Jack Ma: Những người không tiền tệ, không quan hệ như tôi chỉ sở hữu duy nhất một thứ để cạnh tranh với người khác và gây dựng Alibaba thành công

06/06/2019 18:10

Ông chủ Alibaba từng nói: "Khi tất cả mọi người đều biết về một điều gì đó, bạn sẽ không có cơ hội. Còn khi chỉ một vài người biết và bạn tin vào điều đó, đây chính là cơ hội tiềm năng của bạn".


Ông chủ Alibaba từng nói: "Khi tất cả mọi người đều biết về một điều gì đó, bạn sẽ không có cơ hội. Còn khi chỉ một vài người biết và bạn tin vào điều đó, đây chính là cơ hội tiềm năng của bạn".

Jack Ma lớn lên ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tốt nghiệp đại học xong, ông đi xin việc và bị từ chối đến 30 lần trước khi trở thành giáo viên tiếng Anh. Sau đó, khi tiếp xúc với Internet trong một chuyến đi đến Mỹ năm 1995, ông đã trở về Trung Quốc và thành lập trang thương mại điện tử Alibaba trong tình cảnh không biết một chút gì về kinh doanh hay kỹ thuật. Ở thời điểm hiện tại, Jack Ma sở hữu khối tài sản trị giá 38 tỷ USD và công ty do ông thành lập có vốn hóa thị trường ước tính hơn 396 tỷ USD.

Tại Hội nghị Viva Tech diễn ra tại Paris vào tháng 5 vừa qua, vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc nói: "Tôi cho rằng nếu thực sự cố gắng, mọi người ai cũng có thể thành công".

Jack Ma: Những người không tiền tệ, không quan hệ như tôi chỉ sở hữu duy nhất một thứ để cạnh tranh với người khác và gây dựng Alibaba thành công - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma tại Viva Tech 2019.

Thực tế bản thân Jack Ma đã chứng minh cho câu nói đó. Năm 1999, ông gây dựng công ty ngay tại căn hộ của mình với hai bàn tay trắng: Không có tiền, không hiểu biết về chuyên môn. Ông gần như không có gì ngoài sự nỗ lực và kiên trì.

Ông chủ Alibaba chia sẻ: "Nếu bị mọi người chỉ trích, bạn cần suy nghĩ về điều đó. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghĩ về tương lai cũng như lắng nghe lời phàn nàn. Bởi vì những người không có tiền, không có quan hệ và không có cả công nghệ như tôi chỉ sở hữu một thứ duy nhất để cạnh tranh với người khác là tầm nhìn tương lai".

Trong một buổi phỏng vấn năm 2015, Jack Ma kể lại: "Khi đến Seattle năm 1995 và được tiếp xúc lần đầu với Internet, tôi đã tìm từ khóa ‘China’ nhưng chẳng có một chút thông tin nào. Vì vậy tôi cùng bạn mình đã tạo ra một trang nhỏ trông khá xấu xí tên là ‘China’. Đó là cơ sở để tôi thành lập Alibaba sau này. Khi tất cả mọi người đều biết về một điều gì đó, bạn sẽ không có cơ hội. Còn khi chỉ một vài người biết và bạn tin vào điều đó, đây chính là cơ hội tiềm năng của bạn".

Có lẽ ít ai từng trải qua nhiều lần bị từ chối như Jack Ma. Ông từng trượt kỳ thi trọng điểm ở tiểu học 2 lần và 3 lần ở trung học cơ sở. Lên Đại học, ông nộp đơn vào Harvard và bị từ chối 10 lần. Cuối cùng, ông theo học và tốt nghiệp trường Sư phạm Hàng Châu chuyên ngành tiếng Anh.

Ngoài ra, Jack Ma còn là người duy nhất không được nhận trong số 24 người ứng tuyển làm việc tại KFC, bị từ chối khi xin làm cảnh sát và bồi bàn ở một khách sạn 4 sao tại Hàng Châu.

Ngay cả sau khi ra mắt Alibaba, người đàn ông nhỏ bé này vẫn phải đối mặt với sự khước từ. Năm 2001, Ma cố gắng huy động 5 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm từ Mỹ nhưng không đạt được mục đích. Mặc dù vậy, ông vẫn rất kiên trì chèo lái công ty. Đến năm 2014, Alibaba đã tiến hành thương vụ IPO kỷ lục với việc huy động thành công 25 tỷ USD.

Jack Ma: Những người không tiền tệ, không quan hệ như tôi chỉ sở hữu duy nhất một thứ để cạnh tranh với người khác và gây dựng Alibaba thành công - Ảnh 2.

Alibaba là hãng thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc.

Theo vị tỷ phú 54 tuổi, điều quan trọng là bạn không được để sự thất bại khiến mình thất vọng trong thời gian dài: "Tất nhiên, ai cũng sẽ không vui khi bị từ chối. Hãy ngủ một giấc thật ngon rồi thức dậy và thử một lần nữa. Một trong những bí quyết thành công của tôi là không bao giờ bỏ cuộc".

Chia sẻ về việc gây dựng thành công đế chế thương mại điện tử Alibaba khi hầu như không biết gì về công nghệ hay marketing, Jack Ma cho biết: "Điều duy nhất mà tôi biết là về con người. Tôi đã học được cách truyền cảm hứng và trao quyền cho mọi người từ công việc đầu tiên của mình, một giáo viên tiếng Anh. Tôi tập trung vào khách hàng và đồng nghiệp chứ không phải lúc nào cũng chỉ muốn làm hài lòng các nhà đầu tư. Họ là những người bỏ đi rất nhanh khi công ty gặp vấn đề.

Đừng dành thời gian cho nhà đầu tư hay đối thủ của mình. Khi nhìn vào khách hàng, bạn muốn phục vụ họ. Khi nhìn vào đồng nghiệp, nếu họ hạnh phúc, bạn đã chiến thắng được phần nào. Đây là một điều rất đơn giản".


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