Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Jack Ma: Nếu muốn được tôn trọng, bạn cần có LQ, chỉ số mà máy móc không bao giờ có được

22/05/2018 17:26

Jack Ma nhận định con người thì có tâm hồn, niềm tin và giá trị; chúng ta sáng tạo và cho thấy mình có thể điều khiển máy móc.

Những nhà lãnh đạo tài giỏi thường phát triển nhiều loại hình thông minh khác nhau. Dĩ nhiên là có IQ, chỉ số thông minh đã lỗi thời. Ngoài ra còn có EQ, chỉ số thông minh cảm xúc, một khái niệm phổ biến trong vài năm gần đây. Tiếp theo là loại hình thông minh mà Jack Ma gọi là "LQ."

Jack Ma từng phát biểu: "Nếu muốn được tôn trọng, bạn cần có LQ. Vậy LQ là gì? Đó là chỉ số của lòng yêu thương, chỉ số mà máy móc không bao giờ có được."

Tại diễn đàn Bloomberg Global Business Forum, Jack Ma nói ông tin với trí tưởng tượng và khả năng suy nghĩ nhạy bén hơn máy móc, con người sẽ tìm ra giải pháp cho những vấn đề nghiêm trọng nhất mà toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm tình trạng nghèo đói, biến đổi khí hậu và bệnh tật. Tuy nhiên, Jack Ma cho rằng giải pháp sẽ không đến từ những người trên 50 tuổi, chủ yếu là do người lớn tuổi có xu hướng lo lắng thái quá.

Jack Ma khuyến khích mọi người chú ý đến giới trẻ vì họ không lo lắng quá nhiều về tương lai. Thay vào đó, họ đang lo lắng về việc những nhà lãnh đạo trên thế giới không thay đổi và sử dụng công nghệ một cách đúng đắn.

Từng là giáo viên, Jack Ma cảnh báo những người đứng đầu chính phủ nên "quan tâm đến giáo dục". Bởi hiện tại ta đang dạy trẻ em những điều không phù hợp, những điều mà máy móc có thể làm giỏi hơn con người. Ông cho rằng lối tư duy này sẽ khiến nhiều người trẻ mất việc vào tay trí tuệ nhân tạo và máy tính.

Thay vì khuyến khích con người ngày càng trở nên giống máy móc, ta nên tạo ra những chiếc máy giống con người, Jack Ma đề xuất.

"Máy móc không có trái tim, không có tâm hồn và cũng chẳng có niềm tin. Nhưng con người thì có tâm hồn, niềm tin và giá trị; chúng ta sáng tạo và cho thấy mình có thể điều khiển máy móc," ông nhận định. Những tố chất này sẽ giúp con người theo đuổi một quá trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn.

 Theo Mai Phương/Nhịp Sống Kinh Tế