Tỷ phú công nghệ Jack Ma cho rằng sinh viên ra trường đi học thạc sĩ luôn là vô ích, bởi kiến thức và sự thông thái chỉ có thể đạt được khi làm việc chăm chỉ chứ không phải từ sách vở nhà trường.
Jack Ma không tuyển người giỏi nhất, đặc biệt là các thạc sĩ vì cho rằng sinh viên ra trường mà học thạc sĩ luôn là vô ích
Trong thời kì bùng nổ mạng internet toàn cầu, nhân sự có trình độ cao trong giới công nghệ tại Trung Quốc liên tục nhảy việc và tìm kiếm vị trí tốt hơn cho mình trong các công ty lớn hoặc đơn giản hơn là tự mình khởi nghiệp. Sự cạnh tranh trong việc săn tìm nhân sự cũng kéo theo đó là đãi ngộ cho những công việc như lập trình viên, thiết kế, quản lý dự án... cũng tăng theo.
Ở thời điểm đó, tất cả các công ty công nghệ đều cạnh tranh nhau để lôi kéo được những người tài giỏi nhất. Tuy nhiên, Jack Ma lúc này đã lựa chọn một hướng đi khác cho Alibaba, đó là tìm cách tuyển dụng nhân sự theo một con đường hẹp hơn tại những thành phố nhỏ, ít phát triển.
Địa điểm được Jack Ma lựa chọn chính là Hàng Châu. Khác với Bắc Kinh và Thượng Hải, hai đô thị lớn bậc nhất của Trung Quốc, nhân lực tuyển dụng được tại Hàng Châu chủ yếu là sinh viên vừa mới tốt nghiệp cùng với một số ít là cư dân địa phương. Dù chất lượng nhân sự tuyển dụng không được cao như tại các đô thị lớn nhưng bù lại, Alibaba không phải cạnh tranh với bất kì đối thủ nào trong khâu tuyển dụng. Tại Hàng Châu chỉ có một vài công ty công nghệ nhỏ và họ nhanh chóng bị Alibaba đánh bật khỏi cuộc chơi.
Một lợi thế tiếp theo của Alibaba chính là khoảng cách khá xa giữa Hàng Châu và Thượng Hải. Cần tới 2 giờ di chuyển trên xe ô tô để đi từ Hàng Châu đến Thượng Hải khiến cho Alibaba gần như trở thành lựa chọn duy nhất của những nhân lực chất lượng cao tại Hàng Châu. Và với lợi thế này, Alibaba cũng không cần phải chi trả quá nhiều cho đãi ngộ để níu giữ các nhân viên chất lượng cao như những công ty công nghệ tại các đô thị lớn.
Có thể làm một phép so sánh đơn giản như thế này, mức lương thưởng chi trả cho một kĩ sư công nghệ thông tin tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải lớn gấp 2 lần so với tại Hàng Châu. Jack Ma từng chỉ ra rằng việc tiết kiệm chi phí cho nhân lực cũng là lợi thế lớn của Alibaba trong chiến lược của tập đoàn này:
"Tại Silicon Valley, cần từ 50.000 đến 100.000 USD để làm một lập trình viên hài lòng. Với số tiền này, chúng tôi đủ để thuê tới 10 lập trình viên tài năng tại Trung Quốc."
Bên cạnh đó, việc đặt trụ sở tại Hàng Châu, một đô thị hạng hai tại Trung Quốc cũng giúp Alibaba tiết kiệm được chi phí xây dựng trụ sở của mình. Ví dụ cụ thể là vào năm 2000, khi Alibaba chuyển tới trụ sở rộng tới hơn 18.000 mét vuông của mình, công ty chỉ phải chi khoảng 80.000 USD chi phí thuê 1 năm. Trong khi đó, nếu đặt trụ sở tại Bắc Kinh, chi phí này có thể bị đội lên gấp nhiều lần. Jack Ma cũng từng chia sẻ quan điểm rằng ông thích đặt trụ sở ở các thành phố xa trung ương hơn:
"Dù là cơ sở hạ tầng có thể không tốt bằng các đô thị lớn như Thượng Hải, nhưng tôi thấy càng đặt trụ sở xa trung tâm càng tốt."
