chế ổn định, những doanh nghiệp này thiếu đơn hàng trầm trọng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải nhân viên trên diện rộng.

"Huê Phong là bài học đầu tiên và chúng tôi rất chia sẻ với họ về những khó khăn và nỗ lực hỗ trợ lao động. Huê Phong và PouYuen phải cùng cực lắm mới cắt giảm nhiều lao động đến vậy", bà nói.

Thực tế, Công ty CP giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, 90% đơn hàng bị hủy, nên phải cắt giảm 2.220 lao động từ ngày 15/6.

Trước đó, doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tổng doanh thu năm 2019 là gần 1.347 tỷ đồng, trong đó mảng xuất khẩu đem về hơn 1.265 tỷ đồng.

PouYuen là một trong những doanh nghiệp có nhiều lao động nhất ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Mới nhất, công ty chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng thông báo cắt giảm 2.786 công nhân, trong đó 83% là lao động nữ. Nguồn tin của Báo Lao động cho biết, những công nhân này có thời gian làm việc cho PouYuen từ 7-8 năm, người có thâm niên làm việc lâu nhất là 22 năm.

Lý do là số lượng đơn hàng liên tục giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp như điều chỉnh sản xuất, sắp xếp ca làm việc luân phiên từ tháng 2 để cố gắng duy trì hoạt động và công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, tình hình đơn hàng trong nửa cuối năm chưa khả quan, công ty buộc phải cắt giảm lao động.

Đây là 2 doanh nghiệp có số lượng nhân sự sa thải cao nhất tại TP.HCM do đại dịch vừa qua. Ngoài ra, nguồn tin của Zing cho thấy một số doanh nghiệp dệt may, da giày khác trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cũng đã cắt giảm hoặc đang lên kế hoạch cắt giảm vài trăm nhân sự để cầm cự.

Chia sẻ với Zing, bà Diệu Thúy cho rằng tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất đến cuối năm, đặc biệt đối với những doanh nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động. "Điều chúng tôi lo lắng nhất là chính sách hỗ trợ cho người lao động", bà tâm sự.

Hỗ trợ tốt nhất cho người lao động

Theo bà Diệu Thúy, đến nay, tất cả doanh nghiệp có thông tin cắt giảm lao động đều phối hợp tốt với Liên đoàn Lao động TP.HCM và công đoàn cơ sở để đưa ra chính sách tốt nhất có thể cho người lao động.

"May mắn là cả Huê Phong và PouYuen, với lượng giảm lao động lớn, đã có chính sách tương đối thỏa đáng, người lao động cơ bản chưa có ý kiến gì, họ vẫn chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp", bà cho biết.

Trong báo cáo kế hoạch gửi UBND quận Bình Tân ngày 18/6, PouYuen cho biết gần 3.000 công nhân trong đợt cắt giảm này không cần đến công ty nhưng vẫn được hưởng nguyên lương cho đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Tiền phép năm (nếu có) và tiền lương những ngày còn lại trong tháng chấm dứt HĐLĐ sẽ được thanh toán trong vòng 7 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

Bên cạnh đó, công ty sẽ chi trả trợ cấp cho toàn bộ thời gian làm việc tại công ty, với một tháng lương cho mỗi năm làm việc, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay. Trường hợp thời gian làm việc lẻ trên 6 tháng được tính tròn một năm, dưới 6 tháng tính là nửa năm. Nguồn tin của Báo Lao động cho biết người lao động được hưởng mức trợ cấp cao nhất là 250 triệu đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng hỗ trợ người lao động thực hiện các thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong tương lai, PouYuen sẽ ưu tiên tiếp nhận những lao động này khi có nhu cầu tuyển dụng.

Người lao động bị cho nghỉ việc thời gian qua cơ bản đồng tình với các giải pháp hỗ trợ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong khi đó, Huê Phong đã dành ra gần 53 tỷ đồng để chi trả trợ cấp mất việc làm cho 2.220 công nhân bị chấm dứt HĐLĐ, đồng thời trả đủ lương cho thời gian còn thời hạn HĐLĐ mà không cần đi làm, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác, do không có khả năng trợ cấp bổ sung cho người lao động, nên đưa ra hỗ trợ khác phù hợp như gia hạn bảo hiểm, hoặc chỉ cho nghỉ việc những nhân sự hết thời hạn HĐLĐ hoặc đang nghỉ thai sản.

Chị H., nhân viên một doanh nghiệp chuyên gia công hàng dệt may ở quận 12, TP.HCM cho biết, Covid-19 đến trong giai đoạn chị nghỉ thai sản và sắp hết hạn HĐLĐ, do đó chị không được tái ký hợp đồng hay hưởng khoản trợ cấp mất việc nào từ công ty. Mặc dù vậy, công ty hỗ trợ gia hạn bảo hiểm y tế cho chị và bé, nên cũng đỡ được phần nào.

"Đến tháng 10 khi bé tròn 6 tháng, nếu công ty ổn định và gọi về làm việc thì tôi sẽ quay lại. Nếu không, chắc tôi sẽ ở nhà chăm cho bé cứng cáp luôn, chứ giờ xin việc chỗ nào cũng khó", chị H. chia sẻ.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động TP và các cơ quan chức năng đang hỗ trợ, giới thiệu người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp cùng ngành nghề còn duy trì sản xuất, đồng thời giám sát việc thực hiện quyền lợi cho người lao động. Trong điều kiện các doanh nghiệp không đủ khả năng trợ cấp cho người lao động, bà Thúy cho biết chính quyền sẽ tính toán các giải pháp hỗ trợ khác.

"Từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh và kinh tế chưa biết như thế nào, nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao để đảm bảo quyền và lợi ích cao nhất cho người lao động", bà khẳng định.

Lan Anh

Theo Zing