Đừng tuyển những người giỏi nhất
Không chỉ lựa chọn các đô thị hạng hai để đặt trụ sở, Jack Ma còn có cách tuyển dụng khá khác người, đó là ông thích lựa chọn những người có trình độ trung bình hoặc chỉ chọn người giỏi thứ 2 trong danh sách. Jack Ma giải thích rằng những tài năng tỏa sáng khi ngồi trên ghế nhà trường thường dễ nản chí hơn khi gặp khó khăn trong đời thực.
Tất nhiên, khi đã lựa chọn những người top dưới, Jack Ma cũng sẽ không trả cho họ mức lương cao như những nhân sự tài năng. Theo lời kể của vị tỷ phú này thì mức lương của các nhân sự thời đầu tại Alibaba chỉ khoảng 50 USD mỗi tháng. Nhân viên thường phải làm đủ 7 ngày 1 tuần với cường độ cao tới 16 tiếng mỗi ngày. Jack Ma thậm chí còn chỉ cho phép nhân viên nghỉ giải lao khoảng 10 phút để không lãng phí thời gian làm việc.
Trong giai đoạn khởi nghiệp này, Jack Ma định hướng Alibaba theo phong cách của một công ty công nghệ điển hình Silicon Valley. Đó là mỗi nhân sự dù được trả lương rất thấp, phải làm việc với cường độ cao nhưng bù lại sẽ được hứa thưởng một khoản cổ phần của công ty sau ít nhất 4 năm cống hiến. Ở thời điểm đó thì cách quản lý này vẫn còn khá mới mẻ tại Trung Quốc. Các công ty khác vẫn đang quen với cách thức quản lý kiểu cũ là sếp nắm quyền lực tuyệt đối, trả lương và thưởng chứ không tặng cổ phần cho nhân viên.
Đến khi Alibaba trở thành một công ty công nghệ hàng đầu, lượng email đặt hàng tăng lên khiến đội ngũ kĩ thuật, lập trình viên của Alibaba lại bị điều chuyển sang trở thành những tư vấn viên bất đắc dĩ. Họ phải hướng dẫn và giúp khách hàng làm quen với công nghệ hiện đại từ việc bật máy, khởi động lại máy ra sao cho đến mua hàng như thế nào...
Trong một case study về Alibaba, giám đốc nhân sự kiêm đồng sáng lập Alibaba Lucy Peng đã từng chia sẻ rằng: "Alibaba không cần tuyển những người có kinh nghiệm, chúng tôi cần người có sức khỏe, có trái tim và cái đầu minh mẫn.
Triết lý lựa chọn nhân viên của Jack Ma đặt ra cho Alibaba cũng từng được ông tiết lộ khi nhận xét về xu hướng các bạn trẻ lựa chọn đi học thạc sĩ luôn ngay sau khi ra trường: "Không cần thiết phải học thạc sĩ. Đa phần các bạn tốt nghiệp thạc sĩ đều không làm việc hiệu quả... Trừ khi các bạn học xong và quên hết đi những gì đã học thì mới hữu dụng được. Bởi vì nhà trường chỉ dạy cho các bạn kiến thức, trong khi làm kinh doanh cần sự thông thái. Sự thông thái thì chỉ có thể có được thông qua kinh nghiệm làm việc. Kiến thức cũng có thể đạt được khi làm việc chăm chỉ."
Như vậy, có thể thấy rằng theo quan điểm của Jack Ma thì chỉ có làm việc chăm chỉ mới giúp tạo nên đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Và Alibaba của ông thường lựa chọn những người trung bình, cho họ cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và làm việc chăm chỉ thay vì các ứng viên tài năng nhưng lại hay nhảy việc.
Theo Thu Trang/Trí Thức Trẻ